Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 25/06/2012 - 10:12
(Thanh tra) - Phóng viên Báo Thanh tra đã ghi lại tâm sự về nghề báo của một số nhà báo, phóng viên và đại diện cộng đồng doanh nghiệp nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.
Đào Tuấn Anh (ngồi ở giữa) trong chuyến công tác tại Lào
Nhà báo Đào Tuấn Anh - Báo Sài Gòn Giải Phóng: Tôi thích sự xê dịch
Nhà báo Đào Tuấn Anh đã lăn lộn qua đủ các ban tại báo SGGP và có những trải nghiệm thú vị về nghề báo: “Tôi thích sự lãng mạn, thích một cuộc sống không nhuốm màu thực dụng. Mà thật khó có nó thời nay. Tôi ghét nhất sự giả dối và sự đố kỵ. Ngay trong nghề báo cũng có đủ thứ hỷ, nộ, ái, ố mà cứ nghĩ cũng điên đầu… Thôi thì cứ như người Nga nói Nhichevô để dễ sống”.
Nghề báo qua lăng kính của anh là khổ mà vui. Không phải quá nghèo cũng chẳng giàu sang phú quý gì. Làm báo nghĩa là đang đứng trên cầu thăng bằng, sơ sẩy một chút là có thể ngã lộn đầu.
Làm báo Đảng như báo SGGP, là một thử thách lớn khi bạn phải viết sao cho hài hòa giữa ý Đảng và lòng dân, phải vừa định hướng về chính trị lẫn tính “thị trường” để tồn tại trong cuộc cạnh tranh báo chí khốc liệt. Giữ được cả 2 chân trên cái cầu mỏng mảnh này phải cần có… sức khoẻ, có tâm, có tầm và đừng mơ mộng ghế này, ghế kia. Có nói gì thì nói, cái chính là mình làm nghề, cái mà mình thể hiện trên mặt báo chứ không phải mình nói cho hay.
Một chút những kỷ niệm đáng nhớ nhất trên bước đường làm báo, anh nói, tôi đã lăn lộn khắp đất nước, từ viết bài chống buôn lậu ở biên giới phía Bắc, đến viết về mại dâm, ma tuý… Có quá nhiều kỷ niệm để nhớ.
Song nhớ nhất là chuyện tôi đã… lừa đồng nghiệp để có thông tin cho tờ báo. Và đến nay tôi vẫn còn ray rứt… Chẳng là hồi đó, hồi những năm 1980, báo SGGP cùng các báo khác có ra bản tin nhanh vùng Vịnh.
Để có thông tin “độc quyền” không có cách nào khác là phải lọt vô phòng telex của hãng TASS tại đường Bà Huyện Thanh Quan (TP. Hồ Chí Minh). Và tôi đã nhanh tay hơn các đồng nghiệp khác khi lấy được chìa khóa phòng nhờ rủ được phóng viên Nga đi nhậu.
Tôi thích “xê dịch”. Hay như người ta nói cả thèm chóng chán. Tôi không thích cứ “ôm” khư khư một mảng cả chục năm. Tất nhiên sẽ dễ thở hơn vì có mối quen biết sẵn, nhưng buồn … vì chả lẽ cứ viết miết một đề tài.
Phải tự mình “luân chuyển cán bộ” để làm mới mình, để có cảm hứng hơn trong nghề nghiệp. Không còn đam mê thì tất nhiên mình sẽ chết” và bị đào thải ngay.
Đào Tuấn Anh hiện là Trưởng ban Khoa giáo. Theo anh, quản lý nghĩa là phải có uy tín nghề nghiệp, viết có tầm, biết chia sẻ cùng phóng viên khi thực hiện bài viết. Nó khác hoàn toàn với môi trường kinh doanh sản xuất nhờ vào sự dân chủ, phóng khoáng hơn. “Tôi không bao giờ thúc ép, trói buộc phóng viên cũng như bài viết của họ theo những suy nghĩ của riêng tôi. Vì sự sáng tạo cá nhân là trên hết”, anh nói.
Nhà báo Đặng Huỳnh Lộc - Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh: Day dứt trước nỗi oan
Nhà báo Đặng Huỳnh Lộc có một cá tính rất ấn tượng: Đam mê dây vào những vụ án “xương xẩu”. Viết những dạng bài này rất dễ đụng chạm, tai nạn nghề nghiệp.
Về vụ án nổi tiếng Cimexcol Minh Hải sau nhiều năm ẩn khuất với những nỗi oan khiên, anh đã tìm hiểu và dấn thân đưa ra ánh sáng về vụ án này.
Anh cho biết: Để đánh giá một oan án, anh dựa vào yếu tố những người được đưa ra xét xử bị buộc tội thiếu căn cứ, trái pháp luật. Đối với vụ án Cimexcol Minh Hải, thì từ nội dung vụ án đến hình thức xét xử đều cho thấy có nhiều yếu tố oan sai. Thứ nhất, vụ án được xét xử với hình thức sơ thẩm đồng thời chung thẩm, một hình thức theo quy định pháp luật lúc bấy giờ chỉ áp dụng đối với loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia. Trong khi đây là một vụ án kinh tế.
Là một vụ án kinh tế nhưng lại không có đối tượng bị xâm hại. Nhiều người bị bắt trước khi vụ án bị khởi tố. Có người bị bắt, bị giam trong một thời gian dài không được đưa ra truy tố, xét xử. Khi đưa vụ án ra xét xử và kết tội ông Lê Văn Bình (Năm Hạnh) là Đại biểu Quốc hội chưa có quyết định bãi miễn. Những điều đó đã vi phạm tố tụng. Nhiều người bị truy tố tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, trong khi đây là một doanh nghiệp hoạt động không được ngân sách Nhà nước cấp vốn… Đến nay đã hơn 20 năm sau khi vụ án được xét xử, trong số “trên 100 người” nhận hối lộ vẫn chưa có ai bị đưa ra xét xử như bản án cam kết... Trong khi nhiều người đã bị Toà phán quyết phạm tội đưa hối lộ và đã thụ hình!
Với anh, sau khi kết thúc loạt bài “Cimexcol Minh Hải 20 năm oan án” vẫn luôn trăn trở là trong vụ án có nhiều tình tiết không được bản án đề cập, và sau khi xét xử có nhiều tình tiết mới phát sinh chứng minh vụ án đã xét xử oan sai, nhưng vẫn chưa được xem xét.
Anh cho rằng, trong đạo lý làm người, trước mỗi nỗi oan đều làm người ta ray rức, nhất là với những người biết tôn trọng lẽ phải, công bằng.
Anh có sự ví von nhà báo như người hoa tiêu trên một con thuyền... “Nhất ra ghe, nhì ghé bến” con thuyền nào cũng cần người hoa tiêu dự báo luồng lạch, đá ngầm, bờ bãi.
Nhà báo Lương Duy Cường - Báo Người Lao Động: Nghề báo như một nghiệp chướng và là một thứ để mà thờ phụng
Lương Duy Cường từng làm báo suốt dọc từ Bình Trị Thiên trở vào nhưng cuối cùng quyết định ở lại với TP. Hồ Chí Minh. Anh cho rằng, chỉ ở thành phố này thì những gì gọi là chút khả năng thiên bẩm làm báo của anh mới thực sự có đất dụng võ.
Nhớ về kỷ niệm thời phóng viên luôn đến những “điểm nóng” để có những bài viết tường thuật thời sự cho độc giả, anh luôn có nhiều cảm xúc: Khoảng những năm 2000 - 2001, đàn voi dữ ở Cực Nam Trung bộ ra sức tàn phá dữ dội, giết người liên tục, đến mức Chính phủ phải mời một đoàn chuyên gia ở nước ngoài về di dời đàn voi này lên Vườn Quốc gia YorkĐôn. Gần 2 tháng lội rừng vượt suối cùng đoàn chuyên gia, anh đã có được những ngày vất vả nhưng cực kỳ đáng nhớ cho nghề làm báo. Nhờ vậy mà anh đã chụp được bức ảnh con voi chết ở rừng Tánh Linh. Từ những tấm ảnh do anh chụp về, bạn đọc đã có thông tin chính xác về con voi bị bắn chết.
Nói về những kỹ niệm vui buồn, anh chia sẻ, vui buồn kể sao xiết. Nhưng với tôi, nghề báo như một nghiệp chướng và là một thứ để mà thờ phụng. Giá mà có tiền để viết báo chỉ vì mình muốn viết chứ không lăn tăn chuyện nhuận bút nhuận biếc thì thú vị vô cùng.
Tuy nhiên, tôi lo nhất là xu hướng bản tin hóa báo chí. Gần đây, cũng có xu hướng ngày càng nhiều cán bộ được bổ nhiệm làm lãnh đạo cơ quan báo chí mà không hề biết gì về báo chí, hoặc chỉ học hành qua loa, hoặc từ những tờ báo bao cấp chuyển về. Và những anh lãnh đạo này thường chọn con đường “vừa lòng cấp trên, vui lòng chủ quản”, tính phản biện vì thế ngày càng phai nhạt khiến cho tờ báo dần dần biến thành bản tin của ngành, tổ chức.
Doanh nhân - Nhà báo Lê Hải Châu: Không chỉ làm báo, mà còn phải quan tâm đến đội ngũ phát hành báo chí
Trước bối cảnh kinh tế hiện nay, điều mà doanh nghiệp (DN) cần là thông tin chính xác, kịp thời, nhanh chóng về những chính sách của pháp luật, Nhà nước nói chung và DN nói riêng, để DN có biện pháp “cứu vãn” những khó khăn trước mắt. Vì vậy, báo chí phải kịp thời cung cấp cho DN những thông tin cần thiết. Ngoài ra, báo chí cần phải nắm bắt thực trạng hoạt động và những khó khăn của DN và thông tin kịp thời đến các cơ quan quản lý, hiểu và biết rõ thực trạng của từng DN, nhằm có chính sách hợp lý cứu vãn DN và kiềm chế lạm phát như hiện nay. Song song đó, báo chí cần có những biện pháp cụ thể để bảo vệ DN làm ăn chân chính và phản ánh kịp thời những DN làm ăn gian dối, làm giả làm nhái… để bảo vệ người tiêu dùng.
Nếu nói về tiêu cực, thì hiện có những nhà báo mượn danh “báo chí” làm những việc sai trái, nhưng đó chỉ là một số ít. Còn nhìn tổng quát, thì báo chí có nhiều mặt tích cực dành cho xã hội. Như đã phản ánh kịp thời, chính xác nhiều thông tin kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, có nhiều phóng viên luôn tâm huyết với nghề, không ngại gian khó, quyết dấn thân, bất chấp nguy hiểm để có nhiều tin, bài thời sự, nóng bỏng mang tính xã hội cao. Ghi nhận những đóng góp đó, nhưng các cơ quan báo chí vẫn chưa có biện pháp khen thưởng kịp thời hay có những biện pháp bảo vệ chính đáng dành cho phóng viên.
Còn một điều tôi luôn trăn trở, cảm động, và muốn chia sẻ với mọi người là đội ngũ phát hành báo chí của chúng ta chưa có được những chính sách hay quyền lợi thích đáng. Đó là đội ngũ phát hành báo, những người bán báo dạo, vì cuộc sống mưu sinh, hàng ngày chúng ta vẫn thấy nhiều người làm công việc này. Mỗi ngày họ phải thức dậy 2, 3 giờ sáng để kịp phát hành báo đến những vùng sâu vùng xa, vùng hẻo lánh trên khắp mọi miền đất nước; hình ảnh trên tay với hàng sấp báo dày, những người bán báo dạo “lội” bộ, rong rủi hết hang cùng ngõ hẻm để bán từng tờ báo... Tất cả đã nói lên họ là những người truyền tải thông tin đến với độc giả, họ chính là cầu nối để bạn đọc và tờ báo được gần nhau hơn…
Tuy nhiên chúng ta, những người làm báo chưa thật sự quan tâm đến họ, “những người làm nhiệm vụ phát hành báo chí”. Chúng ta phải gửi lời cảm ơn đến họ bằng những tờ báo hay, những chính sách thiết thực. Hy vọng điều trăn trở này được mọi người đồng cảm, để năm sau chúng ta có được nhiều chương trình, kế hoạch ghi nhận công lao của những người phát hành báo. Làm được điều này là chúng ta đã góp sức thay đổi bộ mặt chung về phát hành báo chí cho đất nước.
Ông Lê Chí Hiếu, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Thuduc House: Báo chí là một công cụ rất hiệu quả để DN quảng bá chiến lược kinh doanh, sản phẩm, thương hiệu…
Trong xã hội hiện đại, từ vài trăm năm qua, báo chí đã đóng những vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển văn hoá, trao đổi thông tin và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Ngày nay với nhiều phương tiện đa dạng hơn, thông qua báo giấy, báo tiếng, báo truyền hình, internet, smart phone… báo chí lại càng gắn bó chặt chẽ với đời sống tinh thần của mọi người, không chỉ truyền đạt thông tin mà còn là phương tiện giải trí, mua sắm, học tập, nghiên cứu. Báo chí là một công cụ rất hiệu quả để DN quảng bá chiến lược kinh doanh, sản phẩm, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá, những hoạt động hỗ trợ xã hội với cộng đồng dân cư. Báo chí cũng là một kênh quan trọng để DN, các hội đoàn, hiệp hội gửi gắm những bức xúc, kiến nghị của mình với Chính phủ. Mặt khác, báo chí có sức mạnh công luận nên có thể có những tác dụng phát hiện và răn đe đối với những hoạt động sai trái, tiêu cực của các cơ quan, tổ chức nói chung và DN nói riêng, góp phần dẹp bớt những “con sâu làm rầu nồi canh”. DN và báo chí có những mối quan hệ rất chặt chẽ, vừa tương tác vừa đồng hành trên con đường phát triển kinh tế xã hội nước nhà.
Trong tình hình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế ngày càng phát triển sâu rộng, báo chí càng phải trở nên khách quan, nhạy bén, năng động, chuyên môn hoá sâu hơn và có trách nhiệm xã hội cao hơn. Muốn tồn tại và phát triển trong một môi trường báo chí hiện đại, cạnh tranh khốc liệt, lại phải làm tròn nhiệm vụ chính trị, báo chí cần tự nhìn nhận đúng những ưu nhược điểm của mình trong từng khâu từ đội ngũ phóng viên, trình độ biên tập, chiến lược phát triển, đào tạo đến việc in ấn, phát hành, quảng cáo, kinh doanh. Nhưng quan trọng hơn hết là mỗi tờ báo phải tạo được cho mình một tinh thần, cốt cách riêng, thuyết phục được người đọc qua tính khách quan, kiên định, dũng cảm của mình; dám đứng lên bênh vực lẽ phải và cũng dám nhận trách nhiệm về những sai lầm của mình. Đối với DN, báo chí cần xem đó là một tác nhân quan trọng cho sự phát triển kinh tế, đem lại thịnh vượng cho xã hội để có cái nhìn trân trọng và phù hợp hơn, xem DN là người bạn tốt để động viên nhau cùng tiến bước, tránh những định kiến cũ và sai lầm, xem thường giới doanh thương, hoặc chỉ nhìn vào mặt tiêu cực, từ đó có thái độ đối xử với DN như bọn xấu, hay tệ hơn, như bọn tội phạm tiềm ẩn. Trong tình hình kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng kéo dài và vô cùng khó khăn, hơn bao giờ hết, các DN đang cần những tiếng nói thông cảm, những bài báo hữu ích để được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, vượt qua sóng to gió lớn, ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và tiếp tục tiến lên.
Ông Nguyễn Công Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vinacafe: Báo chí cần chia sẻ và là cầu nối của DN
Báo chí và DN dưới góc nhìn chuyên môn, thì hoàn toàn thuộc về hai phạm trù khác nhau: Một bên làm một bên viết, hai phạm trù tưởng chừng như không hề liên quan đến nhau, lại gắn kết và tương tác với nhau, hoạt động của DN rất cần sự dõi theo của báo chí, cần sự khích lệ đúng lúc, sự sẻ chia lúc khó khăn, sự phản ánh chân tình trung thực, qua đó DN có thể tự ngắm mình một cách khách quan nhất, để DN phát huy và khắc phục mặt mạnh, mặt yếu và hơn hết báo chí trở thành người bạn tâm giao của DN. Trong những năm vừa qua, báo chí phần nào đã đáp ứng được sự kỳ vọng của DN, đã phản ánh trung thực sức khỏe của DN và đặc biệt là đã đóng góp rất lớn trong việc cùng với DN “chạy thầy chạy thuốc” khi thị trường lâm bệnh.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, các DN trong nước cũng đang hứng chịu rất nhiều những khó khăn, đây là những thời khắc khó khăn nhất mà nền kinh tế VN đang phải đối diện. Đó là sự bất ổn của chính sách tiền tệ, tỷ giá USD tăng giảm thất thường, lạm phát phi mã… Trước bối cảnh khó khăn đó, theo tôi báo chí nên là cầu nối trung thực giữa DN và các cơ quan quản lý Nhà nước, phản ánh trung thực tình trạng sức khỏe, những vướng mắc của DN, từ đó DN có thể nhận dược các cơ chế tối ưu để vượt khó như việc khẩn trương triển khai các gói cứu trợ của Chính phủ cùng với việc cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi suất tiền vay... Bên cạnh đó báo chí cần hết sức thận trọng và khách quan khi đăng tải tin bài, phản ánh kịp thời nhưng tránh hiện tượng “té nước theo mưa”. Trong thời khắc khó khăn này DN rất cần sự sẻ chia và thấu hiểu của báo chí, như mối quan hệ tương tác bấy lâu giữa “nói và làm”.
Duy Khanh (thực hiện)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.
Trần Kiên
20:41 11/12/2024Hải Hà
20:22 11/12/2024Hải Hà
17:09 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh
Thu Huyền
Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga