Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lấy ngắn nuôi… sưa

Thứ hai, 10/10/2011 - 17:28

(Thanh tra) - Khu vườn trồng cây lát và cây sưa, hai loài cây được xếp vào hạng vô cùng quý hiếm hiện nay của cựu chiến sỹ Trường Sơn Vũ Đức Thắng đã bước sang năm thứ bảy. Nghe bảo, ở Lâm Đồng, đây là vườn sưa và lát duy nhất hiện nay. Bởi quý hiếm đến vậy, nên vườn cây bạc tỷ này từ bao nhiêu năm nay luôn được giữ “trong vòng bí mật”. Nhưng, trăm nghe không bằng một thấy…

Ông Thắng bên những gốc cây sưa hơn 6 năm tuổi

Phải mất nhiều ngày tôi mới lùng tìm được địa chỉ (thôn, xã, huyện) và số điện thoại cầm tay của ông Vũ Đức Thắng. Tuy nhiên, trước hết, tôi phải thành thật xin lỗi bạn đọc vì nhiều lý do nên bài viết này không thể lưu lại địa chỉ cụ thể của ông Thắng.

Gặp người có vườn cây quý

Sau khi biết chính xác số điện thoại và địa chỉ thôn, và mãi đến khi sắp đến nơi, lúc gần đứng bóng mặt trời, tôi mới bấm máy liên lạc. Để chắc ăn hơn, tôi không những xưng nhà báo mà còn “khoe” với ông Thắng rằng, tôi còn là một cựu chiến binh hiện đang sinh hoạt trong tổ chức cựu chiến binh của cơ quan, và chỉ muốn tìm hiểu mô hình làm kinh tế… Nhưng, những trù liệu của tôi dường như đã được đẩy đi quá xa. Bởi, phía bên kia máy điện thoại di động, ông Thắng xởi lởi: “Đồng chí nhà báo cựu chiến binh cứ theo đường này chạy khoảng bảy cây số nữa đến một trạm xăng,  sẽ có người đón. À này, trưa nay chúng ta ăn cơm nhà nhé! Trong khi đợi đồng chí nhà báo, ngay bây giờ, tôi ra sau vườn bắt con gà…”.

Tôi len lỏi trong những vườn cà phê xanh um, trên một con đường đất nhỏ hẹp còn lưu lại những dấu vết của cơn mưa vừa tạnh. Chị phụ nữ đã lớn tuổi đón tôi không ai khác mà chính là người vợ của cựu chiến sỹ Trường Sơn Vũ Đức Thắng.

Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Thắng nằm khuất trong một vườn cây. Bên giếng nước, chủ nhân đang làm thịt con gà. Anh bảo tôi lên phòng khách chờ anh làm nốt “cái công việc buổi trưa nay”. Tôi bỗng dưng cảm thấy áy náy trước kiểu tiếp khách một cách quá ư bài bản của anh, nhưng quả thực là không dám tỏ ra vồn vã, bởi đây không chỉ là lần đầu tôi gặp anh, mà còn sợ thất thố sẽ nhỡ việc “cây sưa”.

Nhấp ngụm trà, tôi “đi đường vòng”: “Anh chị chắc là người ngoài Bắc vào đây lập nghiệp?”. Anh Thắng kể: “Tôi quê ở Thanh Hóa, nhập ngũ bảy ba, thuộc Binh chủng Thiết giáp. Năm 1984 xuất ngũ về lại quê. Đến 1989 thì dắt díu vợ con vào đất này sinh sống…”. Cứ như theo lời anh, thì những ngày đầu vào đây lập nghiệp, hai vợ chồng với đồng vốn trong tay quá bé, lại phải nuôi ăn học bốn đứa con nên khó khăn vẫn chồng chất khó khăn.

Nhưng rồi, đất mới chẳng phụ ai cả. Cuối cùng, đến lúc này, không chỉ hai trong bốn người con của anh chị đã tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định (hai cháu còn lại, một đang học đại học và một đang học phổ thông) mà nhiều người trong xóm còn được anh chị giúp đỡ vốn liếng vượt qua khó khăn và vươn lên khá giả.

Lát sắp sửa…, sưa hứa hẹn

Chủ đích của tôi vẫn là tìm hiểu vườn sưa và lát hoa của anh Thắng, nhưng vì sợ đánh giá là tên tọc mạch nên trong câu chuyện trên bàn trà, đôi lần anh Thắng nhắc đến cây sưa và cây lát, tôi vẫn tỏ ra… phớt lờ.

Tuy nhiên, tôi vẫn lưu lại giữa câu chuyện của tôi và người cựu binh này một lời đề nghị ở dạng… khẳng định: “Chốc nữa, anh cho em đi thăm vườn, và xin anh cho em chụp vài tấm hình!”. Anh Thắng vô tư: “Đợi ông Thơ, chủ tịch Hội Truyền thống bộ đội Trường Sơn của huyện vào, anh em chúng ta cùng đi một thể!”.

Lát sau, ông Phạm Hồng Thơ đến. Sau vài lời chào xã giao, tôi cùng các anh Thắng chủ nhà, Thơ chủ tịch Hội huyện, Mùi chủ tịch Hội xã cùng đi thăm vườn. Khu vườn rộng chưa đến hecta được trồng rất nhiều cây, tạo thành nhiều tầng, nhiều lớp. Và, lớp trên cùng, lớp có giá trị kinh tế cao nhất, là hai thứ cây gỗ vô cùng quý: Lát hoa và sưa! Tuy nhiên, mãi đến lúc này, khi đã có thể nói chuyện một cách thoải mái, tôi vẫn không tỏ ra vồn vã với “tiểu tiết” cây sưa và cây lát hoa với những người cựu binh này, đặc biệt là với chủ nhà. Ấy là trong câu chuyện trao đổi với nhau, còn với chiếc máy ảnh cầm trên tay, dường như tôi đã phát huy đến hết công suất của nó…

Mãi quá trưa, khi mấy đĩa thịt gà được bày ra giữa chiếu trải trên nền nhà cùng vài lon bia đã được khui ra, câu chuyện về những cây sưa và cây lát hoa trong vườn nhà anh Thắng mới được dịp “bùng nổ”.

Anh Lại Văn Mùi, Chủ tịch Hội Truyền thống bộ đội Trường Sơn xã nói đùa: “Cũng hơi giống như người ta “lấy ngắn nuôi dài” vậy thôi, ông Thắng đây chỉ khác đôi chút là “lấy ngắn nuôi… sưa”! Vườn lát hoa và sưa của ông Thắng chừng vài năm nữa thật không thể tính hết giá trị của nó!”.

Ông Thơ thêm vào: “Trong Hội chúng tôi, gia đình anh Thắng là một trong những gia đình tiêu biểu. Trong khu vườn gần 0,8ha của ông Thắng, hiện có đến 0,5ha trồng cây lát hoa, trung bình mỗi sào (1.000m2) trồng 120 cây. Còn sưa thì…”. Chủ nhà Vũ Đức Thắng tiếp lời: “Khoảng trên hai mươi cây thôi, anh ạ! Năm nay bước sang năm thứ bảy rồi đây!”.

Tôi nhớ lại lúc còn ngoài vườn cây, trong lúc chụp ảnh vườn lát hoa và sưa, không ít lần tôi nhờ các anh cựu chiến sỹ Trường Sơn này dùng bàn tay đo đường kính thân và đường kính gốc của một số cây lát hoa và cây sưa.

Ông Thắng bảo rằng, về thời gian, lát hoa và sưa được trồng cách nhau không quá xa, chỉ trong cùng một năm thôi; và năm nay, cả hai loại cây này đều bước sang năm thứ bảy. Như vậy, theo “kinh nghiệm lâm nghiệp” của tôi thì cây lát hoa trong vườn nhà anh Thắng phát triển mạnh hơn, đường kính gốc khoảng 30cm, có cây lên đến 50cm, chiều cao trung bình ước khoảng 5m. Trong khi đó, bởi đặc tính, cây sưa phát triển chậm hơn, đường kính gốc bình quân 22cm, cao trung bình 3m.

“Ở vùng này, theo quan sát của các anh, có nhiều người trồng sưa không?” tôi hỏi. Anh Thắng thật thà: “Trong thôn, tôi không phải là người duy nhất trồng cây sưa. Có điều, đến lúc này tôi là người duy nhất nhận được sự hứa hẹn thành công. Tôi nghe người ta nói, sưa chỉ trồng được ở vùng đất phía Bắc và một vài tỉnh Bắc miền Trung mà thôi. Tất nhiên là trước khi trồng sưa và lát hoa trên đất này, tôi phải mày mò nghiên cứu dữ lắm!”.

Đến lúc này, khi cảm nhận được thành quả một nắng hai sương của người cựu chiến binh ấy đã hiển hiện, và khi thực sự hiểu được phần nào tấm lòng của những người lính trở về này, với tư cách là một đồng đội, tôi bỗng dưng cảm thấy ái ngại khi nghĩ lại trong những năm gần đây, thuật ngữ “sưa tặc” đã được đặt ngang hàng với thuật ngữ “lâm tặc”, trong khi cây sưa cũng chỉ là một thứ cây rừng. Bởi vậy, thực lòng là tôi mong sao thành quả “lát sắp sửa…, sưa hứa hẹn” đến được với anh Thắng một cách trọn vẹn!

Nền tảng cây ngắn ngày

Dường như biết được suy nghĩ của tôi, ông Thơ trấn an: “Nhà báo biết không, chỉ với rừng lát ấy thôi, với giá khoảng 35 triệu đồng/m3 hiện nay, ông Thắng của chúng ta cũng đã “bỏ túi” vài chục tỷ đồng rồi đấy. Mà, trong lúc chờ đợi cây sưa thì cây lát hoa đây chỉ vài năm nữa là thu hoạch. Cho nên, nói kiểu như đồng chí Vui “lấy ngắn nuôi… sưa” là đúng, nhưng nói rằng “lấy… dài vừa (là cây lát hoa) nuôi… dài hơn (là cây sưa)” cũng không có gì sai!”.

Anh Thắng “trung hòa”: “Trong vườn của tôi, dưới cùng là rau các loại, phía trên kế là chuối laba (một loại chuối đặc sản có thương hiệu của tỉnh Lâm Đồng) hoặc cà phê, tầng trên cùng là sưa và lát hoa; xung quanh và dọc theo bờ lô là cây dâu tằm…”.

Không cần phải làm phép tính tổng thể, tôi nhẩm: 636 gốc chuối laba (5 sào) của anh Thắng cho mỗi gốc từ hai đến ba buồng mỗi năm, với giá 5.000 đồng/kg như hiện nay thì cả ngàn buồng chuối (mỗi buồng từ 30 - 40kg) hiện có này cũng mang lại cho anh không dưới 180 triệu đồng. Còn với dâu tằm, nếu chịu khó vừa trồng dâu vừa nuôi tằm và mỗi tháng nuôi chỉ hai hộp theo dạng gối đầu, thì nguồn thu cũng đủ để chạy chợ một cách dồi dào.

Trong hai người con của anh Thắng đã có việc làm, một hiện là bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, một là kiến trúc sư làm ở huyện. “Không chỉ lấy ngắn nuôi sưa không thôi đâu, nhà báo ạ, ông Thắng còn “nuôi” nhiều thứ lắm, trong đó có mấy đứa con học hành tử tế và có đứa đã thành đạt; ông còn “nuôi” (giúp đỡ) nhiều người trong làng trong xóm, nhất là những cựu chiến binh”, ông Thơ nói.

Và không chỉ dừng ở đó, nhóm cựu binh này hiện đã hình thành ý định hùn vốn liếng và đất đai để mở doanh nghiệp tư nhân, hoặc ít nhất là trang trại để sản xuất nông nghiệp theo quy mô công nghiệp…


Phóng sự: Kim Chánh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm