Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vì sao truyện cổ tích Việt ngày càng chứa yếu tố “sex”, “bạo lực”?

Thứ hai, 01/06/2015 - 14:37

Tâm hồn trẻ thơ non nớt sẽ phát triển như thế nào khi tiếp cận với “thế giới” truyện cổ tích nhuốm màu sắc “sex” và rùng rợn như “cha muốn cưới con gái làm vợ”, Thạch Sanh chém trăn tinh “vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”, Sọ Dừa thành “sọ người”…?

Truyện cổ tích "Công chúa Tóc Vàng" có chi tiết "cha muốn cưới con gái"

Truyện cổ tích chứa yếu tố “sex”, “loạn luân” và “bạo lực”

"Cái cổ của con chim cọ mãi vào ngực nàng, cả cơ thể nó cứ chà sát mãi vào thắt lưng nàng, cặp mỏ hơi bẹt của nó cứ dúi mãi vào hai bầu vú cương cứng của nàng khiến nàng không sao nhúc nhích được, cứ phải nằm bất động như hóa đá. Má nàng đỏ rực như người uống rượu, tim nàng đập rộn lên, mắt nàng khẽ khép lại....", (trích Lêđa và con thiên nga- Truyện cổ tích về các loài chim & muông thú- NXB Văn hóa Thông tin).

Đọc trích đoạn “gợi dục” trên, ai có thể tưởng tượng rằng đây là nội dung nằm trong cuốn truyện cổ tích dành cho lứa tuổi mầm non?

Truyện cổ tích về các loài chim & muông thú- NXB Văn hóa Thông tin có chi tiết bị cho là "gợi dục"

Các bậc phụ huynh cũng hoảng hồn không kém khi truyện cổ tích Công chúa Tóc Vàng nằm trong cuốn Những nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm- NXB Văn học có chi tiết “cha muốn cưới con gái”: “Quốc vương nhìn thấy con gái mình, thường nghĩ đến bóng dáng của vợ, vì thế sau đó, ngài tuyên bố sẽ lấy con gái của mình làm vợ. Các đại thần nghe xong, đều lo sợ làm như vậy nước nhà sẽ gặp đại họa vì cha con không thể lấy nhau được. Nhưng quốc vương không nghe, ngài còn ra lệnh lập tức cử hành hôn lễ”.

Trước đó, dị bản truyện cổ tích Thạch Sanh trong cuốn Truyện cổ tích Việt Nam- NXB Kim Đồng cũng bị dư luận phản ứng với chi tiết “không đúng mực” khi miêu tả mẹ nhường cái khố duy nhất cho Thạch Sanh. Dị bản này còn có đoạn văn nhuốm màu bạo lực: “Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn tinh bổ xuống thật nhanh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi.” Trong bộ Truyện cổ tích Việt Nam dành cho trẻ nhỏ của Nhà xuất bản Hồng Đức, Sọ Dừa, nhân vật cổ tích quen thuộc được mẹ sinh ra sau khi uống nước đựng trong chiếc…sọ người. Nội dung truyện còn dùng ngôn từ khá "cực đoan" với trẻ nhỏ như: "quái thai", "đem chôn sống nó đi..."

Hình minh họa truyện cổ tích "Sọ Dừa" của NXB Hồng Đức bị dư luận bức xúc

Cách đây gần 10 năm, người ta chỉ trích ấn phẩm dành cho thiếu nhi Shin - Cậu bé bút chì với nội dung nhảm nhí cùng với những hình ảnh khêu gợi, ngôn từ nghèo nàn, nhạy cảm, hoàn toàn không phù hợp với độ tuổi thiếu nhi. Giờ đây, độc giả lại “sốc” trước ngôn từ dung tục trong Thỏ trắng và Hổ xám nằm trong cuốn Truyện cổ tích Việt Nam- NXB Hải Phòng: “Thỏ nhẹ nhàng nhảy xuống bóp d... hổ”. Thậm chí, có đoạn còn đưa cả câu chửi bậy: “Mẹ mày con thỏ!”…

Với một số nội dung sách như trên, chính là lý do khiến các bậc phụ huynh đau đầu khi lựa chọn sách cho con em mình. Thị trường sách thiếu nhi hiện tại đang rơi vào nghịch cảnh: nhiều ấn phẩm đa dạng, bắt mắt, tuy nhiên nội dung lại quá nhảm nhí, ngôn từ giật gân câu khách…?

“Khủng hoảng” cây bút viết cho thiếu nhi?

Trước thực trạng đáng báo động về chất lượng sách thiếu nhi, nhiều người đặt câu hỏi việc lựa một cuốn sách hay dành cho các em là quá khó? Trong khi thị trường sách ngập tràn sách dịch, tái bản lung tung những dị bản cổ tích thì đâu rồi những tác phẩm mới của những tác giả Việt Nam?

Bao nhiêu năm qua, ngoài việc tập hợp tái bản những truyện viết cho thiếu nhi của các nhà văn nhà thơ cây đa cây đề như: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Hổ, Võ Quảng, Xuân Quỳnh…người ta vẫn chỉ nhớ đến Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn sáng tác xuất sắc nhất cho thiếu nhi và lứa tuổi mới lớn với những tác phẩm chất lượng như Cho tôi một vé đi tuổi thơ, Bảy bước tới mùa hè, Đi qua hoa cúc, Bồ câu không đưa thư… Sau Nguyễn Nhật Ánh, thật khó để kể tên những tác giả viết thực sự nổi trội về mảng đề tài này?

Bìa cuốn "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của Nguyễn Nhật Ánh

Đây là nỗi niềm day dứt mà nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ từng chia sẻ: “Tôi nghĩ, phần lớn nhà văn ai cũng muốn viết cho thiếu nhi vì ai cũng từ thiếu nhi mà trưởng thành. Nhưng viết được hay không lại là chuyện khác. Sách cho thiếu nhi hàng năm xuất bản nhiều nhưng khá ít sự nổi trội, vì thực sự đây là mảng rất khó”.

Tại Lễ trao Giải thưởng sách Việt Nam 2014 mới diễn ra tại Hà Nội, số lượng sách thiếu nhi bị giảm rõ rệt. Lý giải về điều này, Giáo sư- Viện sĩ- Nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc (Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Chỉ trong một thời gian ngắn đã phát hiện hơn 60 cuốn sách thiếu nhi và sách giáo dục có lỗi, trong đó nổi bật ở những truyện cổ tích cho trẻ em. Điều này phản ánh chất lượng nội dung sách không đảm bảo. Việc nội dung sách thiếu nhi chất lượng ít hơn hẳn so với các năm trước bởi các tác giả ít đầu tư cho thể loại sách này. Cũng không thể phủ nhận, nhuận bút các tác giả nhận được quá ít, không đảm bảo cho cuộc sống.”

Đồng tình với quan điểm của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và Giáo sư- Viện sĩ- Nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc, đại diện NXB Kim Đồng cũng cho rằng việc viết cho thiếu nhi rất khó. “Để viết được một tác phẩm hay cho thiếu nhi không hề đơn giản, cách hành văn phải hiền hòa, trong sáng, dễ hiểu, không thể dùng ngôn từ giật gân, gây sốc như viết sách cho người lớn. Một tác phẩm viết cho thiếu nhi cũng không dễ nổi tiếng, dễ gây hiệu ứng ngay tới khán giả như một cuốn sách ngôn tình “sốc” với sex được. Viết sách cho thiếu nhi đã khó mà vấn đề nhuận bút cho các tác giả cũng là cả vấn đề thực tế. Viết khó, nhuận bút thấp, làm sao có động lực thôi thúc các tác giả lao vào sáng tác mảng đề tài này?”, một đại diện NXB Kim Đồng nói.

Hoàn toàn vắng bóng sách thiếu nhi trong những đầu sách nổi bật tại lễ trao giải thưởng Sách Việt Nam năm 2014 (Ảnh: Phạm Oanh)

Tuy nhiên, đại diện NXB Kim Đồng cũng đưa thêm một khía cạnh khác trước ý kiến “khủng hoảng” sách thiếu nhi chất lượng, “khủng hoảng” cây bút trong nước viết về mảng đề tài này: “Để những cuốn sách hay, những tác phẩm mới chất lượng chưa lan tỏa đến độc giả là phần trách nhiệm của các NXB trong khâu quảng bá. Nhưng cũng phải hỏi lại rằng, các bậc phụ huynh đã thực sự quan tâm đến món ăn tinh thần của con em mình chưa? Trong cuộc sống hiện đại, bận rộn, hối hả; có bao nhiêu phụ huynh cùng con, tự tay đến những nhà sách uy tín tìm đọc, mua những ấn phẩm chất lượng, phù hợp? Có bao nhiêu phụ huynh đọc trước tác phẩm trước khi trao sách cho con em mình?”

Phía NXB Kim Đồng cũng cho rằng, sau Nguyễn Nhật Ánh, độc giả cũng nên có cái nhìn tích cực hơn đối với lứa cây bút trẻ viết cho thiếu nhi. Nếu thực sự quan tâm về các tác phẩm mới trong nước dành cho thiếu nhi, độc giả sẽ biết thêm những tác giả như Phong Điệp, Trang Thanh, Lưu Thị Lương, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Thị Bích Nga, Lê Phương Liên, Đỗ Bích Thúy…

Theo Nguyễn Hằng/Dân Trí

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm