Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 21/11/2017 - 15:02
(Thanh tra) - Sáng 21/11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) QH cho ý kiến, tranh luận là có nên mở rộng phạm vi đối với tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Quang Dũng (ĐBQH đoàn Quảng Nam)
Công - tư có sự thông đồng để tư lợi
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Quang Dũng (ĐBQH đoàn Quảng Nam) nêu quan điểm, cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài Nhà nước.
Theo ông Dũng, nhiều nước trên thế giới đã quy định và pháp luật hình sự của nước ta cũng đã quy định.
“Chính sách hình sự của nước ta từ nhiều năm nay đã và đang xử lý những người không phải là cán bộ, công chức với vai trò đồng phạm trong các vụ tham ô, hối lộ. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi cũng có quy định xử lý người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước là chủ thể trong các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ”, ĐBQH đoàn Quảng Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, mức độ mở rộng cần tương thích giữa Luật Phòng, chống tham nhũng và Bộ luật Hình sự.
Giơ biển tranh luận, bày tỏ băn khoăn mở rộng phạm vi sang khu vực ngoài Nhà nước, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, tham nhũng là tội phạm có chủ thể đặc biệt, không phải ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội tham nhũng được.
Theo ông, một mặt cho rằng thu hẹp diện kê khai tài sản, mặt khác lại muốn mở rộng diện kiểm soát tham nhũng. Như vậy là mâu thuẫn, quy định không khả thi, đưa vào luật khó thực hiện.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) giơ biển tranh luận
“Tôi tán thành quan điểm cần cắt đường dây kết nối giữa khu vực ngoài Nhà nước và khu vực Nhà nước, hay nói cách khác là cắt nguồn dinh dưỡng của tham nhũng. Nhưng không có nghĩa, chúng ta chỉ sử dụng một con dao duy nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng để cắt sợi dây này mà có những quy định khác nhau”, ĐBQH đoàn Bến Tre đề nghị, cân nhắc việc mở rộng.
Không đồng ý, theo ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), việc mở rộng phạm vi sang khu vực tư là điểm nổi bật trong lần sửa đổi này, phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp chủ trương của Đảng...
“Tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn về chính sách, nhiều khi đưa hối lộ hoặc thông đồng với khu vực Nhà nước để tư lợi, gây thất thoát lớn về tiền và tài sản của Nhà nước”, ông Hàm nhấn mạnh.
ĐBQH đoàn Phú Thọ dẫn chứng, Việt Nam đã xảy ra các vụ tham nhũng nghiêm trọng trong khu vực tư như tại Công ty Cho thuê tài chính 2, các vụ chiếm đoạt tiền của ngân hàng…
“Chúng ta đã tham gia Công ước quốc tế về Chống tham nhũng, nhưng quy định về chống tham nhũng trong lĩnh vực tư chỉ mới có một chút thôi, chưa nhiều, nên chưa thực hiện được nghĩa vụ của quốc gia thành viên”, Thiếu tướng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ (ĐBQH đoàn An Giang) lưu ý.
Lo mở rộng, lọt cá to, chỉ bắt được cá nhỏ
Cũng tranh luận lại ý kiến của ĐB Nhưỡng, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt vấn đề, liệu có phải tham nhũng của Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng đang chống nhau?
ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng)
“Tôi cho rằng không phải! Bởi Luật Phòng, chống tham nhũng rộng hơn, kiểm soát các hoạt động mang tính phòng ngừa. Còn định nghĩa của Bộ luật Hình sự là phục vụ cho công tác điều tra, xét xử và trừng trị hành vi tham nhũng”, ông Sơn nói.
Theo ĐB Sơn, Ban Soạn thảo cần cân nhắc đầy đủ định nghĩa hành vi tham nhũng trong dự Luật Phòng, chống tham nhũng.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) tiếp lời, hiện nay có sự thông nhau giữa khu vực công và khu vực tư. Thực tế, công và tư đang cấu kết với nhau để tham nhũng.
“Người ta tham nhũng thông qua khu vực tư”, ông Nghĩa ví dụ, tài sản này 1 triệu USD, người ta đưa ra khu vực tư để kê lên 1,5 triệu USD, sau đó "lại quả" 500 nghìn USD cho các cá nhân. Nếu chúng ta thả nổi hoàn toàn là không được.
ĐBQH Dương Trung Quốc. Ảnh: Văn Bình
ĐB Dương Trung Quốc (ĐBQH đoàn Đồng Nai) tranh luận, tham nhũng gắn liền với quyền lực và phương hại đến công quỹ. Nếu không phải là công thì không phải tham nhũng mà nó là bệnh khác.
“Nếu không có quyền thì không thể tham nhũng được. Vì thế, ta cần phải làm rõ”, ông Quốc nêu, “nếu chúng ta cứ tràn lan như thế này thì cuối cùng chính con cá to nó lọt và toàn bắt con cá nhỏ”.
Theo ĐBQH đoàn Đồng Nai, trước hết phải huy động toàn bộ hệ thống pháp luật chứ không chỉ Luật Phòng, chống tham nhũng và cũng nên tập trung vào những người sử dụng quyền lực để tư lợi cho mình, làm phương hại đến công quỹ quốc gia.
Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động chân chính, của cá nhân, nhà đầu tư, dự thảo Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài Nhà nước.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đưa ra phương án cụ thể như sau:
- Đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế: Dự thảo quy định áp dụng bắt buộc một số chế định như: thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, trách nhiệm của người đứng đầu, minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư.
Căn cứ vào các luật có liên quan về tổ chức và hoạt động của mình (Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng và các đạo luật chuyên ngành khác), Nhà nước bắt buộc nhóm chủ thể này tự quy định và tự tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng cho phù hợp.
- Đối với tổ chức xã hội: Dự thảo quy định áp dụng bắt buộc một số chế định như: Thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, trách nhiệm của người đứng đầu, minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.
Căn cứ vào các luật có liên quan về tổ chức và hoạt động của mình, Nhà nước bắt buộc nhóm chủ thể này tự quy định và tự tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng cho phù hợp.
- Các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc áp dụng các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng đối với các chủ thể trên khi có căn cứ theo quy định của pháp luật về Thanh tra.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.
Trần Kiên
20:41 11/12/2024Hải Hà
20:22 11/12/2024Hải Hà
17:09 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà