Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nhà thơ Đoàn Thị Ký
Thứ tư, 19/05/2021 - 07:00
(Thanh tra) - Ngày Bầu cử Quốc hội năm nay (23/5), đúng vào dịp chúng ta kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), Người công dân số 1 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cầm lá phiếu đi bầu kỳ Quốc hội đầu tiên tháng 1 năm 1946, thật ý nghĩa và càng ý nghĩa đối với những người làm báo, sáng tác thơ văn, khi hai sự kiện diễn ra gần nhau.
Ngày 27/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khu phố Ba Đình khóa V tại hòm phiếu số 6, đơn vị bầu cử 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Gần tuần nay, tôi có tâm niệm mình phải viết điều gì đấy, nhân ngày sinh Người công dân số 1 mà chưa biết bắt đầu từ đâu, thì may sao nhà thơ Trần Thị Mộng Dần ở Cao Bằng, có đưa lên mạng facebook giới thiệu tập "Trường ca Đời lá", viết về bà Nông Thị Trưng, người dân tộc Tày ở Cao Bằng, một trong 12 thành viên của Đội Du kích Hà Quảng được tổ chức cách mạng thành lập, để bảo vệ cho ông Ké Thu (còn gọi là Già Thu) thời kỳ ở hang Pác Bó.
Ký ức vụt sống lại. Ký ức được chắp nối. Hóa ra tôi lại là người có duyên, đã được gặp hai người phụ nữ, người thì trực tiếp, người là con cháu ruột của người từng được tổ chức giao lo cơm nước và canh gác bảo vệ Bác Hồ, ở cả hai lần Bác từ nước ngoài về để gây dựng và lãnh đạo phong trào toàn dân đứng lên làm cách mạng giành độc lập tự do cho đất nước, thoát ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Người thứ nhất là chị Lê Thị Hương, cháu nội của bà cố Lê Thị Chúc. Bà cố Lê Thị Chúc là người nấu ăn cho chú Thầu Chín ở bản Mạy, tinh Na Khon Pha Mom, Thái Lan. Bà cố mất đã lâu, nhưng hình ảnh của chú Thầu Chín với đất mẹ Việt Nam, với những người con vì kế sinh nhai phải xa rời Tổ quốc thì vẫn hôi hổi trong lòng bà con Việt Kiều như vừa mới hôm qua.
Số là, tháng 4 năm 2019, tôi được đến thăm quan Khu Tưởng niệm Bác Hồ tại bản Mạy ở Na Khon Phanom, Thái Lan. Khu Tưởng niệm do Nhà nước ta xây dựng, lưu giữ các di vật gắn với Bác Hồ, trong thời gian từ năm 1928 đến năm 1930, lúc Bác từ châu Âu về nước. Tại khu lưu niệm, tôi thấy chị Hương mặc áo dài đẹp, hỏi ra được biết, bà con Việt kiều, nghe tin có đoàn cán bộ và nhân dân ở trong nước sang dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, ghé thăm khu di tích, các chị đến gặp gỡ, giao lưu “cho đỡ nhớ quê hương”!
Chị Lê Thị Hương kém tôi vài tuổi. Nghĩa là, để biết về những năm tháng xa xưa, chú Thầu Chín ở bản Mạy đã “ba cùng” với bà con Việt kiều như thế nào, để bắt mối tìm cách gây dựng, chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước, qua được mắt bọn mật thám chỉ điểm của thực dân Pháp, chuẩn bị cho sự kiện lịch sử là thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), chỉ qua truyền miệng trong gia đình.
Tại cuộc giao lưu có rất nhiều người, ngắm gương mặt và ánh mắt của chị Hương ngời lên khi kể lại cách Bác Hồ vận động bà con cấy lúa nước, nào là be bờ, nào là tát nước, thật sống động lôi cuốn. Thì ra, đời các cố của chị từ miền Trung cát trắng, gió Lào di thực sang ăn cơm gạo suốt, nhưng có ai biết cấy lúa thế nào đâu. Muốn làm cách mạng đánh Tây phải có lương thực dự trữ để nuôi quân. Chú Thầu Chín nói thế.
Dòng máu của bà cố đang cuộn chảy trong con tim chị Hương. Chị bảo, bà cố kể rằng: “Giọng nói của Bác Hồ lúc ấy còn đậm chất Nghệ An, nói nhiều từ thường lẫn dấu. Bà cố chuyên lo cơm nước cho chú Thầu Chín. Chú Thầu Chín thích ăn cà muối dầm tương. Cà và cá chỉ khác nhau cái dấu huyền dấu sắc, biết giọng mình khó nghe, Bác nói với bà cố và diễn đạt bằng điệu bộ, hình ảnh: Quả cà phải có cuống, còn con cá phải có vây xòe ra như thế này… Bà cố tôi và nhiều bà con khác được nghe vừa dễ hiểu, vừa thấy chú Thầu Chín thật gần gũi vì được trận cười sảng khoái…”.
Nghe chị Hương kể xong, tôi xin chụp cùng chị tấm ảnh làm kỷ niệm, nhân đấy tôi ghé tai thì thầm: “Chị kể về chú Thầu Chín ở Bản Mạy cứ như xem phim vậy”! Chị Hương cười: “Bà cố mình nấu ăn cho Bác kể nhiều chuyện lắm, mình không nhớ hết đâu, tiếc là chưa có sách nào ghi lại. Ví như tháng 9 năm 1945 nước ta giành được chính quyền từ tay thực dân Pháp và phát xít Nhật, phải hàng tháng sau dân bản Mạy mới được xem ảnh Bác Hồ đứng trên lễ đài đọc Tuyên ngôn Độc lập, có người nhận ra Bác Hồ giống chú Thầu Chín, đến nói với bà cố mình. Như có linh tính mách bảo, bà cố reo to: Trời Phật. Đúng chú Thầu Chín rồi…”.
Đấy là tình cảm và lòng kính yêu lãnh tụ của người dân sống xa Tổ quốc, còn người trong nước góp phần canh cho giấc ngủ, lo từng bữa ăn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những giờ phút đất nước căng như dây đàn chuẩn bị cho cuộc cách mạng tháng Tám, chính là bà Nông Thị Trưng.
Tuổi trẻ thích đi cho biết, thế là tôi có dịp được trực tiếp gặp bà cách đây hơn nửa thế kỷ, tại chính khu nhà sàn dài của bà con xã viên hợp tác thôn Hà Quảng, trong đó có gia đình bà Trưng.
Bà Nông Thị Trưng, từng là thành viên Đội Du kích Hà Quảng tham gia bảo vệ Bác ngày Bác từ Trung Quốc về nước năm 1941. Oai lắm nhé, nhưng ngày tôi gặp bà, bà chỉ là Chủ tịch Phụ nữ xã. Ấy là, mùa Xuân năm 1969, tôi đang học năm thứ hai Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, được Khoa cho đi thực tế văn học ở Cao Bằng. Đoàn thực tập sinh chúng tôi gần hai chục người, cuốc bộ hơn 40 cây số từ thị xã Cao Bằng vào Hà Quảng. Chúng tôi được bố trí ở cùng ngôi nhà dài của bà con, được nghe chuyện Bác Hồ về Pác Bó, được vào hang xem phiến đá Bác Hồ nằm, được ra suối Lê nin lấy nước…
Ở khu nhà dài có nhiều người trong đội du kích đang là cán bộ huyện, Trung ương, nhưng tôi chỉ nhớ bà Trưng vì theo lời bà: “Ché được Bác Hồ đặt tên, theo tên của bà Trưng, bà Triệu lớ”. Dáng người bà thanh thoát, da trắng mịn, chất giọng Tày nói tiếng Kinh chưa sõi lảnh lót như tiếng chim. Hỏi ra được biết tên thật của bà là Nông Thị Bày. Là thành viên nữ duy nhất của đội du kích, bà được Ké Thu đổi tên là Trưng, để khích lệ: “Anh hùng đâu cứ phải mày râu”. Ké Thu còn nói với bà con thôn bản: “Mỗi người dân là một nhành lá, lá phải tươi thì chúng ta mới có đại ngàn”. Nhớ lời Ké Thu, người phụ nữ có chồng cũng là chiến sỹ cách mạng, từng bị thực dân Pháp giam ở Nhà tù Hỏa Lò, đã vượt mọi khó khăn làm tốt việc canh gác và chăm nom cơm nước cho Bác những ngày ở Hà Quảng.
Thời gian có thể làm nhạt nhòa kỷ niệm. Nhưng thời gian cũng làm ngời lên phẩm chất và ý chí của con người. Tôi được nhà thơ Trần Thị Mộng Dần cho biết thêm, năm 2003, khi chị về gặp bà Nông Thị Trưng để lấy tư liệu viết "Trường ca Đời lá", gần tuổi 90 mà đôi mắt bà vẫn sáng, bà bảo đã dặn con cháu: “Có 2 thứ kỷ vật của Già Thu sẽ theo bà đến chết, đấy là cái tên và chiếc chăn nỉ Già Thu cho bà lúc Già rời Hà Quảng”.
Lịch sử đã chứng minh những quyết sách sáng suốt của chú Chín Thầu và cũng là Già Thu sau này, chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh, đoàn kết các lực lượng cách mạng, tiến tới giành chính quyền trong cả nước, tiền đề thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và vinh dự trở thành cử tri số 1 với họ tên: Hồ Chí Minh bỏ lá phiếu đầu tiên, khẳng định vị trí đất nước ta trên trường quốc tế, đều có sự đóng góp tích cực của những người phụ nữ, mang truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu...
Phố Đội Cấn, ngày 18/5/2021
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...
Văn Thanh
12:44 22/11/2024(Thanh tra) - Sáng 22/11, giải chạy địa hình LAAN Ulltra Trail 2024 và hành trình chinh phục đỉnh cao do Công ty Cổ phần Lâm An Lạc Dương tổ chức đã chính thức khai mạc.
Vũ Linh
12:37 22/11/2024Phương Anh
12:37 22/11/2024Trần Trung
11:43 22/11/2024Thái Hải
11:24 22/11/2024Ngọc Phó
10:36 22/11/2024Văn Thanh
Văn Thanh
Văn Thanh
Trần Quý
Vũ Linh
Phương Anh
Phương Hiếu
Hương Giang
Trần Trung
Thái Hải
Hương Giang
Ngọc Phó