Tại buổi làm việc, ông William Loo, chuyên gia đánh giá pháp luật cao cấp của OECD đã giới thiệu về chương trình kiểm tra liêm chính của OECD như: Mục đích, phương pháp, các lĩnh vực quan trọng mà chương trình kiểm tra liêm chính hướng tới...Mục tiêu của chương trình kiểm tra liêm chính mà OECD là xây dựng chính sách cho các quốc gia thành viên và các quốc gia quan tâm đến kiểm tra liêm chính. Ông William Loo cho biết, hiện OECD đã ban hành nhiều bộ công cụ khác nhau để phục vụ cho công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong các lĩnh vực hoạt động của mình. Trên cơ sở công cụ đã được xây dựng, OECD đã tập hợp lại thành bộ công cụ kiểm tra liêm chính để giúp Chính phủ các nước làm tốt hơn phần việc liên quan đến PCTN.Phương pháp kiểm tra liêm chính mà OECD thực hiện được áp dụng cho tất cả các nước. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có thể điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của nước mình. Theo ông William Loo, để thực hiện được chương trình kiểm tra liêm chính, ban đầu các quốc gia tham gia phải xây dựng 1 nhóm công tác. Nhóm này có 2 nhiệm vụ chính là đầu mối của quốc gia với OECD và điều phối tất cả các hoạt động về sau. Tiếp đó, các quốc gia phải tổ chức các buổi hội thảo chuẩn bị cho quá trình đánh giá. Để đánh giá được chuẩn xác, nhóm phải thu thập thông tin, tổng hợp lại để gửi về OECD. Dựa trên kết quả đó, OECD sẽ gửi chuyên gia đến đàm phán. Sau khi thống nhất, OECD sẽ đưa ra dự thảo báo cáo đầu tiên để xác định lĩnh vực cần cải thiện. Dự thảo này sẽ được các chuyên gia của OECD và quốc gia tham gia trao đổi một lần nữa, khi đã thống nhất sẽ hoàn chỉnh và xuất bản. Tại buổi làm việc, những lĩnh vực mà chương trình kiểm tra liêm chính đề cấp tới cũng được ông William Loo trình bày ngắn ngọn. Theo đó, chương trình kiểm tra liêm chính được chia làm 15 - 16 module khác nhau, mỗi module đề cập đến 1 lĩnh vực như: Chính sách thể chế; quản lý tài chính công; mua sắm công và vận động chính sách; thuế và quản lý thuế; chính sách về cạnh tranh; bảo vệ người tố cáo; chống hối lộ; hình sự hóa hành vi hối lộ… Tuy nhiên, mỗi quốc gia có quyền chọn một lĩnh vực nào đó để triển khai, không nhất thiết phải tất cả. Ông William Loo cũng cho biết, thời gian kiểm tra liêm chính thường kéo dài từ 6 - 9 tháng. Tuy nhiên, nó không cố định mà có thể rút ngắn hoặc kéo dài hơn, tùy thuộc vào các lĩnh vực mà quốc gia lựa chọn kiểm tra nhiều hay ít, vào quy trình nội bộ của quốc gia…Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hải HàHiện nay, ngoài các quốc gia là thành viên của tổ chức OECD, chương trình kiểm tra liêm chính cũng đã được triển khai ở Tunisia và Kazakhstan. Ở Đông Nam Á, đến thời điểm này chưa có quốc gia nào tham gia, nếu Việt Nam tham gia sẽ là quốc gia đi tiên phong. Một số nhà tài trợ như Anh, Bỉ đã sẵn sàng tài trợ kinh phí để Việt Nam tham gia không chỉ ở chương trình này mà cả trong những giai đoạn tiếp theo.“Chương trình kiểm tra liêm chính nằm trong sự chủ động của Chính phủ Việt Nam. Nếu được triển khai sẽ góp phần củng cố vào công cuộc PCTN mà Việt Nam đã làm từ trước đến nay, đồng thời thúc đẩy tiến trình này được thực hiện nhanh và hiệu quả hơn, nhất là trong điều kiện Việt Nam tham gia đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về CTN”, ông William Loo nhấn mạnh.Sau khi nghe ông William Loo giới thiệu về chương trình kiểm tra liêm chính của OECD, đại diện các bộ, ngành tham gia buổi làm việc cũng đã có những ý kiến bày tỏ băn khoăn Việt Nam có nên tham gia vào chương trình kiểm tra này không?Trước những băn khoăn của các đại biểu, kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho biết: Về lý thuyết, theo suy nghĩ tích cực nếu có thêm nghiên cứu như thế này để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật PCTN nói riêng thì đây cũng là việc làm tốt. Lý giải thêm, Phó Tổng Thanh tra nói: "Hiện nay, Việt Nam đang cần hoàn thiện tất cả hệ thống văn bản pháp luật theo tinh thần Hiến pháp mới, cả pháp luật tổ chức bộ máy Nhà nước, lẫn pháp luật chuyên ngành chứ không riêng pháp luật PCTN. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn là nước cần được hỗ trợ, nhất là trong điều kiện Việt Nam đã thoát khỏi danh sách nhóm quốc gia nghèo và lạc hậu, nhiều chương trình viện trợ bị cắt giảm, nếu Việt Nam tham gia chương trình này sẽ thêm được 1 nguồn viện trợ rất lớn. Tuy nhiên, cân nhắc giữa được và không được khi tham gia chương trình thì còn nhiều vấn đề phải bàn. Vì vậy, TTCP sẽ có văn bản gửi các bộ, ngành và tham khảo ý kiến của các bên liên quan để đưa ra quyết định cuối cùng vào thời gian sớm nhất.OECD thành lập năm 1961, hiện có 30 thành viên, chủ yếu là các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Úc, Hàn Quốc...Mục đích của OECD là tăng cường hợp tác kinh tế, phối hợp chính sách giữa các nước thành viên về các vấn đề kinh tế thế giới và phát triển. OECD hiện là một trong những tổ chức quốc tế có uy tín trong nghiên cứu, xây dựng và lưu giữ cơ sở dữ liệu thông tin rất lớn trên hầu hết các lĩnh vực chính sách trừ quốc phòng như: Kinh tế, văn hóa, giáo dục… Các dữ liệu, thông tin, báo cáo của OECD có giá trị và độ tin cậy cao.Trước sự phát triển năng động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, OECD hiện đang chuyển trọng tâm hợp tác từ châu Âu sang khu vực Đông Nam Á. Tháng 5/2007, OECD đã thông qua Nghị quyết đẩy mạnh quan hệ với khu vực Đông Nam Á, coi khu vực này là ưu tiên chiến lược.Trong những năm qua, hợp tác Việt Nam - OECD đã có những bước tiến đáng kể. Việc trao đổi đoàn cấp cao giữa hai bên diễn ra thường xuyên, đạt kết quả tốt đẹp và hiệu quả tích cực trong đẩy mạnh hợp tác giữa hai bên, đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - OECD đi vào thực chất. Tháng 3/2008, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Trung tâm Phát triển OECD. Việt Nam cũng là thành viên của Nhóm Công tác về hiệu quả viện trợ.Hải Hà