Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

"Mẹ là mùa xuân", Tùy bút của Phan Thị Thanh Hương

Thứ bảy, 02/04/2011 - 07:39

(Thanh tra)- Nhân dịp Xuân Tân Mão vừa qua và Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, nhà báo Phan Thị Thanh Hương, Báo Người cao tuổi, đã gửi cho chúng tôi bài viết chia sẻ về những tình cảm thật chân thành nhưng cũng đầy xúc động của chị về mẹ. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tôi luôn tự hào về mẹ, có thể nói: Từ thủa xa xưa đã gần chín thập kỉ trôi qua, mẹ vẫn đẹp như ngày tôi còn bé xíu. Lớn lên tôi càng  thấy mẹ đẹp hơn. Mẹ là biểu tượng mùa Xuân trong tôi…

Ai cũng có mẹ, có cha, người đã sinh thành ra ta, khi nghe tiếng khóc chào đời của con, nước mắt mẹ ứa ra sung sướng và hạnh phúc vì đã sinh ra một “thiên thần” bé bỏng.

Năm tháng trôi qua, “thiên thần” bé nhỏ của mẹ lớn lên từng ngày, còn mẹ lại như “bé" đi từng ngày, bởi mẹ đã trút hết sức lực cho ta những gì có thể trong mẹ. Tình yêu, lòng thương của người mẹ rộng lớn như bầu trời, sâu thẳm hơn đại dương…

Nhà báo Phan Thị Thanh Hương hiện nay là Phó Thư ký Chi hội nhà báo, Phó Chủ tịch Công đoàn Báo Người cao tuổi - Cơ quan T.Ư của Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII diễn ra hồi cuối tháng 12/2010, chị Phan Thị Thanh Hương là nhà báo duy nhất được vinh dự tham gia.

Trước đó, hồi tháng 9/2010, khi Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng tổ chức hội nghị biểu dương 88 cá nhân điển hình trong công tác phòng, chống tham nhũng, chị Phan Thị Thanh Hương cũng đã được tôn vinh.

Báo Thanh tra Cuối tháng 1/2011 và Thanh tra Online đã có bài “Tôi đã chống tham nhũng như thế” phản ánh về hành trình đấu tranh với những tiêu cực của nhà báo Phan Thị Thanh Hương ngay tại chính cơ quan của chị.

Tôi biết trên đời có hàng triệu những lời nói hay nhất ca ngợi người mẹ, những ca khúc tuyệt vời, những áng văn chương, những bài thơ bất hủ… tặng cho người mẹ.

Riêng tôi, tôi cảm nhận mẹ của tôi là mùa Xuân. Đời mẹ tôi như dòng sông Lam hiền hoà trong vắt, nhưng sao lại khổ đến muôn trùng? Có lẽ, vì mẹ tôi là một người đàn bà đẹp (mẹ tôi từng được phong danh hiệu Hoa hậu Nữ sinh Trường Đồng Khánh - Huế, thời Pháp thuộc), cách đây đã hàng mấy thập kỉ. Rồi lớn lên, mẹ lập gia đình, sinh con đến hơn nửa tiểu đội, lại sống trong cảnh triền miên của 2 cuộc kháng chiến.

Trong mọi nỗi khổ mẹ tôi phải chịu đựng thì không có nỗi khổ đau nào hơn đó là ngày ba tôi “ra đi”, để lại một đàn con nheo nhóc cho mẹ tôi cáng đáng. Trong cảnh bom rơi, đạn nổ thời chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất, con của mẹ phải sơ tán 3, 4 nơi. Ngày đó, tôi mới 9 - 10 tuổi đầu, chưa hiểu hết nỗi đau tột cùng mà mẹ tôi phải chịu đựng. Chẳng thế mà, ba tôi mới mất hơn năm trời, tóc mẹ đã bạc trắng (lúc đó mẹ mới 41 - 42 tuổi), nhưng mẹ vẫn đẹp một cách đằm thắm.

Sau này tôi biết, dù mẹ tôi vô cùng vất vả, mất chồng, con cái một đàn… vậy mà vẫn có nhiều người đàn ông muốn “sẻ chia” gánh vác cùng mẹ tôi chăm chút đàn con bé nhỏ. Những lần có người ngỏ lời với mẹ, lại làm cho mẹ buồn ghê gớm, mẹ càng ráng sức nuôi dạy anh chị em chúng tôi “giấy rách phải giữ lấy lề”, các con phải cố gắng học tập, ngoan ngoãn để cho mẹ vui, để làm việc nuôi các con.

Ngày đó, 1 - 2 tháng, mẹ tôi với chị gái đầu (chị tôi ngày đó mới 15 tuổi - sơ tán trên Hà Bắc theo Trường Mĩ thuật), mới lên thăm chúng tôi. Mỗi lần như thế, tôi cùng mấy đứa em cứ dỗi hờn mẹ và trách: Vì sao mẹ không thường xuyên đến thăm con? Không mua bánh mì cho chị em con ở sơ tán, trong khi các bạn tuần nào cũng được bố, mẹ lên thăm, mua cho bánh kẹo?... Những lời nói ngây thơ của chúng tôi làm cho mẹ im lặng, buồn bã… Mẹ chỉ biết vỗ về: Sau này lớn lên các con sẽ hiểu và thông cảm cho mẹ.

Lớn lên, tôi chứng kiến biết bao nỗi đau khổ âm thầm mẹ chịu đựng, nhưng không hé lời than với bất kì ai. Gương mặt mẹ phúc hậu, làn da mẹ mềm mại, đôi mắt mẹ hiền từ, giọng nói mẹ ấm áp đã theo tôi suốt năm tháng… Mẹ đã để lại trong tôi một sự thiêng liêng và cả nỗi khổ tâm, mỗi khi tôi nghĩ đến mẹ, nhất là lúc chỉ có mình tôi trong căn nhà vắng bóng mẹ. Đúng là khi ta thấy cô đơn nhất, đau khổ nhất, chỉ có mẹ là chỗ dựa cho trái tim yếu đuối, là nguồn an ủi vỗ về mình. Thật ra, mẹ tôi là người yêu thương chăm chút cho từng đứa con mà chẳng nghĩ đến mình, mẹ hi sinh hết thảy vì các con.

Tưởng rằng, khi cuộc sống của các con yên bề gia thất, có công ăn việc làm Nhà nước ổn định, mẹ tôi sẽ thanh nhàn hơn so với trước kia, song như định mệnh, mẹ sống cùng tôi. Tôi thường nói vui với người quen, bạn bè, mỗi khi ai đó hỏi thăm mẹ và tôi: “Một cụ già, sống với một bà già” trong căn  nhà cấp 4 ở ngoại thành Hà Nội. Hai mẹ con sống dựa vào nhau nói chung là ổn. Thật sự, mẹ tôi luôn lo cho tôi trong từng bữa ăn, khi ốm đau mẹ chăm từng thìa cháo, ngụm nước. Bàn tay mẹ giờ đã yếu, chân đi không vững như xưa, nhưng vẫn chăm lo cho tôi.

Mẹ vẫn chuyện trò, kể cho tôi bao chuyện về ba tôi. Đó là một người cha đáng kính, ông thông minh, chịu khó, chăm lo cho vợ con. Khi còn sống, vừa là cán bộ nghiên cứu vừa giảng dạy (ba mẹ tôi đều làm nghề y). Ba sống với tôi rất ít. Vì đông con nên ba tôi thường xuyên phải đi dạy thêm kiếm tiền nuôi con. Hầu hết mọi việc ba tôi đều dành làm hết vì thương vợ, thương con, không nỡ để cho mẹ tôi vất vả. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất (thời gian 1965 - 1967), nếu như hôm ấy ba tôi không đi dạy thay một giáo viên, có lẽ không bị bom của Mỹ làm chết. Khi moi được một số người dưới căn hầm lên, người thì chết, người bị thương nặng, trong đó ba tôi bị thương nặng nhất, liền được đưa đi cấp cứu. Do nhiều vết thương quá nặng, mà người trực tiếp chữa trị cho ba tôi, lại chính là mẹ tôi. Vào một đêm, chị gái tôi ở nơi sơ tán về, thương mẹ đến nao lòng, động viên mẹ về nghỉ cho đỡ mệt, mẹ tôi chần chừ, chị tôi thuyết phục mãi mẹ mới chịu về. Ở nhà, mẹ vẫn thức đi lại không yên, đúng đêm hôm đó, ba tôi vĩnh viễn ra đi, để chị tôi gào khóc: "Ba ơi, đừng chết! Ba mở mắt ra nói gì đi! Ba đừng nhắm mắt làm cho con sợ"! Mặc cho tiếng gọi thảm thiết của chị, ba tôi vẫn nằm yên. Một cô y tá bước vào lay chị tôi và nói: "Về nhà gọi mẹ sang bệnh viện ngay"...

Chị tôi vừa khóc vừa chạy về gọi mẹ. Bàng hoàng, mẹ quay lại phía chị tôi và nói: "Con hãy ở nhà, để mẹ sang bệnh viện". Đến bên giường bệnh, mẹ nắm lấy bàn tay ba không hề khóc, rồi lặng lẽ lấy khăn thấm nước lau mặt cho ba tôi, như thể ba tôi đang ngủ. Cho đến sáng, mọi người trong ca trực đến dìu mẹ tôi ra ngoài, bà như hoá đá. Ai đó đã phải kêu lên: "Chị hãy khóc đi, khóc đi cho vợi nỗi buồn đau". Bà lặng đi trên cánh tay hai nữ y tá, khuôn mặt nhợt nhạt, đôi mắt vô hồn, bước chân nặng nề rời khỏi nơi ba tôi nằm, thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn lại phía ba tôi, hi vọng đây chỉ là một giấc chiêm bao…

Thời chiến, không đèn, đưa tiễn ba tôi chỉ hơn chục người trong một đêm mưa gió. Mấy đứa em tôi còn quá nhỏ phải để ở nhà, chỉ biết khóc gọi mẹ, còn tôi túm lấy áo chị đi bên mẹ. Nước mắt mẹ nhoà trong mưa, run rẩy bàn tay mẹ nắm chặt tay tôi và nói: "Con gọi ba đi…".

Vậy mà, 44 mùa Xuân đã qua đi, anh chị em tôi lớn lên mà không có cha. Cũng ngần ấy năm, mẹ ở vậy nuôi các con khôn lớn, lo dựng vợ, gả chồng cho các anh chị em tôi. Tôi thương mẹ một đời tần tảo, gác tình riêng chăm sóc mẹ lúc trái gió trở trời. Giờ mắt mẹ đã kém, tóc rụng nhiều…

Một ngày cuối năm, bên mâm cơm, bỗng mẹ buột miệng nói: "Hôm trước, mẹ đang ăn cơm thì rụng thêm một chiếc răng cửa nữa con ạ". Nói rồi, mẹ cười: “Rụng răng chẳng thấy đau gì cả”! Tôi lặng đi, trong lòng dâng lên một nỗi xót xa. Chiến tranh và cuộc sống khó khăn đã lấy đi tuổi thanh xuân và sức lực của mẹ…  Đêm đó, nằm bên mẹ, vờ ngủ, tôi ôm mẹ, cảm nhận lưng mẹ gầy đi, tiếng thở nặng nhọc hơn, mắt tôi cay xè… Một trái tim sống hết mình cho chồng, suốt đời lặng lẽ nuôi dạy con, cháu nên người. Thế mà đến giờ mẹ vẫn lo nghĩ cho các con, cháu; đau đáu không yên lòng khi mẹ còn một đứa con gái vẫn đơn côi, ai sẽ là người bên cạnh nhỡ một ngày mẹ không có bên tôi.  Tôi đọc được điều đó trong đôi mắt của mẹ.

Lại một mùa Xuân đã đến. Cây cối đâm chồi nẩy lộc, những chiếc lá xanh non, qua một đêm, sáng ra còn đọng lại trên mặt lá những hạt sương long lanh, trong suốt, nhỏ li ti như tô điểm cho cây, cành lá thêm đẹp. Nhưng, cây cũng như con người, đến mùa sinh nở, cũng phải cựa mình tách vỏ, cho chồi xanh có sức sống, còn vỏ cây mỗi năm lại xù xì, thô nhám, nứt nẻ bởi phải tiếp nhựa sống cho lá, cho hoa… Mẹ có rụng một, hai hay vài cái răng nữa, đó là quy luật của tạo hoá. Dù biết vậy, vẫn làm cho lòng con đau thắt, bởi răng mẹ rụng mà không thấy đau.

Mùa Xuân lại đến, con thầm ước mong mẹ luôn khoẻ mạnh, trường tồn với thời gian, bởi mẹ là mùa Xuân tươi đẹp, mẹ là niềm khao khát, hi vọng, mẹ là chỗ dựa tinh thần cho các con, cháu của mẹ sống làm việc có ích cho gia đình và xã hội. Để mỗi khi Tết đến, Xuân về, hình ảnh Mẹ vẫn đẹp lung linh hơn tất cả mọi thứ trên đời.

PV

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Thái Hải

20:29 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm