Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 19/08/2024 - 21:56
(Thanh tra) - “Cử tri nói rằng nhiều khi bây giờ thi vào đại học còn dễ hơn rất nhiều so với tuyển sinh lớp 10, lớp 6, lớp 1”, theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: P.Thắng
Vấn đề “thi đại học dễ hơn rất nhiều so với tuyển sinh vào lớp 10, lớp 6, lớp 1” được Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề cập khi cho ý kiến vào báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 7, chiều 19/8.
Quá nhiều phương án tuyển sinh làm học sinh khó khăn lựa chọn
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, trong tháng 7, diễn ra sự kiện rất quan trọng là kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học.
Qua phương tiện thông tin đại chúng, bà thấy tuyển sinh vào đại học rất tốt, tạo nhiều cơ hội cho người học có cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học từ các trường tốt đến những trường top đầu.
Trưởng ban Công tác đại biểu cũng cho hay, cử tri phản ánh hiện có quá nhiều phương án tuyển sinh, dẫn đến học sinh rất khó khăn trong lựa chọn. “Việc này, khác hẳn với anh em chúng ta ngày xưa, thi khối A, khối B, khối C, thi vào trường có điểm chuẩn rất rõ ràng”, theo lời bà Hải.
Không chỉ có quá nhiều phương án tuyển sinh, bà Hải lưu ý còn có hiện tượng xét tuyển từ rất sớm, thậm chí trước thi tốt nghiệp một học kỳ. Điều này dẫn đến, có trường khi chưa tổ chức tuyển sinh, chưa tổ chức thi đã gần như đạt số tuyển sinh, nên điểm thi vào rất cao.
“Tôi thấy cần phải có những chế tài hay có những kiến nghị, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu. Các trường tính tự chủ rất cao trong tuyển sinh nhưng không có nghĩa muốn làm gì cũng được, phải có những chế tài, giám sát để làm sao thu hút được học sinh giỏi, tốt, đảm bảo không chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng”, bà Hải nhấn mạnh.
Nội dung này, theo bà Hải, cần phải phản ánh trong báo cáo dân nguyên. “Cử tri nói rằng nhiều khi bây giờ thi vào đại học còn dễ hơn rất nhiều so với tuyển sinh vào lớp 10, lớp 6, lớp 1”, Trưởng ban Công tác đại biểu nói thêm.
Ở vị trí điều hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, hiện dư luận Nhân dân rất băn khoăn chất lượng tuyển sinh, cơ hội cho thí sinh thi tuyển, khi xét tuyển đã hết chỉ tiêu.
Ông cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung vào báo cáo về kỳ thi tuyển sinh đại học; việc có nhiều phương án tuyển sinh đặt ra yêu cầu chất lượng như thế nào, nhất là tuyển sinh qua xét tuyển và giải quyết giữa xét tuyển với thi tuyển, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các phương án tuyển sinh đại học và có báo cáo. Đề nghị Ủy ban Văn hóa Giáo dục làm việc với bộ cụ thể vấn đề này để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trường hợp có điều kiện, đề nghị anh Vinh (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - PV) tổ chức phiên giải trình nếu giải thích không rõ”, ông Phương nói.
Làm tốt tiếp công dân trực tuyến sẽ hạn chế đoàn đông người kéo ra Trung ương
Vấn đề nữa, về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Trưởng ban Công tác đại biểu nói, số lượng công dân đến trụ sở tiếp công dân giảm, nhưng đến nhà các lãnh đạo có xu hướng gia tăng.
Từ kinh nghiệm ở địa phương khi còn làm Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên, bà Hải đề nghị nghiên cứu chuyển đổi số trong công tác tiếp công dân.
“Ở Thái Nguyên, tôi 1 tháng tiếp dân 1 lần. Toàn bộ tài liệu tiếp công dân, bao gồm sơ đồ đất đai, quy hoạch, các quyết định… đều được số hóa. Các ban, ngành, đoàn thể trao đổi, thảo luận trên nội dung rất rõ ràng. Tài liệu rất đầy đủ để nghiên cứu, thảo luận trước khi tiếp công dân để biết vụ việc này có giải quyết được không, căn cứ nào để giải quyết…”, bà Hải nói.
Phó Trưởng Ban Tiếp Công dân Trung ương Phạm Thế Sự cho biết, Thanh tra Chính phủ giao Ban Tiếp dân Trung ương phối hợp chặt với các cơ quan trong tiếp công dân, nắm tình hình ở địa phương.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ rất quan tâm đến tiếp công dân trực tuyến và đã bắt đầu triển khai thực hiện.
“Tiếp công dân trực tuyến làm tốt sẽ hạn chế công dân, các đoàn đông người các tỉnh, TP kéo về Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; cũng như hạn chế việc công dân đến các trụ sở, cơ quan, bộ, ngành Trung ương và nhà riêng của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, theo lời ông Sự.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an cho thấy, trong tháng 7, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so với tháng 6.
Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các cơ quan đã tiếp 372 lượt với 779 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 371 vụ việc và có 28 lượt đoàn đông công dân.
“Trong đó, có 5 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới”, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình lưu ý.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phân tích rõ vì sao các đoàn đông người giảm tới cơ quan tiếp công dân, nhưng diễn biến phức tạp ở khu vực nhà ở của các lãnh đạo cấp cao và xung quanh trụ sở Trung ương.
“Cần phân tích rõ để có nhận định đánh giá trúng và có đề xuất cụ thể”, ông Phương lưu ý.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.
N. Phê - L. Bình
13:19 22/11/2024(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...
Văn Thanh
12:44 22/11/2024Vũ Linh
12:37 22/11/2024Phương Anh
12:37 22/11/2024Trần Trung
11:43 22/11/2024Thái Hải
11:24 22/11/2024T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân
Nhật Minh
N. Phê - L. Bình
Trần Quý
Thái Hải
Văn Thanh