Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người lưu giữ những bức hình về Bác

Chủ nhật, 19/05/2013 - 08:04

(Thanh tra) - Một buổi chiều tháng 5 oi ả, trong căn nhà cấp 4 bình dị của nhiếp ảnh gia Phan Đinh tại khu 5, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, tôi may mắn được nghe ông kể về kỷ niệm đặc biệt được gặp Bác Hồ và chụp ảnh Bác nhân dịp Người về thăm và làm việc tại Vĩnh Phúc (Vĩnh Phú cũ).

Bác Hồ thăm đơn vị bộ đội đóng quân ở thị xã Vĩnh Yên ngày 2/3/1963. Ảnh: Phan Đinh

Nhiếp ảnh gia Phan Đinh sinh năm 1933, tại xã Yên Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha ông là nhà cách mạng lão thành. Bốn anh em ông đều tham gia và phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 1951, do yêu cầu của thời chiến, từ cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ông được điều chuyển sang bộ phận in li-tô của Ty Tuyên truyền văn nghệ Vĩnh Phúc.

Năm 1953, ông hoạt động trong vùng hậu chiến thuộc các xã ven sông Hồng, từ Đại Từ, Yên Lãng đến giáp ranh huyện Đông Anh, Hà Nội.

Năm 1956, Ty Văn hóa Vĩnh Phúc được thành lập, ông chuyển sang phụ trách công tác triển lãm và nhiếp ảnh. Đây là cơ duyên đưa ông với nhiếp ảnh, dù trước đó ông được đào tạo trong lĩnh vực hội họa.

Trong cuộc đời mình, ông không nhớ đã đặt chân đến bao nhiêu vùng đất, sáng tác bao nhiêu tác phẩm cũng như những giải thưởng mà mình đã đạt được. Nhưng có lẽ, kỷ niệm được chụp ảnh Bác Hồ luôn mãi khắc sâu trong tâm trí nhiếp ảnh gia này. Đó là niềm tự hào và hãnh diện để ngày hôm nay ông được kể lại cho con cháu cùng anh em đồng nghiệp.

Một buổi sáng cuối tháng 12/1958, khi đang ngồi làm việc tại Ty Văn hóa, ông được thủ trưởng cơ quan gọi ra và nói: “ Bác về, Bác Hồ về, vào ngay mà chụp ảnh đi”. Nghe tin ấy, ông sững sờ cả người. Ông tâm sự: “Ngày 9/10/1955, tôi cùng mấy đồng nghiệp đạp xe từ Vĩnh Yên xuống Hà Nội tham gia mít-tinh kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô, chỉ mong có cơ hội được trông thấy Bác, dù phải đứng nhìn từ rất xa. Nhưng hôm ấy, chúng tôi đã không có được may mắn đó. Ấy vậy mà giờ tôi lại được gặp Bác, có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến”.

Khi vào phòng, ông trông thấy Bác đang ngồi làm việc với các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy. Ông ngại ngùng bước đến bên Người xin phép: “Thưa Bác, cháu xin phép được chụp ảnh Bác ạ”! Bác quay sang mỉm cười và gật đầu đồng ý. “Lúc vào gặp Bác, tôi run lắm và không biết phải làm gì, nhưng chính nụ cười trìu mến của Người giúp tôi lấy lại bình tĩnh và nhanh chóng bấm máy”. Căn phòng làm việc hôm đó rất hẹp và tối nên ông cứ loay hoay chưa tìm được vị trí thích hợp để chụp. Như hiểu được sự “lúng túng” của anh phóng viên ảnh,  Bác xoay người, chuyển tư thế ngồi, quay mặt ra phía cửa. Ông nhanh chóng bấm liền 3 kiểu, rồi sau đó lặng lẽ ra ngoài hè và ngồi ngắm Bác. “Cho đến giờ tôi vẫn không thể nào quên được cái cảm xúc của ngày hôm ấy. Tôi vừa run vừa thấy vui mừng bởi hạnh phúc đến quá bất ngờ” - ông Đinh nói.

Nhiếp ảnh gia Phan Đinh xem lại những bức ảnh ông đã chụp Bác. Ảnh: Phương Nhung

Lần thứ 2 ông được gặp Bác đó là vào ngày 2/3/1963. Lần này ông đã được thông báo trước 1 ngày nên đã có sự chuẩn bị tốt về tâm lý cũng như phương tiện tác nghiệp. “Ngay từ hôm 1/3/1963, tôi đã được anh Trần Gia Bằng - Trưởng Ty Văn hóa giao nhiệm vụ cụ thể: Phải chụp cho tốt, đảm bảo nội dung, chụp xong phải tráng phim, in phóng cẩn thận ngay để phục vụ nhiệm vụ chính trị và phải tuyệt đối giữ bí mật với vợ con, anh em trong cơ quan”.

Suốt đêm đó, ông cẩn thận chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, từ máy chụp, phim chụp, giấy ảnh, máy phóng và các loại hóa chất để pha chế thuốc tráng phim và in ảnh. “Tối đó, tôi hồi hộp kiểm tra máy, xem lại tốc độ, khẩu độ của máy, xem lại phim âm bản để mang đi dùng, chuẩn bị trong đầu đề cương chụp, cứ nghĩ quanh quẩn chụp làm sao, chụp thế nào để có kết quả cao nhất”.

Sáng 2/3/1963, ông có mặt từ rất sớm ở địa điểm được phân công. Hôm đó bà con đi mít-tinh rất đông, nhưng tiếc là trời còn quá sớm, lại không có đèn nên ông không thể chụp được cảnh nhân dân nô nức và vui mừng trên đường đi mít-tinh. Theo đề cương đã chuẩn bị, ông chụp ảnh Bác đang nói chuyện với bà con nhân dân. “Đặc biệt, tôi đã chụp được tấm ảnh Bác giơ tay cao vẫy chào nhân dân rất tốt” - ông Đinh nói. Sau đó, ông cùng đồng nghiệp đã chọn một số phim tốt nhất ngày hôm đó, phóng ảnh 18X24cm để triển lãm phục vụ nhân dân tại nhà thông tin thị xã. Tấm phim Bác vẫy chào nhân dân được phóng lên phim dương bản cỡ 30x40cm, được tô màu và làm hộp kính để tối hôm sau treo tại nơi triển lãm.

Lần thứ ba, nhân dịp Người về dự Đại hội Đảng bộ giữa nhiệm kỳ tỉnh Vĩnh Phúc (7/1963), ông Đinh lại có dịp được đến gần và chụp ảnh Bác.

Năm 1988, sau khi đã nghỉ hưu, nhiếp ảnh gia Phan Đinh mới có điều kiện sưu tầm và làm lại một số ảnh mà ông đã chụp Bác trong những lần Người về thăm Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, do kỹ thuật bảo quản còn kém nên nhiều ảnh đã bị hỏng, hoặc bị thất lạc. Hiện nay, ông đang lưu giữ khoảng trên dưới 20 bức ảnh chụp Bác Hồ.

Hơn 50 năm trôi qua, nhưng kỷ niệm ấy vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí nhiếp ảnh gia Phan Đinh. “Được chụp ảnh Bác là một niềm vinh dự và hạnh phúc nhất đời, nó cổ vũ động viên suốt thời gian làm nghề và công tác của tôi, nhớ mãi những lần được chụp ảnh Bác, Bác đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi được chụp ảnh Người. Tôi nhớ mãi đôi mắt và nụ cười của Bác… Mỗi lần về thăm quê, lòng tôi càng tự hào phấn khởi, nhớ lại những phút giây thiêng liêng được chụp ảnh Bác Hồ, tôi tự hứa với mình sẽ sống và làm việc tốt hơn nữa để xứng đáng với ánh mắt, nụ cười mà Bác đã tặng cho tôi khi chụp ảnh Người” - ông tâm sự.

Học tập và làm theo tấm gương của Người, sau khi về hưu, nhiếp ảnh gia Phan Đinh còn tham gia nhiệt tình các công tác xã hội tại địa phương. Năm 1993, ông làm Bí thư Chi bộ khu dân cư. Năm 1995 - 2003, ông làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Gia Cẩm. Năm 2005, làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ của phường. Năm 2008 tiếp tục giữ chức Bí thư Chi bộ khu dân cư…

Ông vinh dự được nhận Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

Phương Nhung 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm