Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 29/08/2011 - 15:56
(Thanh tra) - Thực trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường Việt Nam hiện nay khá phổ biến. Hầu như bất cứ mặt hàng nào có giá trị lớn hoặc nhỏ mà làm hàng giả, hàng nhái có lãi cao thì trước sau cũng xuất hiện trên thị trường. Hàng giả, hàng nhái ngày càng trở nên tinh vi.
Xử lý thuốc lá nhập lậu
Vấn nạn…
Không phải là địa bàn biên giới nhưng Hà Nội, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước nên luôn là trọng điểm của hoạt động buôn bán hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Lâu nay, buôn lậu đã hình thành các đường dây vận chuyển hàng nhập lậu theo các cung đoạn đường từ các tỉnh biên giới phía Bắc, phía Nam về Hà Nội, sau đó xé lẻ để đưa vào thị trường thành phố như ở chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp, cảng Phà Đen... để tiêu thụ. Ngoài ra, việc sản xuất hàng giả cũng được các đối tượng đẩy mạnh nhằm gây mất uy tín đối với những sản phẩm và doanh nghiệp (DN) có thương hiệu lớn.
Theo thống kê, qua mười năm từ 2001 - 2011 các ngành chức năng của Hà Nội đã kiểm tra 130.412 vụ, xử lý 74.739 vụ với tổng số tiền phạt hành chính và tịch thu hàng hóa lên đến 5.267 tỷ 603 triệu đồng. Trong đó, hàng cấm nhập lậu là 16.581 vụ; hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ là 9.576 vụ; gian lận thương mại, truy thu thuế là 30.481 vụ và các vi phạm khác là 18.101 vụ.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Nông, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra kinh tế và quản lý chức vụ Công an Hà Nội, thì tính chất hoạt động của các đối tượng cũng manh động liều lĩnh, có dấu hiệu bảo kê kiểu xã hội đen và sẵn sàng chống đối khi bị các cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ.
Điển hình như vụ các đối tượng chống đối, tấn công lực lượng liên ngành kiểm tra, bắt giữ bốn toa tàu chở hàng lậu tại ga Gia Lâm, Hà Nội, các đối tượng lao vào cướp hàng và tấn công lại lực lượng làm nhiệm vụ.
Sự tham gia của nhiều thương binh trong việc vận chuyển hàng lậu và sẵn sàng chống đối quyết liệt khi bị các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý cũng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng.
Tương tự, TP. Hồ Chí Minh cũng là thị trường béo bở cho các đầu nậu chuyên sản xuất hàng giả, hàng nhái. Hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của các DN làm ăn chân chính, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Đặc biệt, một số loại hàng ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Các siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở TP. Hồ Chí Minh như: Thương xá Tax, An Đông Plaza, Thuận Kiều Plaza, Sài Gòn Square từng bị phát hiện là nơi chứa hàng tiêu dùng và thời trang như quần áo, giày dép, túi xách, máy tính… với các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới bị nhái.
Tính riêng trong Quý I/2011, TP. Hồ Chí Minh đã xử lý 153 vụ vi phạm, bằng 27% so với năm 2010, phạt hơn 983 triệu đồng, tiêu hủy số lượng hàng giả có giá trị hơn 116 triệu đồng. Ngoài ra, cũng đã xử phạt 3 vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa với số tiền hơn 1 tỷ đồng, tịch thu tiêu hủy số hàng hóa có giá trị hơn 700 triệu đồng.
Phó giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh Trần Vinh Nhung nhận xét: Phần lớn hàng hóa bị thu giữ được làm giả mạo từ các thương hiệu nổi tiếng trong các ngành thời trang, dệt may, da giày, điện tử, xe máy, đồ uống có cồn, dược phẩm, thuốc lá, phần mềm… Các mặt hàng giả xuất xứ nhiều từ Trung Quốc.
Phương thức vận chuyển, mua bán hàng giả cũng rất tinh vi. Tùy từng chủng loại hàng hóa mà đối tượng vi phạm lựa chọn phương thức vận chuyển phù hợp, có thể chuyển bằng xe khách liên tỉnh, đường hàng không, chuyển phát nhanh, đường bộ, đường sắt, đường biển… Quan ngại hơn, còn có những đường dây mua bán hàng giả bằng phương thức gọi điện thoại sang đặt hàng từ Trung Quốc, giao hàng và nhận tiền tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngăn chặn chưa hiệu quả?
Mặc dù hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ đang ngày càng gia tăng nhưng công tác đấu tranh lại diễn ra không thực sự hiệu quả.
Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam: Chính sự chồng chéo, thiếu tính thống nhất của các nghị định, văn bản pháp luật được ban hành đã vô tình làm cản trở công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Ông Bảo dẫn chứng, trong Ban Chỉ đạo 127/TW (Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương) có đến 7 lực lượng tham gia kiểm tra, xử lý vi phạm là không cần thiết. Thông thường, trong công tác chống buôn lậu, chỉ một đến hai người biết còn giữ được bí mật nhưng sang đến người thứ ba sẽ “lộ” ngay. Theo ông Bảo, cũng cần phải dẹp được một số đối tượng lợi dụng các mối quan hệ thân tín với các nhà chức trách, nhờ can thiệp kiểu “trên bảo dưới phải nghe”, khiến nhiều vụ buôn lậu hàng giả lớn đã “trót lọt” gây thất thoát cho DN và Nhà nước.
Ông Trần Vinh Nhung cho rằng, Nhà nước chưa có dẫn chứng cụ thể về cơ sở pháp lý để chuyển giao việc xử lý vi phạm hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ giữa cơ quan điều tra với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, các quy định cụ thể về “dấu hiệu tội phạm” để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn, thiếu khả thi. Do đó, số lượng các vụ việc xử lý hình sự còn rất hạn chế.
Có ý kiến cho là, Chính phủ cần bổ sung điều chỉnh các cơ chế chính sách quản lý kinh tế, quản lý xuất nhập khẩu cho phù hợp, hạn chế kẽ hở, tạo điều kiện cho bọn buôn lậu lợi dụng thực hiện tội phạm. Quy định cụ thể thời gian lưu hành của bộ hồ sơ, chứng từ, hóa đơn hàng hóa vi phạm bị tịch thu bán đấu giá; sửa đổi bổ sung các quy định về thành lập và quản lý việc đăng ký, sử dụng ấn chỉ thuế nhằm ngăn chặn tình trạng thành lập DN “ma” để hoạt động mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, hợp thức hóa hàng hóa trái phép…
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội, hàng giả hiện được sản xuất ngày càng tinh vi, nhiều mặt hàng giả thậm chí còn đẹp hơn hàng thật khiến việc nhận biết vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, khi phát hiện được thì thủ tục bắt giữ cũng rất phức tạp. Đơn cử, khi bắt được hàng giả, hàng lậu thì nhiều chủ bản quyền hàng hóa đó ở trong nước lại không muốn ra làm chứng nên các cơ quan chức năng biết cũng không xử lý được. Do vậy, phải gắn trách nhiệm của người chủ bản quyền sản phẩm đó trong việc chống lại những hành vi buôn lậu và gian lận thương mại những sản phẩm mà DN đang kinh doanh.
Trong khi đó, mặc dù bị điêu đứng vì vấn nạn hàng giả, hàng nhái, song nhiều DN vì lo ngại ảnh hưởng đến uy tín đã im lặng để bán hàng, thậm chí thiếu hợp tác với cơ quan chức năng.
Chính tâm lý “sống chung với hàng giả” của DN đã góp phần làm hàng giả, hàng nhái phát triển. Tâm lý biết giả, biết nhái nhưng vẫn sử dụng của một số đông người tiêu dùng cũng chính là mảnh đất tốt cho sự phát triển hàng nhái, hàng giả. Dù biết là hàng giả nhưng người tiêu dùng vẫn mua vì họ cho rằng giá rẻ và thiết kế đẹp không thua hàng thật...
Điều hành giá phải gỡ khó cho doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, từ nay đến cuối năm, tình hình còn rất khó khăn, lạm phát hiện đã ở mức cao, 7 tháng là 14,6%. Bộ trưởng chỉ đạo, cần tiếp tục theo dõi sát sao, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành và các địa phương trong công tác quản lý, điều hành giá để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ.
Việc điều hành giá phải góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất phát triển và hội nhập; tiến hành rà soát lại tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước kiểm soát giá, nếu giá chưa đáp ứng được với thị trường thì nghiên cứu có biện pháp xử lý, tháo gỡ theo phương án, lộ trình phù hợp, đảm bảo giá cả vận hành theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Đối với một số mặt hàng nhạy cảm, có ảnh hưởng đến an sinh xã hội như điện, xăng dầu, thì việc điều hành giá phải linh hoạt, theo thời điểm, liều lượng hợp lý để đảm bảo thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và an sinh xã hội; cần rà soát, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá và công khai, minh bạch giá, phương pháp, thông số, dữ liệu tính toán giá đối với những mặt hàng Nhà nước độc quyền, những mặt hàng nhạy cảm như điện, xăng dầu, sắt thép, dịch vụ cảng biển, giá lương thực, thuốc, sữa, học phí, viện phí…
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý giá bám sát chương trình, kế hoạch công tác của Bộ Tài chính đã ban hành để thực hiện, trong đó lưu ý tập trung tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về giá của Nhà nước; chủ động có hướng dẫn các địa phương, sử dụng tất cả các biện pháp, công cụ hiện có và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện.
Bộ Tài chính cũng sẽ chỉ đạo tổ chức một số đoàn kiểm tra về giá tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… Kết quả kiểm tra, thanh tra phải được công bố công khai để giám sát.
Về vấn đề điều hành giá xăng dầu, điện, Cục Quản lý giá sẽ nghiên cứu, chịu trách nhiệm hoàn chỉnh các phương án, kịch bản điều hành giá các mặt hàng này, trong đó phải nêu rõ nguồn số liệu được sử dụng để tính toán.
Cục Quản lý giá chủ trì nghiên cứu, đề xuất việc thanh tra các doanh nghiệp bán điện cho EVN để làm rõ các yếu tố chi phí khi đàm phán mua điện giá cao.
Tuấn Huy
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.
Trần Kiên
20:41 11/12/2024Hải Hà
20:22 11/12/2024Hải Hà
17:09 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh
Thu Huyền
Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga