Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trách nhiệm giải trình còn hình thức, tham nhũng còn nhức nhối

Thứ sáu, 15/04/2016 - 06:37

(Thanh tra) - Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công sụt giảm, đẩy người dân vào tình trạng đi xin việc, làm thủ tục cấp “sổ đỏ” rồi khám chữa bệnh đều phải chi “lót tay”. Trong khi đó, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình đang bị “mờ”, thậm chí hình thức…

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nhận định: “Chừng nào minh bạch, trách nhiệm giải trình còn mang tính hình thức, giải trình vẫn không đúng bản chất của sự việc thì vấn nạn tham nhũng vẫn còn nhức nhối”. Ảnh: Thảo Nguyên

“Lót tay” và thân quen

Theo TS Đặng Hoàng Giang, Phó Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đang ở mức độ trầm trọng "kinh niên". Tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, chung chi, đòi bồi dưỡng có xu hướng gia tăng buộc người dân phải hối lộ, “lót tay” để được nhận dịch vụ tốt hơn trong khu vực công và cung ứng dịch vụ công.

Kết quả chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vừa công bố hôm 12/3 đã đưa ra những con số đáng lo ngại. Gần 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên, phỏng vấn trực tiếp đều bày tỏ quan ngại đối với tình trạng tham nhũng. Chỉ có 37% cho rằng, chính quyền cấp tỉnh đã thực sự nghiêm túc xử lý vụ việc tham nhũng xảy ra ở địa phương.

Đáng nói là, chủ nghĩa vị thân và quan hệ cá nhân trong tuyển dụng nhân lực đã trở thành “vấn nạn”. 51,29% người được hỏi cho biết đã phải đưa “lót tay” để xin được việc trong cơ quan Nhà nước. Ở Hà Giang, hầu như không có người nào trả lời là không cần quan hệ cá nhân để xin vào làm việc ở 5 vị trí công vụ cấp xã/phường trong năm 2015. Còn ở Hà Nội, chỉ có 14% người được hỏi không phải “lót tay” vẫn xin được việc vào cơ quan Nhà nước.

Báo cáo PAPI cũng ghi nhận sự gia tăng đột biến khi có đến 44% số người dân đã làm thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chi hối lộ mới làm xong được thủ tục, tăng gần gấp đôi so với tỉ lệ ước tính năm 2014. Số người sử dụng dịch vụ y tế bệnh viện tuyến huyện, quận phải đưa “lót tay” cho cán bộ để được chăm sóc tốt hơn duy trì ở tỉ lệ 12%.
Trong khi đó, “trách nhiệm giải trình với người dân” và “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” giảm điểm, phản ánh mức độ tiếp xúc giữa người dân và chính quyền vẫn rất hạn chế. Trung bình khi người dân bị vòi vĩnh 24,6 triệu thì mới sẵn sàng tố cáo tham nhũng, hối lộ.

Lắng nghe dân để có quyết sách đúng

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nhấn mạnh, đánh giá của người dân về hiệu quả của bộ máy công quyền trong tiến trình thực thi pháp luật, quản trị công, cải cách hành chính, cung ứng dịch vụ công rất quan trọng, giúp cơ quan Nhà nước nhận lại mình, đánh giá lại chính sách để điều chỉnh, bổ sung. “Trong mọi trường hợp, công khai minh bạch là vấn đề rất lớn, là mục tiêu của cải cách nền hành chính Nhà nước. Minh bạch liên quan mật thiết đến vấn đề tham nhũng, đấu tranh chống tham nhũng, hai điều này như là hệ quả của nhau. Thông qua công khai minh bạch, giúp cơ quan Nhà nước kiểm soát được tham nhũng. Tuy nhiên, điểm trũng này chưa được giải quyết rốt ráo. Chừng nào minh bạch, trách nhiệm giải trình còn mang tính hình thức, giải trình vẫn không đúng bản chất của sự việc thì vấn nạn tham nhũng vẫn còn nhức nhối”, ông Phúc nhận định.

Dẫn chứng TP Đà Nẵng đã nỗ lực trong việc tìm các biện pháp xử lý những vấn đề người dân chưa hài lòng, TS Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận định: Mối tương quan thuận chiều theo hướng tích cực giữa điểm số PAPI và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy, TP này có thể đảm bảo lợi ích lớn hơn cho cả người dân và doanh nghiệp. Từ đó tạo ra những cơ hội thuận lợi hơn cho phát triển bền vững, hài hòa xã hội và hội nhập kinh tế.

Điều này cũng rất đúng với những tỉnh, TP có khả năng đáp ứng nhu cầu của cả người dân và doanh nghiệp. Thực tế, nơi nào “bệnh” hành chính hóa còn nặng thì nền hành chính khó chuyển động theo hướng “thân thiện” với người dân.

Theo TS Pratibha Mehta, chính quyền địa phương nên tìm hiểu xem đâu là những điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần cải thiện để xây dựng kế hoạch hành động cùng lộ trình cụ thể. Có như vậy mới có thể đẩy mạnh hiệu quả công vụ và cải thiện sự hài lòng của người dân.

Ông Phúc lưu ý, phải có ý chí mạnh mẽ tạo ra sự thay đổi. Người dân đang chờ đợi vào những quyết sách, những hành động quyết đoán của cán bộ chủ chốt. “Hy vọng, dàn lãnh đạo mới sẽ có đủ tâm, đủ tầm, tập hợp được sức mạnh, ý chí, tiềm năng của dân tộc với sức mạnh của thời đại mới tạo ra nguồn lực sung lực cho sự phát triển”.

Quan ngại đối với tham nhũng trong khu vực công

Kết quả PAPI năm 2015 cho thấy có sự suy giảm ở 5 trong 6 chỉ số nội dung PAPI đo lường. 5 chỉ số nội dung đó là: Công khai, minh bạch; kiểm soát tham nhũng; tham gia của người dân ở cấp cơ sở; trách nhiệm giải trình và thủ tục hành chính công. Chỉ số nội dung duy nhất có dấu hiệu tích cực là “cung ứng dịch vụ công”, với số điểm tăng không đáng kể.

Trong số 6 chỉ số nội dung, chỉ số nội dung “công khai, minh bạch” giảm mạnh nhất - đến 7% điểm so với kết quả năm 2014. Kết quả khảo sát ở nội dung này cho thấy, tỉ lệ người dân được biết đến danh sách hộ nghèo giảm đáng kể và trong số ít những người biết đến danh sách hộ nghèo, chỉ có một số nhỏ tin tưởng vào độ xác thực của danh sách này. Chẳng hạn, có tới 46% số người được hỏi trên toàn quốc cho rằng có những hộ trên thực tế rất nghèo nhưng không được đưa vào danh sách hộ nghèo. Năm 2015, mức độ công khai, minh bạch về kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất ở địa phương tiếp tục giảm sút; người dân ít có cơ hội đóng góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương hơn trước.

Chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” cũng chứng kiến sự sụt giảm đến 3% điểm so với kết quả khảo sát năm 2014. Người dân bày tỏ quan ngại đối với tham nhũng trong khu vực công và trong cung ứng dịch vụ công. Những người được hỏi trên phạm vi toàn quốc cũng cho rằng tình trạng vị thân và tham nhũng trong chính quyền địa phương hiện còn rất phổ biến. Bên cạnh đó, người dân không tin tưởng nhiều vào quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm