Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đến với hiện đại từ cội nguồn dân tộc

Thứ tư, 25/01/2012 - 14:59

(Thanh tra)- Mùa xuân 2012, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, danh họa cuối cùng còn lại trong “bát tú” của bầu trời hội họa Việt Nam hiện đại (gồm Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái) bước vào tuổi 90. Sau cuộc triển lãm đầu tiên và cũng là duy nhất vào năm 1984. Đã mấy chục năm nay, Nguyễn Tư Nghiêm dường như không xuất hiện. Ông như một bậc hiền triết lặng lẽ ẩn trong không gian ngôi nhà nhỏ tại ngõ phố Phan Bội Châu, Hà Nội, tránh xa mọi ồn ào bon chen của chốn phồn hoa đô thị để sống cùng thế giới hội họa của riêng mình.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm

Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922 ở Nam Đàn, Nghệ An trong một gia đình có truyền thống Nho học. Cha ông, cụ Nguyễn Tư Tái là một nho sĩ đậu Phó bảng cùng kỳ với cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác Hồ. Năm 1941, ông ra Hà Nội thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học cùng khóa với Bùi Xuân Phái, Huỳnh Văn Gấm… khóa XV (1941 - 1946). Trong khóa học này, Nguyễn Tư Nghiêm được coi là sinh viên vẽ chất liệu sơn dầu giỏi nhất.

Năm 1944, khi còn là sinh viên, tác phẩm “Người gác Văn Miếu” của ông được đánh giá là bức tranh sơn dầu xuất sắc nhất của họa sĩ Việt Nam thời bấy giờ và đã được Hội đồng giám khảo Triển lãm Mỹ thuật Salon Unique tặng giải nhất. Cũng trong năm đó, các bức sơn dầu về làng quê Việt Nam như "Cổng làng Mông Phụ", "Đánh cờ dưới bóng tre" của ông được đánh giá cao.

Năm 1948, khi là giảng viên của Trường Mỹ thuật kháng chiến Việt Bắc, Nguyễn Tư Nghiêm đã được vinh danh khi tham gia Triển lãm Mỹ thuật kháng chiến toàn quốc lần thứ nhất với bức tranh “Du kích làng Phù Lưu”. Năm 1957, ông lại được tặng giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đầu tiên sau kháng chiến chống Pháp với bức tranh sơn mài nổi tiếng “Con nghé quả thực”. Năm 1985, bức tranh sơn mài “Điệu múa cổ 1” của Nguyễn Tư Nghiêm được trao giải chính thức tại Triển lãm Quốc tế nghệ thuật hiện thực ở Sophia (Bungari). Năm 1987, bức tranh sơn mài “Điệu múa cổ 2” của ông lại được tặng giải chính thức tại Triển lãm hội họa quốc tế ở Hà Nội. Năm 1990, bức tranh sơn mài “Thánh Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm được tặng giải nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Năm 1996, ông vinh dự là một trong những họa sĩ đầu tiên được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 1.

Điệu múa cổ 1


Là một trong những họa sĩ tài năng nhất trong thế hệ họa sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam khi tiếp xúc với hội họa thế giới qua cánh cửa Trường Mỹ thuật Đông Dương, nhưng Nguyễn Tư Nghiêm là một trong số ít họa sĩ đã tìm ra con đường đi riêng của mình: Đến với thế giới hội họa hiện đại, hòa nhập với thế giới từ cội nguồn truyền thống dân tộc. Kể từ những sáng tạo đầu tiên trên ghế nhà trường, Nguyễn Tư Nghiêm đã hướng về đề tài nông thôn và nông dân Việt Nam với các bức tranh “Người gác Văn Miếu”, “Cổng làng Mông Phụ”, “Đánh cờ dưới bóng tre” với chất liệu sơn dầu. Trong kháng chiến và những năm sau này về lại Hà Nội, ông bắt đầu chú tâm nghiên cứu các chất liệu hội họa truyền thống dân tộc như sơn mài, sơn khắc, khắc gỗ để kỳ công sáng tạo hàng loạt tranh tạo bản sắc riêng như “Điệu múa cổ”, “Thánh Gióng”, “Kiều” và “Mười hai con giáp”.

Tranh của Nguyễn Tư Nghiêm có sự kết hợp sâu sắc của tình cảm và lý trí, truyền thống và hiện đại, thấm đượm đạo lý phương Đông và Việt Nam. Ông rất thành công trong việc khai thác hoa văn, chạm khắc đình chùa các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn…

Điệu múa cổ 2


Tranh sơn mài của ông màu không tươi rói, rực rỡ, mà có phần hơi đục, hòa sắc thâm trầm, khúc triết, hài hòa và có những mảng miếng đột ngột, bất ngờ. Cùng với Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm đã đưa sơn mài mỹ nghệ dân tộc lên thành sơn mài hội họa hiện đại với những đỉnh cao trong loạt tranh “Điệu múa cổ” và “Thánh Gióng”.


Với đường nét đơn giản, khỏe khoắn, được cách điệu trên cái hồn điêu khắc dân gian, nghệ thuật khắc gỗ đã thăng hoa trong loạt tác phẩm “Kiều” của ông. Còn với loạt tranh “Mười hai con giáp”, Nguyễn Tư Nghiêm cho thấy với các danh họa, bột màu không hề là chất liệu hạng hai. Với chất liệu có vẻ bình dân này, Nguyễn Tư Nghiêm đã thể hiện một cách kỳ tài mười hai con giáp theo quan niệm truyền thống của phương Đông và Việt Nam với lối vẽ cách điệu quen thuộc nhưng rất mới lạ, táo bạo, tạo nên những hình tượng nghệ thuật sâu sắc và hấp dẫn.

12 con giáp


Rất dân tộc và cũng rất hiện đại, chúng ta có thể tự hào nói về sự nghiệp hội họa của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm như thế…


Chúc ông tiếp tục có những sáng tạo lớn trong mùa Xuân thứ 90 của cuộc đời.


Tố Hoa

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Thái Hải

20:29 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm