Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Buông lỏng quản lý trong khảo sát, đánh giá tài nguyên năng lượng gió trên biển

Văn Hải

Thứ sáu, 03/06/2022 - 16:33

(Thanh tra) - Điện gió ngoài khơi là xu hướng dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo hiện nay trên thế giới. Ưu điểm chính của năng lượng gió ngoài khơi là khả năng tạo ra điện cao hơn vì tốc độ gió trên đại dương thường ổn định hơn và mạnh hơn so với trên đất liền và các trang trại điện gió ngoài khơi thì ít hoặc là không ảnh hưởng đến xung đột dân cư hoặc các qui hoạch phát triển khác như trên đất liền.

Điện gió ngoài khơi, năng lượng tương lai. Ảnh: VH

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến cuối 2021, Việt Nam đã có 88 dự án điện gió hòa lưới với tổng công suất lắp đặt khoảng 4,2 GW; đối với điện gió ngoài khơi, hiện đã có 35 dự án đang được nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60 GW.

Tuy nhiên, hiện nay điện gió ngoài khơi vẫn được coi là lĩnh vực mới ở Việt Nam với nhiều khó khăn vì vẫn chưa có nhiều thể chế, chính sách qui định cụ thể và hỗ trợ cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam.

Thời gian gần đây có nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã gửi các hồ sơ lên Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND một số tỉnh để đề xuất được đo gió và khảo sát địa chất, địa hình trên biển nhằm nghiên cứu và triển khai, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Đặc biệt có nhiều đề xuất với diện tích khảo sát lên đến hàng nghìn ha, có vị trí xa bờ, thậm trí trải dài liên vùng hoặc chồng lấn nhau, gây khó khăn cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, xem xét chấp thuận và giám sát hoạt động trong trường hợp chấp thuận cho tổ chức, cá nhân được thực hiện đo gió, khảo sát địa chất, địa hình ngoài khơi.

Việc đồng loạt trình hồ sơ đề xuất này có thể nói đã hình thành nên một trào lưu xin chủ trương cho quan trắc, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển các dự án điện gió nói chung và các dự án điện gió ngoài khơi nói riêng trước thời điểm hoàn thiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước trào lưu này, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, nhưng nhiều địa phương đã nóng vội, thiếu kiểm tra, rà soát, buông lỏng quản lý dẫn đến có tình trạng có tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển đã ban hành văn bản chấp thuận để tổ chức cá nhân được đo đạc, khảo sát, đánh giá tài nguyên năng lượng gió trên biển có phạm vi ngoài vùng biển 06 hải lý và vùng biển liên vùng (trong và ngoài vùng biển 06 hải lý) là trái thẩm quyền được quy định tại Điều 8 và khoản 4 Điều 9 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP.

Trước tình hình đó, ngày 20/4/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành Công văn số 2017/BTNMT-TCBHĐVN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện đúng quy định về thẩm quyền ban hành văn bản chấp thuận đo đạc, khảo sát, đánh giá tài nguyên năng lượng gió trên biển theo quy định của Điều 8 và khoản 4 Điều 9 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP; đồng thời, có biện pháp khắc phục, thu hồi văn bản đã ban hành trái thẩm quyền (nếu có).

Để xảy ra các trường hợp vượt thẩm quyền nêu trên, một phần có thể là do sự nóng vội, thiếu cập nhật chính sách pháp luật, muốn phát triển nhà máy điện gió để mang lại nguồn thu cho địa phương của cấp sở ngành tham mưu, sai phạm chính là do sự buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, rà soát của cấp lãnh đạo địa phương.

Có thể thấy, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về biển và hải đảo, vừa khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ nghiêm các qui định của pháp luật, rất cần sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là sự quản lý năng động, sáng tạo nhưng chặt chẽ, nghiêm minh của các cấp quản lý ở địa phương để giữ cho biển và hải đảo Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm