Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quốc hội yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức

Hương Giang

Thứ ba, 15/11/2022 - 15:24

(Thanh tra) - Quốc hội yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết. Ảnh: P.Thắng

Chiều ngày 15/11, trong phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội XV.

Cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng: Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ, cùng các thành viên khác của Chính phủ, Quốc hội yêu cầu, tập trung thực hiện những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Có chính sách đãi ngộ hợp lý với cán bộ làm công tác thanh tra, chống tham nhũng

Với lĩnh vực thanh tra, Quốc hội yêu cầu khẩn trương triển khai thực hiện Luật Thanh tra (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp này. Kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp các cơ quan thanh tra, đội ngũ thanh tra viên và người làm công tác thanh tra.

Đồng thời, có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực để đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hằng năm, Quốc hội yêu cầu, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, các bộ, ngành, địa phương có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm.

Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản.

“Bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền; chuyển danh sách tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng để xem xét xử lý theo quy định của Đảng”, nghị quyết nêu.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn. Ảnh: P.Thắng

Quốc hội yêu cầu, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra. Phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán nhà nước để xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm toán quá 1 lần/năm về cùng 1 nội dung với 1 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số.

Quốc hội cũng yêu cầu, tích cực tháo gỡ vướng mắc, chủ động phối hợp trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế…

Kiểm soát chặt doanh nghiệp bất động sản huy động vốn qua trái phiếu, chứng khoán

Liên quan lĩnh vực xây dựng, Quốc hội yêu cầu tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quy hoạch đô thị, nông thôn, trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, luật Quản lý phát triển đô thị.

Quốc hội cũng yêu cầu sớm có giải pháp khắc phục những bất cập, bảo đảm tính đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các TP lớn, đặc biệt là tình trạng ngập úng, chậm bàn giao hạ tầng các dự án nhà ở, khu đô thị, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu trường học, bệnh viện…

Với thị trường bất động sản, Quốc hội yêu cầu khẩn trương hoàn thiện pháp luật điều chỉnh lĩnh vực bất động sản, nhà ở; đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, cân bằng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn. Ảnh: P.Thắng

Cạnh đó, có chính sách hiệu quả thu hút, tạo nguồn vốn trung, dài hạn cho thị trường bất động sản. Kiểm soát chặt chẽ việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.

Quốc hội yêu cầu quản lý chặt chẽ, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực thiếu hệ thống hạ tầng hoặc chưa được phép đầu tư; không để xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản, ngăn chặn đầu cơ, đẩy giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường, trục lợi bất hợp pháp.

“Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhất là vi phạm trong hoạt động giao dịch, huy động vốn kinh doanh bất động sản”, nghị quyết nêu rõ.

Về nhà ở xã hội, Chính phủ được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua.

Sớm ban hành và thực hiện hiệu quả Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030...

Trình lộ trình thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023

Liên quan nhóm chất vấn thuộc lĩnh vực nội vụ, Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Khẩn trương tham mưu thể chế hóa, thực hiện Kết luận số 14 ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh: P.Thắng

Trong năm 2023, Chính phủ trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.

Quốc hội yêu cầu thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu của Bộ Chính trị, song khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng, bảo đảm bố trí biên chế phù hợp với từng loại hình, mô hình tổ chức bộ máy và từng địa bàn.

Cạnh đó, có giải pháp khắc phục tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc.

Quốc hội cũng yêu cầu năm 2023, hoàn thành Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu, xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Với vấn đề biên chế giáo viên, Quốc hội yêu cầu trong giai đoạn 2022 - 2026, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học.

Nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Xử nghiêm vi phạm, tăng “sức đề kháng” của người dân trước tin xấu, độc

Với lĩnh vực thông tin và truyền thông, Quốc hội yêu cầu tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi số. Có giải pháp phát triển về số lượng và bảo đảm chất lượng nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: P.Thắng

Năm 2025, hoàn thành 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai để phục vụ phát triển Chính phủ số, chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Nâng cao hiệu quả, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm dễ sử dụng, thân thiện với người dùng; thực hiện phổ cập kỹ năng số miễn phí giúp người dân khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Với nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội, Quốc hội yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả; tích cực phối hợp thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động hậu kiểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Trong năm 2023, tập trung giải quyết cơ bản và chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp.

Quốc hội cũng yêu cầu, bảo đảm kết hợp giữa phòng, chống thông tin xấu độc với nâng cao khả năng sàng lọc, tăng “sức đề kháng” của người dân trước thông tin xấu độc. Tăng cường kiểm tra việc bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về thu thập, xử lý thông tin cá nhân.

Ngoài ra, xử lý triệt để SIM không chính chủ; tiếp tục chủ động có các giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tối đa tình trạng tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác”…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

(Thanh tra)- Bộ Nội vụ cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rộng khắp các vấn đề dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và làm cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai, thực hiện.

Phương Anh

06:00 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm