Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dồn toàn lực chạy đua với bão Noru

N. Phó - Q. Thân

Thứ ba, 27/09/2022 - 12:40

(Thanh tra) - Theo dự báo, siêu bão Noru (số 4) sẽ đổ bộ vào các tỉnh, TP từ Đà Nẵng đến Bình Định vào đêm nay và sáng mai (28/9) với sức gió cấp 12-13, giật cấp 14, mức rủi ro thiên tai cấp 4; trọng tâm là Quảng Nam và Quảng Ngãi; vùng ảnh hưởng của bão từ các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên mức độ rủi ro thiên tai cấp 3. Để giảm thiểu thiệt hại, chính quyền và người dân miền Trung đang từng giờ chạy đua với bão.

Lực lượng Biên phòng miền Trung tuyên truyền và hướng dẫn ngư dân khẩn trương vào bờ tránh bão. Ảnh: N.P

Tại TP Đà Nẵng, trong kịch bản bão Noru giật cấp 14 đến cấp 17, tổng số người dân trong TP phải sơ tán là hơn 100.000 người. Trong đó, huyện Hòa Vang dự kiến được sơ tán nhiều nhất với gần 30.000 người.

UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu UBND các quận, huyện thành lập Sở Chỉ huy tại địa phương để kịp thời chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão Noru; báo cáo kết quả hàng ngày trước 18 giờ về Thường trực Ban Chỉ huy Tiền phương TP.

Chủ tịch UBND TP chỉ đạo lãnh đạo các quận, huyện chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện sơ tán dân tránh bão, nhất là các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập úng, khu vực nhà ở không đảm bảo an toàn, huy động lực lượng ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra, hoàn thành trước 14 giờ ngày 27/9.

Từ chiều ngày 26/9, TP Đà Nẵng đã thông báo cho học sinh nghỉ học. Từ trưa nay (27/9), cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp... được nghỉ làm việc để phòng, chống bão. Đồng thời, TP cũng cho dừng họp chợ trên địa bàn.

Hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa đề phòng bão lớn. Ảnh: N.P

Tại Quảng Nam, dự kiến cơn bão sẽ đe doạ nghiêm trọng khu phố cổ Hội An. Từ nhiều ngày nay, chính quyền đã huy động lực lượng chằng chống nhà cổ, thu dọn vật dụng đến nơi an toàn. Đồng thời, tại các ngôi nhà cổ bị xuống cấp nghiêm trọng đã di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 27/9, toàn tỉnh dự kiến sơ tán tập trung hơn 17.000 hộ với hơn 66.000 người dân; sơ tán xen ghép hơn 21.000 hộ với hơn 67.000 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm để phòng, tránh bão.

Rút kinh nghiệm bão lớn gây mưa to, lũ quét làm cô lập, thiếu lương thực tại nhiều vùng dân cư các huyện miền núi; UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương chủ động công tác dự trữ lương thực, thực phẩm dài ngày cho người dân.

Tàu đánh bắt xa bờ cập bến An Hoà (Núi Thành, Quảng Nam). Ảnh: N.P

Theo báo cáo, huyện Tây Giang đã dự trữ 180 tấn gạo tại 10 xã và các trường học. Huyện Nam Giang dự trữ hơn 36 tấn gạo, bình quân mỗi xã 3 tấn. Tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước cũng dự trữ mỗi địa phương từ 20 - 46 tấn gạo. Huyện Nông Sơn, Đông Giang cũng đã chỉ đạo xuống xã tự cân đối nguồn lương thực dự trữ.

Tại cuộc họp chiều qua (26/9), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu công tác di dời dân đến sáng 27/9 phải hoàn thành. Các địa phương tập trung thực hiện khẩn trương nhưng phải đảm bảo chắc chắn điều kiện về hạ tầng, sinh hoạt nơi người dân sơ tán đến; ngoài ra cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng điều kiện sơ tán về phương tiện, lực lượng sơ tán người dân; tăng cường dự trữ lương thực phẩm, nhu yếu phẩm, nước uống tại các địa phương có khả năng cô lập do mưa lũ, sạt lở, chia cắt giao thông.

Người dân chằng chống nhà cửa đề phòng bão lớn. Ảnh: N.P

Huyện đảo Lý Sơn được dự báo là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi chịu ảnh hưởng trực tiếp bão số 4. Trong ngày 26/9, chính quyền và người dân huyện đảo tiếp tục triển khai công tác ứng phó và hoàn tất mọi công việc trước khi đón bão số 4 vào đêm nay.

Tại huyện ven biển Bình Sơn có nguy cơ cao về rủi ro trong bão, chính quyền xã Bình Đông đã huy động lực lượng xung kích, với sự góp sức của công nhân, người lao động thuộc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đến nhiều nhà dân trong khu vực nguy hiểm để hỗ trợ di dời tài sản. Riêng khu vực xóm Bàu, có 110 nhà đã được hỗ trợ di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn trước khi bão đến.

Ngày 26/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có Công văn số 1247-CV/TU yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống bão số 4, trong đó đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân, các công trình trọng điểm... là ưu tiên hàng đầu.

Hỗ trợ người dân ven biển đưa tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: N.P

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu tập trung kiểm tra, rà soát bảo đảm an toàn hồ đập; chủ động, kiên quyết sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét...

Đề phòng lũ lớn, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp. Hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú; báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy những vấn đề cần lãnh đạo, chỉ đạo.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng của bão, lũ rà soát phương án, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tại khu vực trọng điểm để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Lực lượng công nhân Tổng Công ty Điện lực miền Trung phát quang lưới điện. Ảnh: N.P

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa ký Quyết định 1136/QĐ-TTg ngày 26/9/2022 thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó với bão số 4, do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành là Trưởng ban; đặt tại TP Đà Nẵng để chỉ đạo công tác ứng phó với bão.

Ban Chỉ đạo tiền phương có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 4 bảo đảm kịp thời, hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng nhân dân, hạn chế thiệt hại do bão; chỉ đạo, giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh; thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hiện, chính quyền và người dân miền Trung đang hối hả chạy đua với thời gian và tốc độ duy chuyển của bão số 4 để chằng chống nhà cửa, thu dọn tài sản, gia súc, lương thực, hoa màu để đảm bảo an toàn lương thực và đảm bảo tính mạng trong những ngày trong và sau bão số 4.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm