Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tài tử quan họ

Thứ sáu, 27/01/2012 - 08:00

(Thanh tra)- Trong biên khảo “Vài nét về sinh hoạt hát quan họ trong truyền thống văn hoá dân gian” in trên tạp chí Viện Đại học Huế năm 1963, TS. Lê Văn Hảo đã gọi người nghệ sĩ quan họ là “tài tử quan họ”. Dùng chữ “tài tử” là để nhấn mạnh rằng: Tuy không mưu sinh bằng nghề ca quan họ, nhưng những nghệ sĩ không chuyên này lại rất có tài với lòng yêu nghề và đức hy sinh cho nghề nghiệp.

Dưới giời mấy kẻ biết ra

Biết ra chỉ có vùng nhà này thôi

Trong sáu tỉnh nghe đà chưa tỏ

Ngoài năm thành chỉ có Bắc Ninh

Yêu nhau nghĩ lại xuân tình

Nghề chơi quan họ có tinh mới tường
”...


Đây là bài hát quen thuộc của người quan họ. Như lời bài hát, người quan họ coi quan họ chỉ là một nghề chơi, một tục chơi văn hoá truyền đời, bất vụ lợi, nhưng là một nghề hết sức công phu, lại đòi hỏi sự tinh thông nghề nghiệp cao mới có thể tham dự.

Một nghệ sĩ có khả năng hát ứng đối nhuần nhuyễn, nhịp nhàng cùng bạn, đạt các kỹ thuật vang, rền, nền, nẩy thì ngoài năng khiếu âm nhạc phải mất nhiều năm khổ luyện. Thế nhưng, người nghệ sĩ quan lại họ chỉ có thể học tập, rèn luyện trong những lúc nhàn rỗi, những đêm “ngủ bọn” sau thời gian tất bật mưu sinh. Rồi, yêu cầu của phường quan họ rất cao, vì để được hát, trình diễn quan họ tại hội làng, tại các canh hát cùng bạn kết nghĩa thì mỗi người phải chuẩn bị quần áo, giày nón cho thật đẹp và đóng góp để làm lễ trình làng, làm cơm tiếp bạn hát. Bởi vậy, nếu nghệ sĩ tuồng, chèo càng biểu diễn nhiều thì càng có cơ hội khá lên về kinh tế, thì ngược lại, với người nghệ sĩ quan họ, tần suất các canh hát luôn tỷ lệ nghịch với túi tiền của bản thân và gia đình.

Đã có không ít nghệ sĩ trở nên khánh kiệt vì quá đam mê quan họ. Học đã khó, đi hát càng khó, nhưng khó nhất là chuyện khi đã nhập phường hát, họ phải chịu nhiều ràng buộc nghiêm khắc của luật tục; trong đó nghiệt ngã nhất là chuyện “quan họ” đã kết nghĩa, đã đi hát với nhau thì không được lấy nhau. Họ có thể tiếp đón nhau, trao gửi nhau những câu hát tình tứ, thiết tha, mặn nồng rồi khóc thầm” để “ướt đầm đôi bên vạt áo”, tuyệt đối không thể tiến tới hôn nhân. Đây cũng là nét đặc trưng của phường quan họ. Người nghệ sĩ quan họ tự nguyện chấp nhận để gìn giữ sự thanh cao của nghề chơi quan họ. Họ có thể hy sinh một mối tình đầy hứa hẹn trong đời cho trọn vẹn một tình yêu quan họ.

Nghệ sĩ ba trong một

Nghệ sĩ quan họ là mẫu hình của người nghệ sĩ ba trong một: Nghệ sĩ sáng tác - nghệ sĩ biểu diễn - người thưởng thức. Đó là nét chung của người nghệ sĩ diễn xướng dân gian. Nhưng, ở người nghệ sĩ quan họ, sự kết hợp ba trong một ấy được nâng lên một trình độ cao, một đẳng cấp đặc biệt.

Trước hết, nghệ sĩ quan họ phải là một ca sĩ, một nghệ sĩ biểu diễn thanh nhạc theo quan niệm ngày nay. Đặc biệt, họ phải biết đối đáp. Đây là yêu cầu mà một nghệ sĩ quan họ phải tích luỹ được hàng trăm bài hát để thích ứng với đa dạng tình huống của các buổi hát hội, hát canh với kỹ thuật vang, rền, nền, nẩy.

Yêu cầu đối câu, đối giọng và có bài mới, bài “độc” để chiến thắng trong diễn xướng đối đáp cũng đã buộc người nghệ sĩ quan họ phải biết “đặt câu, bẻ giọng”, có nghĩa phải đồng thời là một tác giả ứng tác, sáng tác. Vì vậy, gia tài phong phú của dân ca quan họ ngày nay chủ yếu do “tài tử quan họ” các thế hệ không ngừng đặt câu, bẻ giọng mà thành. Chỉ riêng hai nghệ sĩ Tư La và Nguyễn Đức Sôi, trong những năm 50 thế kỷ XX đã đóng góp đến vài chục bài hát cho vốn dân ca quan họ truyền  thống.

Nghệ sĩ quan họ cũng là người thưởng thức, là khán giả của chính mình và các bạn hát. Trong ca hát quan họ, có các hình thức hát hội, hát lễ, hát mừng, hát khao, hát hiếu..., song hát canh tại các gia đình quan họ - hình thức hát giao lưu giữa các tri âm tri kỷ, mới là trung tâm của các nghệ sĩ quan họ. Đó là cuộc hát gần như không có khán giả. Hát canh là lúc các “tài tử quan họ” bộc lộ cao nhất tinh lực, cảm xúc, tài năng. Người ta nói dân ca quan họ là hình thức ca hát của tình bạn nghệ thuật, của các tri âm, tri kỷ nghệ thuật là thế.

Sắt son nguồn cội

Người nghệ sĩ quan họ còn là người thấm nhuần nguyên tắc: Mọi sáng tạo, đổi mới đều phải bắt đầu từ cội nguồn, từ truyền thống. Trình tự bắt buộc một canh quan họ cho ta thấy rõ điều này. Phải bắt đầu từ ít nhất 5 bài thuộc giọng “Lề lối”, rồi sau đó mới chuyển sang các loại giọng “Vặt” và kết thúc bằng giọng “Giã bạn”.

Giọng “Lề lối” là giọng cổ, từ xa xưa truyền lại, thường rất rề rà, chậm chạp về tiết tấu, không phong phú về giai điệu. Người không thạo hiểu về quan họ rất khó nghe, thậm chí không nghe hết nổi một bài. Nhưng đối với các nghệ sĩ quan họ, đây là những nền tảng cơ bản về âm nhạc, những chuẩn mực cao đẹp về ca hát, ai không chịu khó học hỏi, rèn luyện nhuần nhuyễn các giọng “Lề Lối” thì không được tham gia vào nghề chơi quan họ.

Sau 5 giọng “Lề lối”, chuyển sang các loại giọng “Vặt” và giọng “Giã bạn”, giai đoạn được phép phô diễn mọi sự sáng tạo, đổi mới, tất cả trở nên tự do thoải mái hơn nhiều. Có thể thống kê được 36 loại giọng khác nhau trong hệ thống giọng “Vặt” và giọng “Giã bạn”. Trong đó, đáng chú ý là hệ thống giọng pha trộn hơi nhạc của các loại dân ca và nhạc cổ truyền như: Tuồng, chèo, nhả tơ, chầu văn, Huế, lý, ru, đò đưa, lượn... Đặc điểm của các loại giọng này là dù có nguồn gốc từ các thể loại âm nhạc khác nhưng vẫn mang đậm hơi nhạc đặc biệt của quan họ, không thể trộn lẫn.

Nói chung, là một “tài tử quan họ”, trước tiên mỗi nghệ sĩ phải được nuôi dưỡng trong môi trường văn hoá quan họ. Từ đó, họ có thể cảm nhận, học hỏi, tiếp thụ được những tinh túy của quan họ, được thể hiện ở các kỹ thuật vang, nền, rền, nảy. Đây là một cơ sở quan trọng, có tính chất quyết định cho sự sáng tạo, phát triển, đổi mới quan họ mà vẫn giữ được nguồn cội, giữ được sự độc đáo vốn có.

Phương Linh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Thái Hải

20:29 10/12/2024

Tin mới nhất