Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 01/02/2014 - 13:28
(Thanh tra) - Tương truyền Vương Lang, người huyện Tức Mặc, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là đệ tử tục gia của Thiếu Lâm tự, sau khi tỷ võ với bằng hữu thất bại, trở về nhà tình cờ chứng kiến cảnh con bọ ngựa vồ bắt con ve sầu với những đòn, thế sắc sảo, nên sáng tạo ra loại quyền pháp mới dựa trên kỹ pháp võ thuật như nhấc, ngắt, gác, lừa quấn, bổ, trượt... của loài bọ ngựa, đó là Đường Lang quyền Bắc phái.
Võ sư Trần Minh, vị Kim Cang cuối cùng của Thái cực Đường Lang.
Nếu Xà quyền lợi hại bởi những miếng ra đòn mổ, quăng, bổ nhào… thì Đường Lang quyền uy lực với các chiêu câu, giật, bổ, móc hết sức mau lẹ và linh hoạt, trong đó phần thắt lưng phải cử động rất linh hoạt với các động tác cơ bản như: Ưỡn, cúi, vặn và xoay. Đường Lang quyền hội tụ đủ cả trường quyền lẫn đoản quyền, cương nhu tương tế, khi xuất chiêu vô cùng dũng mãnh và mau lẹ.
Qua trường kỳ tập luyện mà hình thành nên các chi phái. Có Thất tinh Đường Lang (La Hán Đường Lang), Mai hoa Đường Lang (Thái cực Đường Lang), Lục hợp Đường Lang (Mã hầu Đường Lang).
Đường Lang quyền Nam phái gồm 2 chi phái thịnh hành tại Quảng Đông. Châu Gia Đường Lang do Châu Á Nam sáng lập. Về sau chia ra 2 nhóm: Châu gia và Chu gia. Môn này có một thời chỉ được truyền trong giới người Khách gia (người Hẹ). Còn Trúc Lâm Đường Lang do nhà sư Tam Đạt sáng tạo tại chùa Trúc Lâm, Quảng Tây. Châu gia và Trúc Lâm có lý thuyết và đòn thế rất giống nhau nên chắc có mối quan hệ lịch sử giữa 2 môn. Đường Lang quyền Nam phái chuyên dùng đòn ngắn, áp dụng nguyên tác “Phù trầm thôn thổ” để phát lực.
Ngoài ra, còn có Tân Đường Lang quyền là môn chỉ dành để biểu diễn, tấn pháp đứng rất thấp, mới được ông Vu Hải sáng chế. Ông là vận động viên wushu, đệ tử của Thất tinh và Mai hoa Đường Lang, từng đóng phim Thiếu Lâm tự và vài phim khác. Môn này được xem như môn thể thao hơn là quyền thuật.
Một trong những người đầu tiên du nhập môn phái Thái cực Đường Lang vào Việt Nam là quyền sư Hoa kiều Triệu Trúc Khê, tự là Trường Khanh, sinh năm 1900 (tài liệu tiếng Việt ghi năm 1894) tại trấn Sa Hà, huyện Dịch, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc; là chưởng môn đời thứ 8 của Thái cực Đường Lang.
Theo hệ phả của môn phái này, Tổ sư Vương Lang truyền cho Hầu Trí Viễn, ông này truyền cho Hầu Kiệt, ông Kiệt truyền cho Mã Cường, Cường truyền cho Lương Học Hương, Hương truyền cho Tôn Nguyên Xương sau đó Xương truyền cho Trì Thủ Tấn, Tấn truyền cho Triệu Trúc Khê.
Khoảng năm 1928, Triệu Trúc Khê lập võ quán ở Yên Đài dạy Thái cực Đường Lang, môn sinh rất đông, đào tạo được 3 môn đồ nổi tiếng là Khương Mật Linh, Lưu Tiến Điền, Trương Phỉ Diên.
Sau năm 1940, theo lời mời của Bàng Thuần Lễ, lúc này là Hội trưởng Tổng Thương hội người Hoa tại miền Bắc Việt Nam, Triệu Trúc Khê sang Hải Phòng vừa làm bảo tiêu, vừa mở y quán chữa trật đả và dạy Thái cực Đường Lang. Năm 1954, Triệu Trúc Khê đưa cả nhà vào Nam, ở sát chùa Bà Thiên Hậu ở đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn, mở y quán chữa trật đả. Tinh Võ thể dục hội Sài Gòn lúc này phát triển rất mạnh, mời ông về làm Tổng giáo luyện võ thuật thay cho Tạ Lâm Tường đã mất. Tháng 4/1959, Triệu Trúc Khê đi truyền dạy Thái cực Đường Lang ở các Công hội Thánh Tâm, Biên Hoà, Hội ký giả Hoa văn, các Hội quán như Sùng Chính, Nghĩa An, Lệ Chí, Quảng Triệu… Ông cũng là người sáng lập ra Đội Việt kịch (tuồng cổ Quảng Đông) lừng danh một thời ở Sài Gòn.
Triệu Trúc Khê đào tạo hàng ngàn môn sinh, trong đó, có 12 đại đệ tử giỏi nhất được gọi là “Thập nhị Kim Cang” gồm: Trịnh Hoa Thu, Thái Hữu Thành, Quan Chí Cường, Trần Sanh, Liên Định An, Trần Hứa Tân, Lý Văn Anh, Trần Tùng Bách... Giới võ lâm Chợ Lớn và môn sinh người Hoa rất tự hào với võ đường Thái cực Đường Lang của võ sư Trần Minh cũng là đội lân sư rồng Tinh Nghĩa Đường, bên cạnh chợ Hòa Bình, quận 5, lừng lẫy ở thập niên 60 - 70. Lúc bấy giơ, ở Sài Gòn - Gia Định rất phổ biến đấu võ đài, môn sinh người Hoa có 3 võ đường tham gia “máu” nhất là Trần Minh (Thái cực Đường Lang), Hùng Nghĩa (Thiếu Lâm Mạc gia), Hớn Minh (Thiếu Lâm và Muay).
Sau Tổng tiến công năm Mậu Thân 1968, Sài Gòn rúng động, Triệu Trúc Khê truyền giao lại quyền điều hành, huấn luyện cho các đại đệ tử, đưa vợ và con gái Triệu Hán Bình về Hồng Kông, tiếp tục mở võ quán dạy Thái cực Đường Lang tại đường Bạch Sa, Đồng La. Ngày 24/6/1991 (Âm lịch, năm Tân Mùi), ông qua đời đúng vào ngày giỗ Tổ của môn phái, hưởng thọ 98 tuổi.
Trong 12 môn đồ của chưởng môn Triệu Trúc Khê, người may mắn học được cả 2 pho quyền pháp sở đắc của môn phái là Đường Lang quyền và Thái Cực quyền, đó chính là võ sư kiêm đông y sĩ Trần Minh. Ông sinh năm 1928 tại Kim Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Lên 7 tuổi, Trần Minh học võ với một danh sư phái Hoa Sơn, 12 tuổi tham gia Tinh Võ hội, học Thái cực Đường Lang với quyền sư Triệu Trúc Khê tại sân Tinh Võ. Vốn là người có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, sau đó Trần Minh tìm đến Hồng Nghĩa đường học Thiếu Lâm Nam phái với danh sư Phùng Điềm tại chợ Thiếc. Vốn có tư chất thông minh và niềm đam mê võ thuật, Trần Minh ngày đêm dày công nghiên cứu, tổng hợp, chắt lọc tinh hoa Thiếu Lâm Bắc phái, Tinh Võ môn, Thái cực Đường Lang cùng các chiêu thức Thiếu Lâm Nam phái, tổng hợp lại, chế tác thành môn võ riêng, tuy vậy, ông vẫn giữ tên võ phái Thái cực Đường Lang để nhớ công ơn sư phụ Triệu Trúc Khê.
Năm 1969, ông sáng lập võ đường Trần Minh và đội lân Tinh Nghĩa, trụ sở tọa lạc tại 418/127B đại lộ Nguyễn Hoàng (đối diện khu Đại Thế Giới). Đến 1972, võ đường dời về 5/5G Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5 (gần chợ Hòa Bình). Tại đây, võ sư Trần Minh huấn luyện múa lân, dạy võ và đào tạo võ sĩ đấu võ đài, (võ sĩ nam được sư phụ đặt biệt danh với chữ Trần Trí, võ sĩ nữ là Trần Minh). Trong số này nổi lên nhiều tay đấm cự phách làm rạng danh Tinh Nghĩa đường như các võ sĩ Trần Trí Hữu, Trần Trí Thành (mất năm 2010), Trần Trí Quan, Trần Trí Hải, Trần Trí Cần, Trần Trí Thạch, Trần Trí Dậu, Trần Trí Nhất, Trần Trí Tài, Trần Trí Minh, Trần Minh Trang (nữ võ sĩ bách chiến bách thắng, em võ sư Lý Huỳnh Yến).
Giai đoạn 1964 -1974, võ sư Trần Minh không chỉ nổi tiếng vùng Chợ Lớn về dạy võ và châm cứu chữa trật đả, ông còn là giáo sư dạy tiếng Anh, Pháp, Hoa. Trần võ sư giao tiếp rộng, hoạt bát vui tính nên được mọi người quý mến, đặc biệt là giới võ thuật và văn nghệ sĩ. Đầu năm 1974, Trần Minh được mời vào một vai trừ gian diệt bạo trong bộ phim võ thuật hành động Việt Nam “Number One”. Đến đầu thập niên 1990, ông và ba người con đóng một số phim “Người không mang họ”, “Đằng sau một số phận”, “Lửa cháy thành Đại La”...
Sau khi các sư huynh đệ lần lượt tạ thế hoặc định cư ở nước ngoài, “Thập nhị Kim Cang” lừng lẫy võ lâm Sài Gòn – Chợ Lớn ngày nào hiện chỉ còn mỗi lão quyền sư Trần Minh (84 tuổi) là vị “Kim Cang” cuối cùng của võ phái Thái cực Đường Lang. Hiện nay, môn phái Thái cực Đường Lang được giảng dạy tại TP. Hồ Chí Minh do các võ sư Trần Chí Kiệt (con trai lớn của võ sư Trần Minh), võ sư Trịnh Cẩm Hà (con rể của võ sư Trần Minh) và võ sư Tô Thiếu Kiệt (em ruột võ sư Tô Thiếu Hoa, một đệ tử của chưởng môn Triệu Thúc Khê) truyền đạt.
Thanh Hải – Ngọc Phó
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.
Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024TC
23:39 09/12/2024Phương Anh
TC
TC
Kim Thành
Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh
Thu Huyền
Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank