Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Lãng phiêu trong đêm hội Tết Đầu lúa của người Raglai và K’ho

Đông Nhuận

Thứ bảy, 29/01/2022 - 13:35

(Thanh tra)- Tết Đầu lúa là tục lệ có từ rất lâu đời và gắn liền với tập tục trồng lúa trên nương rẫy của đồng bào Raglai và K’ho ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Đây là dịp để đồng bào thể hiện sự tôn vinh, niềm tin đối với cây lúa mẹ trên rẫy, cầu cho cây lúa không bị quấy nhiễu, không bị sâu rầy để đơm bông trổ hạt, đem lại ấm no cho dân làng.

Tết Đầu lúa mang đậm sắc thái văn hóa riêng biệt của người Raglai và K’ho ở huyện Bắc Bình. Ảnh: ĐN

Nghi lễ tôn vinh cây lúa mẹ

Người Raglai và K’ho sinh sống tại 4 xã miền núi, vùng cao huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, gồm: Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Điền, Phan Tiến, đến mùa gieo hạt đều chọn một khu đất cao ráo trên núi để trồng cây lúa mẹ. Đất phải hội đủ điều kiện là đất tốt, màu mỡ, đảm bảo độ ẩm để cây lúa mẹ phát triển trong môi trường thời tiết nắng hạn và phải đảm bảo các yếu tố tâm linh.

Cây lúa mẹ chỉ được trồng trên rẫy chứ không được trồng dưới ruộng nước. Thời gian sinh trưởng, thu hoạch lúa mẹ là 6 tháng. Giống lúa mẹ là loại lúa rẫy hạt to, dẻo và rất thơm có từ lâu đời ở địa phương, được người xưa tuyển chọn và lưu giữ từ đời này qua đời khác.

Sau 6 tháng, cây lúa mẹ ở trên rẫy với nhiều lễ nghi và công sức chăm bón của con người, hạt lúa đã chín vàng và được thu hoạch. Khi thu hoạch, đồng bào tuốt lúa mẹ từng chùm bằng tay chứ không được dùng liềm cắt hoặc hái như lúa con.

Thu hoạch xong lúa mẹ, người Raglai và K’ho thực hiện nghi thức cúng tế để nhập lúa mẹ vào kho, sau đó các gia đình chuẩn bị đón Tết Đầu lúa (còn gọi là Tết Nhôvre H’rê). Đây là chuỗi lễ nghi chính trong năm như Tết Nguyên đán của người Kinh.

Theo các bậc cao niên, gần nửa thế kỷ trước, Tết Đầu lúa của người Raglai và K’ho diễn ra suốt trong tháng Chạp Âm lịch, có khi còn kéo dài đến nửa đầu tháng Giêng. Theo phong tục xưa, hễ nhà nào thu hoạch lúa mẹ và mùa vụ xong là có thể ăn Tết Đầu lúa trước, nhà nào thu hoạch mùa vụ chậm thì ăn sau. Các nghi thức lễ truyền thống trong Tết Đầu lúa ở mỗi gia đình chỉ diễn ra trong vòng 2 ngày.

Khoảng 30 năm trước, nhận thấy đời sống vật chất của người dân còn nhiều khó khăn, nếu để thời gian vui Tết Đầu lúa của đồng bào diễn ra theo tập tục cũ sẽ gây ra sự lãng phí tốn kém, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, chính quyền địa phương đã vận động các già làng, các bậc cao niên và đồng bào bỏ bớt các thủ tục lạc hậu gây tốn kém.

Từ đó, Tết Đầu lúa của người Raglai và K’ho ở huyện Bắc Bình lấy ngày rằm tháng Chạp làm ngày lễ chính. Việc làm này của chính quyền địa phương đã đưa lại nhiều lợi ích về kinh tế, tiết kiệm được thời gian, lại đảm bảo về lễ nghi, phong tục của ông bà nên đã được đồng bào đồng thuận, hưởng ứng thực hiện cho đến ngày nay.

Nét đẹp văn hóa truyền đời qua Tết Đầu lúa

Bắt đầu từ Rằm tháng Chạp, các buôn làng thuần dân tộc Raglai và K’ho ở 4 xã nói trên đồng loạt tổ chức cúng lễ Tết Đầu lúa. Khi cúng lễ, một cây nêu cao hơn 5m được dựng lên giữa làng. Các hình tượng chim, thú, con người, công cụ lao động... được đẽo vót, chạm trổ bằng tre tươi hoặc cây gỗ, treo quanh cây nêu, đong đưa trước gió.

Chiều ngày Tết Đầu lúa, già lầu (già làng người Raglai ở xã Phan Điền) mặc trang phục truyền thống với 3 màu chủ đạo: Đỏ, đen và vàng, trên đầu vấn khăn có tua. Già bày mâm lễ vật, gồm: Ché rượu cần, con gà luộc, chuối chín, cơm trắng, trứng gà, trầu cau, nước lã và rượu trắng ra tấm chiếu đặt sau cây nêu.

Rắc một ít trầm hương vào chén than cháy, khói tỏa lên từng làn nghi ngút, già lầu chắp tay khấn, đọc những câu bằng tiếng Raglai với ý nghĩa mời các vị thần sông, thần núi, ơn trên, ông bà tổ tiên… về dự lễ, chứng giám.

Lúc này, những người dân trong buôn đủ lứa tuổi, giới tính trong trang phục truyền thống đi vòng quanh nơi già lầu đang cúng. Họ múa hát theo nhịp điệp mã la, trống, sáo và khèn bầu. Câu ca hòa điệu cùng tiếng già làng khấn vái.

Kết lễ, già lầu rót nước và rượu rưới xuống đất, rồi kính cẩn nói lời tạ ơn các vị thần bảo hộ xứ sở năm vừa qua đã phù hộ cho dân làng được bình yên, khỏe mạnh, mùa màng no đủ.

Ngoài lễ cúng chung do già làng thực hiện, từng gia đình trong buôn làng còn tổ chức ăn Tết Đầu lúa tại nhà riêng. Tùy hoàn cảnh gia đình mà mâm cúng lớn hay nhỏ, nhưng phần lớn là cúng gà. Đặc biệt, dù cúng món gì đi nữa thì ché rượu cần là không thể thiếu trong dịp này.

Đêm hội Tết Đầu lúa là hoạt động vui nhộn và đặc sắc nhất trong ngày hội. Hòa trong tiếng trống, tiếng kèn, các chàng trai, cô gái say sưa trong những điệu nhảy quanh lửa trại, tạo nên một đêm hội nhộn nhịp, rộn rã.

Vui trong tiếng chiêng, trống rộn ràng, bên ánh lửa bập bùng giữa núi rừng đại ngàn, các cụ già vui trong Tết Đầu lúa vẫn không quên truyền đạt, dạy cho con cháu trong gia đình, dòng họ những cách thức, cử chỉ trong từng lễ nghi nhỏ, cả việc chỉ dẫn cách cầm cồng chiêng, cách đánh, động tác đi tới, đi lui… Việc làm ấy là mong muốn lớp trẻ ngày nay hãy giữ gìn những lễ nghi của ông bà như một trọng trách, vì đó là một phần bản sắc văn hóa của dân tộc.

Được hòa mình vào những ngày Tết Đầu lúa của đồng bào Raglai và K’ho ở 4 xã vùng cao huyện Bắc Bình, mới hiểu được giá trị của một loại hình văn hóa phi vật thể tồn tại lâu đời. Sắc thái văn hóa riêng biệt, độc đáo của người Raglai và K’ho ở 4 xã vùng cao huyện Bắc Bình, góp phần bảo tồn nét văn hóa và nghệ thuật dân gian, đa sắc màu làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa các dân tộc ở tỉnh Bình Thuận.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm