Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hi vọng “cải cách” không phải “tăng lương”

Ngô Quốc Đông

Thứ hai, 25/09/2023 - 11:32

(Thanh tra) - Chiều ngày 19/9/2023, phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023, Chủ tịch Quốc hội không chỉ dành thời gian trọng tâm vào các vấn đề kinh tế - xã hội mà còn nhấn mạnh đến việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Điểm nhấn này của Chủ tịch Quốc hội đã đánh động tới hàng triệu công chức và viên chức đang làm việc trong khu vực Nhà nước hiện nay, vì liên quan đến cơm áo, gạo tiền… của gia đình họ.

Sở dĩ vấn đề trên được quan tâm vì lương của người lao động thường không đủ nuôi thân, không đủ sống và không chu cấp được cho các thành viên trong gia đình. Chúng ta có tăng lương nhưng chỉ bù trượt giá. Lương đuổi theo giá chứ không phải đi trước lạm phát làm cho giá trị thực của người lao động không được cải thiện và không tạo ra giá trị tích lũy thặng dư cho gia đình họ.

Lương không đủ là một trong các nhân tố tham góp vào tình trạng chạy chức, chạy quyền, mâu thuẫn nội bộ vì quyền lợi, bè cánh cục bộ, mưu lợi cá nhân, lợi ích nhóm. Vì lương không đủ sống nên một bộ phận đã bỏ việc Nhà nước ra làm ngoài, thấy rõ nhất ở ngành Giáo dục, ngành Y tế.

Vì lương không đủ sống nên người ta phải sống bẳng “chân trong” và “chân ngoài”. Vì lương không đủ sống nên phần lớn người lao động khu vực Nhà nước phải chắt bóp tằn tiệm, không có chi phí dôi dư cho y tế, sức khỏe, giáo dục của gia đình, kéo theo những hệ lụy an sinh xã hội cho cá nhân và Nhà nước…

Nguyên nhân của lương thấp thì ai cũng rõ vì bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả và cả nạn thất thoát, tham nhũng ngân sách từ bộ máy mà Đảng và Chính phủ nỗ lực phòng chống. Do đó song song với cải cách tiền lương buộc phải tinh gọn bộ máy và tính đến hiệu quả thực của nó. Tất nhiên, cải cách tiền lương cũng gắn chặt với cải cách thể chế hành chính, công vụ để từ đó tạo ra sự minh bạch và không có lạm dụng, quyền lực, chức vụ tạo tiền đề cho những tham nhũng.

Nhìn lại, từ khi có Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách tiền lương đến nay, chúng ta đã phải lùi 2 lần tiến độ để sắp xếp bộ máy và phần khách quan vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên lần này Quốc hội và Chính phủ sẽ quyết tâm để cải cách tiền lương, có thể diễn ra vào tháng 07/2024.

Mục đích của cải cách là để tạo cú hích cho thị trường lao động và kích cầu tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, có lẽ phải hướng đến mục đích sâu hơn của lần cải cách này là vì chất lượng cuộc sống của chính người lao động trong khu vực này. Khi cuộc sống đảm bảo thì tiêu dùng sẽ tăng lên. Mặt khác, họ không phải lo nhảy việc, bỏ công làm tư, hay cầm bằng đại học rồi sang Nhật, Hàn, Đài Loan, Trung Đông… lao động chân tay kiếm tiền lương về để quy đổi chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, qua đó tăng trưởng kinh tế gia đình.

Theo thông tin từ Chính phủ, lần cải cách này sẽ xây dựng 5 bảng lương mới gồm: Bảng lương chức vụ; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ; bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an; bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Hi vọng đây thực sự là “cải cách” chứ không phải “tăng lương” bình thường. Và đã là cải cách thì phải có sức chuyển đổi, bứt phá và tạo ra những hiệu ứng tích cực về đời sống an sinh xã hội cho những người lao động.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm