Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người thầy thắp sắng xóm Mồ Côi

Thứ ba, 20/11/2012 - 06:47

(Thanh tra)- Cách trung tâm TP Huế 10 cây số về phía Nam, có một người biến nhà mình thành trường học, tự làm thầy giáo tiểu học cho trẻ con, xóa mù chữ cho người già. Những đứa trẻ thò lò mũi xanh chập chững từ lớp học này, giờ đã vươn xa đến các trường đại học danh tiếng. Dù đi đâu, ký ức lũ trẻ vẫn luôn đọng đầy hình ảnh thân thương của người thầy đã làm sáng xóm nhỏ Mồ Côi, cầm tay dìu chúng viết nên nét chữ đầu tiên.

Thầy Hòa và học trò ở lớp học xóm Mồ Côi. Ảnh: Thanh Bình

Xóm Mồ Côi (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - lưng tựa bãi tha ma, mặt trông ra phá Tam Giang mịt mù sóng nước. Đời này nối đời kia, ngư dân xóm Mồ Côi mải loay hoay chài lưới nên chuyện học hành bị bỏ bê, quên lãng. Trẻ con lọt lòng là nghe tiếng sóng, chập chững biết đi phải bì bõm lom khom cùng mẹ cha bắt hến, cào nghêu. Mưu sinh lam lũ, trường lớp xa xôi nên cho đến tận những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, có trai tráng xóm Mồ Côi đưa người yêu lên UBND làm giấy kết hôn còn phải ký tên bằng cách lăn tay, điểm chỉ.

Cách TP Huế không xa, nhưng sự cách trở giao thông và thất học khiến xóm nhỏ Mồ Côi thêm côi cút, vời vợi mông lung trước tốc độ phát triển không ngừng của cuộc sống văn minh.

Lời đồn đại về người thắp sáng xóm Mồ Côi, thôi thúc tôi tìm đến vùng đầm phá. Đang trưa, nhưng lớp xóa mù của thầy giáo Trần Hòa vẫn có những ngư dân tóc bạc khoanh tay ngay ngắn ngồi trông lên tấm bảng xanh. Đang hì hục tập đánh vần, các lão ông, lão bà vội đứng lên xin phép thầy cho ra bãi chuyển cá lên bờ vì tiếng lục cục ngoài ấy cho thấy ghe thuyền mới về. Lớp học bỗng chốc vắng hoe và câu chuyện mở lớp, làm thầy của ngư dân Trần Hòa từ năm 1990 - đưa người tôi về miền ký ức dịu lắng ở ngôi làng ngư dân tềnh toàng trên cát bỏng.

Từ quốc lộ 1, chỉ có 1 con đường nhỏ băng qua nhiều hói nước dẫn vào xóm Mồ Côi. 50 căn nhà và khoảng 200 nhân khẩu xóm Mồ Côi vốn là cư dân 3 xã Phú Mỹ, Phú An, Phú Xuân (huyện Phú Vang) quy tụ lại, mưu sinh bằng chài lưới, canh tác nông nghiệp. Trẻ con, người lớn cùng ngồi chung lớp học thầy Hòa, nhưng khi có họp hành thì “dân xã mô lại về xã nớ”. Vì là “con dân” của 3 xã nên việc học đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Hơn 20 năm trước, trong một lần có việc lên xã, chứng kiến cảnh bạn đồng trang lứa lăn tay điểm chỉ vào giấy tờ, chàng thanh niên Trần Hòa đi đến quyết định biến nhà mình thành trường học. “Chỉ cần dạy con nít ở Mồ Côi biết đọc biết viết để bọn hắn khỏi phải lăn tay lên giấy tờ như cái thời của chị Dậu. Suy nghĩ ban đầu của tui chỉ có rứa thôi anh nờ”, thầy Hòa chậm rãi kể.

Nghĩ thì đơn giản, nhưng việc dọn sạch đồ đạc trong nhà, kê bàn ghế dạy học không công của chàng thanh niên Trần Hòa lúc bấy giờ gian nan và chông gai lắm. Dân xóm Mồ Côi cứ rảnh rỗi ngồi lại với nhau là lại hỏi: “Cái thằng ni hắn khùng hay răng rứa hè?”. Cho đến một ngày, những người hăng hái bảo “thằng Hoà khùng” như tỉnh ngộ khi chứng kiến con cái mình không chỉ đọc thông viết thạo mà còn biết làm Toán.

Con nít xóm Mồ Côi, hết lứa này đến lứa khác, học thầy Hòa từ vỡ lòng đến lớp 4 rồi ra trường huyện, khiến mọi người nể phục chàng trai này. 2 tiếng “thầy Hòa” đầy kính trọng từ tâm khảm dân xóm Mồ Côi, là lý do để Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Vang quan tâm đến lớp học đặc biệt của thầy ở xóm nghèo heo hút.
Ban đầu, lãnh đạo Phòng chỉ gặp gỡ, động viên, hỗ trợ kinh phí giúp anh duy trì việc dạy học. Nhưng sau đó, họ đã đề xuất lên cấp trên công nhận lớp học ở xóm Mồ Côi là điểm trường của Trường Tiểu học xã Phú Mỹ.

Điểm trường luôn có gần 40 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Là con em của ngư dân, nông dân lam lũ nên học trò của thầy Hòa chưa thể có đồng phục đến trường. Cao thấp, gầy gò, đen, trắng khác nhau, nhưng con nít xóm Mồ Côi đều say sưa học tập và giống nhau ở chỗ, đứa nào cũng rất yêu quý và kính trọng thầy Hòa.

Mấy năm nay, thầy giáo Hòa còn bỏ nghỉ trưa để xóa mù chữ cho những người lớn tuổi trong xóm, trong xã. Nhiều người đã là ông nội, bà ngoại, biết đọc biết viết rồi vẫn đều đặn đến lớp, hy vọng được đi thi như đám con nít.

“Lớp của tui chừ vui lắm anh nờ. Ngoài trường cử vô thêm một cô giáo nữa. Rứa là khỏi lo chuyện học hành cho đám con nít xóm ni rồi đó anh”. Chìa cho tôi xem thư của 4 đứa trẻ xóm Mồ Côi đang học đại học ở Hà Nội, Sài Gòn, mắt thầy Hòa rơm rớm. Để có ngày hôm nay, thầy đã đi qua một chặng đường dài. Con đường ấy là duyên nợ và cũng là vinh quang của một đời người. 

 D.Th.Tùng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”

Trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”

(Thanh tra) - Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), ngày 12/12, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức lễ ra mắt trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”.

Thái Hải

20:36 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm