187 nhà báo, người làm báo được tuyên dương tại Hội nghị lần này là những cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tiêu biểu đang công tác tại các cơ quan báo chí trong cả nước. Đây là những người làm báo có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác; hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, bảo vệ công lý và lẽ phải; có những thành tích nổi bật, đóng góp xuất sắc trong hoạt động báo chí; có uy tín, được cơ quan, đồng nghiệp tín nhiệm, đánh giá cao…Hội nghị lần này, Đài TNVN có 2 nhà báo được tuyên dương, đó là Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký biên tập; Nhà báo Lại Thị Hoa, Ban Thời sự VOV1. Trong 7 nhà báo lão thành được tuyên dương tại Hội nghị lần này, VOV cũng có 2 nhà báo lão thành: Nhà báo Phan Quang và Nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc.Tại Hội nghị, đại diện những người làm báo trong cả nước có dịp giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ công tác trong thời gian tới.Trước thềm Hội nghị, phóng viên VOV.VN đã có cuộc gặp gỡ với một số đại diện người làm báo tiêu biểu.Nhà báo Lãnh Thiết (Đài PT-TH tỉnh Cao Bằng): Gắn bó với nghề báo đến nay đã 35 năm, từng trải qua khá nhiều thăng trầm. Có những lúc khó khăn đến mức anh từng nghĩ sẽ nhận lời chuyển sang một công việc mới. Tuy nhiên, nghiệp báo đã gắn bó và giữ chân anh đến tận bây giờ chỉ với một lý do duy nhất: yêu nghề. Nhà báo Lãnh Thiết (Đài PT-TH tỉnh Cao Bằng) “Làm báo ở tỉnh lẻ, đặc biệt ở địa bàn như tỉnh Cao Bằng, là cực kỳ khó khăn. Để vượt qua được những khó khăn đó mà gắn bó với nghề, nguồn năng lượng chính là những vị Tổng Biên tập, những người lãnh đạo, dẫn dắt cơ quan báo chí đó. Họ cần có sự nhìn nhận, khuyến khích, thúc đẩy anh em làm báo vượt lên”, anh Thiết chia sẻ. Anh Thiết cho biết, 35 năm qua anh đã may mắn khi được gắn bó với Đài PT-TH tỉnh Cao Bằng, với những vị lãnh đạo rất biết cách khích lệ anh em dấn thân với nghề. Trong khoảng thời gian ấy, tuy chưa có vinh dự được nhận giải Vàng, nhưng giải Bạc, Bằng khen ở các giải thưởng báo chí trung ương và địa phương anh đều có cả. Nghề báo cũng đã giúp anh có cơ hội được đi tới nhiều nơi, được trải nghiệm nhiều điều và gặp gỡ rất nhiều người. Với anh đó là điều sướng nhất trong cuộc đời mỗi con người.Và hạnh phúc hơn cả với anh đó là nhìn thấy những hiệu ứng tích cực từ cộng đồng, xã hội sau mỗi bài báo mang đầy tâm huyết của mình được lên sóng. Nhìn sang đồng nghiệp ở các địa phương lân cận, đời sống của người làm báo tỉnh Cao Bằng còn nhiều hạn chế, nhưng đổi lại bằng những vinh quang mà nghề báo mang lại, anh Thiết cho rằng, nếu như chọn lại thì anh vẫn chọn nghề báo. Nhà báo Nay H'Ne Chị Nay H’Ne (Đài PT-TH tỉnh Gia Lai): Năm nay, tròn 20 năm chị H’Ne công tác tại Đài PT-TH tỉnh Gia Lai. Bắt đầu từ công việc biên dịch, phát thanh viên tiếng Gia Rai, dần dần được lãnh đạo đài tin tưởng, khuyến khích, chị H’Ne chuyển dần sang làm công tác phóng viên. Với lợi thế về ngôn ngữ, chị H’Ne chuyên tâm các bài tìm hiểu phản ánh đời sống, phong tục tập quán, văn hóa của người dân tộc Gia Rai. Chị H’Ne chia sẻ, để gắn bó và làm tốt công việc trong 20 năm qua, chị luôn phải học cách sắp xếp khoa học mọi công việc của gia đình lẫn công việc ở cơ quan. Ban ngày, ngoài thời gian đi làm, thời gian còn lại chị dành cho gia đình, con cái. Tối đến mới là lúc chị nghiên cứu tư liệu viết bài. Đáp lại cho những nỗ lực gắn bó với nghề, chị H’Ne cũng đã có những thành quả thể hiện qua những bằng khen, giải thưởng của địa phương.Được lựa chọn tham dự Hội nghị Người làm báo tiêu biểu là một vinh dự rất lớn đối với chị H’Ne. “Mình cảm nhận những nỗ lực lâu nay với nghề đã được lãnh đạo Đài ghi nhận. Sự ghi nhận đó cũng sẽ là động lực thôi thúc mình tiếp tục cống hiến và hoạt động có trách nhiệm hơn nữa với nghề báo”, chị H’Ne bày tỏ. Nhà báo Nguyễn Viết Lam Anh Nguyễn Viết Lam (Báo Biên Phòng): Xuất thân trong gia đình có truyền thống quân ngũ, nên sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế chuyên ngành báo chí, anh Lam vẫn nuôi quyết tâm được cống hiến cho quân đội và viết đơn xin nhập ngũ. Sau quá trình huấn luyện, anh Lam về công tác ở một đơn vị biên phòng ở Nghệ An. Thời gian này, anh thường xuyên có các bài viết cộng tác với báo Biên Phòng, báo Quân đội Nhân dân. Hiểu được đam mê của anh, các thủ trưởng đã điều động anh về công tác tại báo Biên Phòng. Từ đó đến nay anh đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề báo.Với đặc thù của báo Biên Phòng, anh cùng các đồng đội thường xuyên đi công tác về những nơi xa xôi, hẻo lánh để tìm hiểu cuộc sống của bà con cũng như phản ánh cuộc sống, lao động, công tác huấn luyện của cán bộ chiến sĩ. Trong năm đầu tiên về báo, anh Lam đã tới 44 tỉnh thành có các đơn vị bộ đội biên phòng đóng quân. Bù lại cho những vất vả, đi lại nhiều, địa hình xa xôi, khó khăn nhưng anh và những người lính cầm bút của báo được khám phá những vùng đất mới, được tiếp xúc, nói chuyện với đồng bào dân tộc thiểu số, với đồng đội, đồng chí ở các đồn biên phòng, từ đó chuyển tải những tâm tư tình cảm của họ vào mỗi bài viết. “Càng tiếp xúc với đồng bào, chiến sĩ, mình cảm nhận được cuộc sống của bản thân có nhiều ý nghĩa hơn, nó giúp cho mình sống đơn giản, nhẹ nhàng hơn. Càng đi nhiều mình lại càng muốn khám phá nhiều. Mình quan niệm nghề nào cũng vậy, đặc biệt nghề báo, muốn làm báo tốt trước hết mình phải là một công dân tốt. Mình lại là một quân nhân nên trách nhiệm của mình là phải tuân thủ điều lệnh, điều lệ, kỷ cương của quân đội. Mình rất tâm đắc bài học khi còn ngồi trên giảng đường đó là khi gặp một vụ tai nạn trên đường, việc đầu tiên mà người làm báo cần làm chưa hẳn là chụp ảnh, đưa tin, mà cần thể hiện trách nhiệm công dân, cùng mọi người cứu nạn, cứu hộ”, anh Lam chia sẻ./.