Theo dõi Báo Thanh tra trên
Ngô Quốc Đông
Thứ bảy, 11/06/2022 - 07:00
(Thanh tra)- Hiện nay, quản lý hoạt động của tổ chức tôn giáo nói chung và đạo Tin lành nói riêng đã căn cứ theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ban hành năm 2016.
Hành lễ trong Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt. Ảnh: TTXVN
Trở lại thời gian trước năm 2005, hoạt động của Tin lành chưa vào quy củ, số người theo đạo tăng, điểm nhóm nhiều nhưng chưa có chỉ dẫn pháp lý để quản lý tốt nhất với việc gia tăng tín đồ điểm nhóm.
Đồng thời với đó, sự nhận thức thiếu thống nhất ở các địa phương trong công tác với đạo Tin lành gây ra những hiểu nhầm, thiếu đồng thuận.
Bài viết này sẽ trở lại bối cảnh ra đời của chỉ thị có tính chất bước ngoặt này của Chính phủ trong công tác đối với đạo Tin lành.
Sau khi có Thông báo số 160/TB-TW ngày 24/11/2004 của Ban Bí thư về công tác đối với đạo Tin lành, tình hình tôn giáo nói chung và đạo Tin lành nói riêng có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, trên thực tế, đạo Tin lành vẫn là thách thức, đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý, yêu cầu cần phải có văn bản quy phạm chi tiết, cụ thể điều chỉnh trực tiếp công tác quản lý đạo Tin lành.
Việc này còn có ý nghĩa quan trọng công tác đối ngoại của Nhà nước Việt Nam về những vấn đề mà dư luận quan tâm như tự do tôn giáo, nhân quyền. Họ thường nhân những vấn đề này để gây sức ép với Chính phủ trong việc hội nhập quốc tế. Bởi vậy, để cụ thể hóa Thông báo số 160-TB/TW và Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo (ban hành 2004), của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 4/2/2005 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chi thị số 01/2005/CT- TTg về một số công tác đối với đạo Tin lành.
Chỉ thị là văn bản có tính đột phá trong công tác quản lý, minh bạch hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đạo Tin lành. Những lần tổng kết chỉ thị sau 5, 10 năm thực hiện, các cấp, các ngành đều đánh giá, ghi nhận thành quả hết sức có ý nghĩa của Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg.
Tính đến năm 2005, trước khi có Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg, cả nước có trên 670 ngàn tín đồ, hơn 80 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành (trong đó có 2 tổ chức được Nhà nước công nhận) và 37 tổ chức phi Chính phủ nước ngoài liên quan đến đạo Tin lành, số lượng tín đồ đạo Tin lành ở khu vực Tây Nguyên tăng 4,6 lần so với trước năm 1975, từ 71.200 tín đồ lên 329.731 tín đồ. Ở khu vực miền núi phía Bắc, từ 1 Chi hội người Dao ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, đạo Tin lành đã lan ra 13 tỉnh, thành với tổng số 106.242 người theo đạo, trong đó có 104.943 tín đồ người dân tộc thiểu số (bằng 98,77%). Sinh hoạt đạo Tin lành từ đơn lẻ, lén lút đã chuyển sang công khai, gây mất ổn định chính trị, trật tự xã hội ở nhiều địa phương.
Khi đó, những chủ trương công tác đối với đạo Tin lành của Đảng tuy có nhưng chưa được cụ thể hoá bằng văn bản pháp quy cụ thể riêng. Nhận thức về đạo Tin lành và công tác đối với đạo Tin lành chưa có sự thống nhất giữa cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp. Định kiến đối với đạo Tin lành còn nặng nề ở một bộ phận cán bộ, có tư tưởng đồng nhất đạo Tin lành với Fulro.
Công tác quản lý Nhà nước đối với đạo Tin lành không phát huy hiệu quả, nặng về xử phạt hành chính, vô tình đẩy một bộ phận đồng bào theo đạo trở thành đối lập với chính quyền, khiến họ cố kết, trốn tránh cán bộ. Tình trạng khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương về việc người theo đạo Tin lành bị chính quyền phạt diễn ra khá nhiều, nhất là người Hmông ở miền núi phía Bắc.
Hoạt động lợi dụng đạo Tin lành diễn biến phức tạp. Trong nước, khu vực Tây Nguyên tồ chức chính trị phản động Fulro phục hồi hoạt động, lấy danh nghĩa “Tin lành Đêga” lôi kéo tín đồ đạo Tin lành tham gia một số vụ bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên (những ănm 2001, 2004).
Ở bên ngoài, Mỹ và một số nước thuộc EU cho rằng Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về vấn đề tôn giáo (CPC) và công khai áp đặt điều kiện, gây sức ép với Việt Nam trong quá trình đàm phán để gia nhập WTO và ký kết một số hiệp định thương mại...
Có thể nói, trước khi Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ra đời, đạo Tin lành ở nước ta phát triển tự phát và không bình thường trên phạm vi cả nước, trở thành vấn đề tôn giáo lớn, phức tạp và nhạy cảm, liên quan đến nhiều lĩnh vực như dân tộc, an ninh quốc phòng, sự ổn định chính trị và hợp tác kinh tế quốc tế...
Trong bối cảnh đó, Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ra đời nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại và mới nảy sinh trong những năm gần đây liên quan đến sinh hoạt tôn giáo của người dân theo đạo Tin lành, làm cho người dân theo Tin lành yên tâm, gắn bó với cộng đồng xã hội. Đây là lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị riêng cho một tôn giáo cụ thể, điều đó cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đến đời sống tôn giáo của quần chúng có đạo, sự cần thiết của công tác quản lý Nhà nước đối với đạo Tin lành.
Nội dung Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg có chín điểm, trong đó có bốn điểm điều chỉnh trực tiếp đến khách thể quản lý tương ứng với bốn nhóm Tin lành chính. Đó là nhóm các tố chức Tin lành đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân; nhóm tổ chức, hệ phái chưa được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân; nhóm Tin lành ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trường sơn; nhóm Tin lành ở khu vực miền núi phía Bắc.
Với mỗi tổ chức, nhóm khác nhau, chỉ thị đề ra những chính sách riêng để phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể.
Đối với các tổ chức đã được công nhận, chỉ thị yêu cầu: “Hướng dẫn, giúp đỡ Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) và Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) thực hiện các hoạt động tôn giáo đúng theo Hiến chương, Điều lệ của Giáo hội và tuân thủ các quy định của pháp luật”.
Đối với các tổ chức chưa được Nhà nước công nhận, chỉ thị cho rằng cần: "Từng bước xem xét công nhận tư cách pháp nhân đối với số hệ phái Tin lành có trước năm 1975 đang hoạt động tôn giáo thuần tuý”.
Đối với khu vực Tây Nguyên, Nam Trường Sơn, chỉ thị cho rằng: “Tiếp tục xem xét công nhận các chi hội thuộc Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) và tạo điều kiện thuận lợi để các chi hội này xây dựng nơi thờ tự, đào tạo và bố trí chức sắc hướng dẫn việc đạo cho các chi hội đã được công nhận theo quy định của pháp luật. Đối với những nơi chưa đủ điều kiện để được công nhận lập chi hội, nếu đồng bào theo đạo ở đó có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo thuần tuý, cam kết chấp hành các quy định của pháp luật... tạo điều kiện cho đồng bào thực hiện các sinh hoạt tôn giáo bình thường tại gia đình hoặc chấp thuận cho đồng bào đăng ký sinh hoạt đạo tại địa điểm thích hợp trong buôn, làng”.
Đối với đạo Tin lành ở khu vực miền núi phía Bắc: “Hướng dần cho đồng bào sinh hoạt tôn giáo tại gia đình, hoặc nơi nào có nhu câu thì hướng dẫn cho đồng bào đăng ký sinh hoạt đạo ở địa điểm thích hợp tại bản, làng. Khi hội đủ các điều kiện thì tạo thuận lợi cho đồng bào sinh hoạt tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật. Đối với bộ phận đồng bào đã theo đạo, nay có nhu cầu trở lại với tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình, cần tạo điều kiện, giúp đỡ để đồng bào thực hiện ý nguyện đó”.
Để thực hiện tốt Chỉ thị 01/2005-TTg, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành chức năng, nòng cốt là Ban Tôn giáo Chính phủ làm đầu mối triển khai đồng bộ, toàn diện về công tác đối với đạo Tin lành như xây dựng các kế hoạch, chương trình, để tuyên truyền phổ biến thực hiện.
Tất nhiên, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 01, do nhận thức chưa thống nhất, ở khu vực Tây Nguyên, tiến hành nhanh và thuận lợi hơn khu vực miền núi phía Tây Bắc.
Sự kiện xảy ra cách đây 17 năm, nhưng việc ban hành Chỉ thị 01/2005-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra bước ngoặt lịch sử trong công tác với đạo Tin lành ở nước ta. Trong đó vấn đề quan trọng nhất là bình thường hóa vấn đề Tin lành, nhất là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo.
Có thể nói, Chỉ thị 01/2005-TTg, một lần nữa khẳng định sự nhất quán trong chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về việc bảo đảm và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Sự nhất quán của chính sách này được thực hiện suốt từ ngày giành độc lập từ năm 1945 cho đến nay. Chỉ thị đã hóa giải nhiều khúc mắc nghi ngại của bạn bè quốc tế về vấn đề tự do tôn giáo, nhân quyền ở Việt Nam, nâng tầm ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trong các ngày từ 28/10 đến 3/11/2024, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An tổ chức Đoàn đại biểu người có uy tín tỉnh gồm 63 người, do đồng chí Vy Mỹ Sơn, Phó Trưởng ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã đến tham quan, học tập mô hình phát triển - kinh tế xã hội tại các tỉnh: Hoà Bình, Ninh Bình và TP Hà Nội...
Châu Yên
16:21 04/11/2024(Thanh tra) - Theo Kế hoạch 818/KH-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh năm 2024 - 2025 vừa được ban hành, hội thi sẽ được diễn ra ở 2 cấp huyện và tỉnh, thời gian tổ chức từ tháng 9 đến tháng 12/2024, hoàn thành trước 31/12/2024, cấp tỉnh dự kiến từ tháng 1 đến tháng 4/2025.
Thông Sắc
16:02 28/10/2024Trần Đức
15:52 25/10/2024Thảo Nguyên - Châu Yên
17:16 22/10/2024Quảng Nghĩa
20:11 12/05/2024T.Vân
11:50 04/04/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân