Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quản trị quốc gia tốt góp phần giảm tham nhũng

Thái Hải

Thứ ba, 30/08/2022 - 16:46

(Thanh tra) - Ngày 30/8, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo với chủ đề “Quản trị quốc gia tốt trong mối liên hệ với phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, lợi ích nhóm ở Việt Nam hiện nay”.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Kiểm soát quyền lực Nhà nước góp phần loại bỏ những việc làm sai trái của các chủ thể công quyền

Theo PGS.TS Vũ Công Giao, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, nhờ những nỗ lực to lớn của Đảng và Nhà nước, công cuộc PCTN đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng ngày càng được củng cố.

Dù vậy, cần thấy rằng thắng lợi đạt được trong thời gian qua chủ yếu là trong PCTN lớn, thể hiện qua việc phát hiện và đưa ra xét xử nhiều vụ tham nhũng của các quan chức cấp cao. Kết quả đạt được trong PCTN vặt còn hạn chế. Tình trạng tham nhũng vặt vẫn rất phổ biến, diễn biến phức tạp, tiếp tục gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế kể trên, tuy nhiên việc chưa chú ý đúng mức và chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị cơ sở trong PCTN, đặc biệt là PCTN vặt.

Ông Giao cho rằng, ở nước ta, khái niệm hệ thống chính trị được hiểu là một chỉnh thể thống nhất từ Trung ương xuống cơ sở, bao gồm các bộ phận gắn bó hữu cơ là: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hệ thống được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, vận hành theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Hiện nay, vấn đề PCTN, tiêu cực đã được Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Như vậy, với tính chất là dạng tham nhũng chủ yếu xảy ra ở cấp cơ sở, việc PCTN vặt cần được xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của hệ thống chính trị cơ sở. Để hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng đó, tất cả các thành tố của hệ thống chính trị cơ sở cần phải được huy động, đồng thời cần phải có những biện pháp phù hợp với đặc điểm của tham nhũng vặt.

Cũng theo ông Giao, việc kiểm soát quyền lực Nhà nước là toàn bộ hoạt động giám sát, đánh giá, xử lý để ngăn chặn, loại bỏ những việc làm sai trái của các chủ thể công quyền trong quá trình quản trị quốc gia, đặc biệt là hành vi lạm dụng quyền lực để thu lợi cá nhân (tức tham nhũng).

ThS Ngô Thu Trang, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, cho rằng, quản trị tốt gắn chặt với cuộc chiến chống tham nhũng. Theo đó, một số nguyên tắc cốt lõi của quản trị tốt cũng là nguyên tắc PCTN.

Theo bà Trang, quản trị tốt gắn liền với 8 nguyên tắc sau: Sự tham gia; nhất quán pháp quyền; minh bạch; khả năng đáp ứng; định hướng đồng thuận; công bằng và bao quát; hiệu quả và hiệu suất; trách nhiệm giải trình.

“Khi các hệ thống chính trị không tuân thủ các nguyên tắc này, các thể chế có thể không có khả năng cung cấp các dịch vụ công và đáp ứng nhu cầu của người dân một cách hiệu quả”, bà Trang nhấn mạnh.

Mặt khác, giải quyết những thách thức lớn trong quản trị Nhà nước tốt góp phần giảm tham nhũng; quản trị Nhà nước tốt đòi hỏi phải áp dụng cách tiếp cận đa hướng với một số hệ thống kiểm tra và cân bằng có thể đạt được thông qua sự phân tách quyền lực của các cơ quan khác nhau, thông qua sự tham gia của xã hội và truyền thông cũng như thông qua các quan hệ đối tác hoặc hiệp định kinh doanh.

Bên cạnh đó, có các chính sách, công cụ khác nhau có thể cải thiện quản trị. Trong đó, không thể không kể tới các chính sách, công cụ về phát hiện và điều tra tham nhũng; sự tham gia của người dân trong PCTN; các khuôn khổ quốc tế và quốc gia về chống tham nhũng. Chính sách, công cụ này sẽ trở lên hiệu quả trong PCTN nếu nó giải quyết được những thách thức trong vấn đề quản trị Nhà nước.

Áp dụng đầy đủ các nguyên tắc quản trị tốt thì PCTN sẽ hiệu quả

Đồng quan điểm với bà Trang, TS Nguyễn Văn Quân, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, giữ các nguyên tắc quản trị tốt và PCTN có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, mối liên hệ rõ nét nhất thể hiện qua vai trò của quản trị tốt và PCTN trong phát triển bền vững của một quốc gia. Một quốc gia áp dụng đầy đủ các nguyên tắc quản trị tốt và phòng ngừa tham nhũng hiệu quả sẽ phát triển và phồn vinh. Trái lại, quản trị tồi sẽ thúc đẩy tham nhũng, làm tha hoá quyền lực chính trị và dẫn tới kìm hãm sự phát triển của đất nước.

PCTN là một yêu cầu, thành tố quan trọng của quản trị tốt, bên cạnh các yêu cầu về pháp quyền, minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự tham gia của công chúng vào quản trị quốc gia. Các thành tố này cũng chính là các bảo đảm cho PCTN hiệu quả. Nghĩa là, các nhân tố của quản trị tốt đều nhằm kiểm soát, hạn chế tham nhũng, không áp dụng nghiêm ngặt các nguyên tắc này thì không thể PCTN.

PCTN và quản trị tốt có mối quan hệ hai chiều, nhân quả và tương hỗ nhau, không thể có quản trị tốt nếu tham nhũng tràn lan. Ngược lại, nếu các nguyên tắc của quản trị tốt không được áp dụng trên thực tế thì sẽ tạo ra các điều kiện thuận lợi cho tham nhũng. Chính tham nhũng ngăn cản việc áp dụng các nguyên tắc của quản trị tốt như minh bạch, trách nhiệm giải trình, công bằng. Một quốc gia tham nhũng tràn lan đồng nghĩa với nơi có nền quản trị tồi. Và cả hai đều là nhân tố của sự nghèo đói, bên cạnh xung đột, bạo lực, gia tăng dân số thiếu kiểm soát, biến đối khí hậu và thảm hoả tự nhiên.

TS Lã Khánh Tùng, Khoa Luật, Đại học Quốc giá Hà Nội thì cho rằng, áp dụng nguyên tắc sự tham gia của người dân, như một thành tố căn bản của quản trị tốt vào hoạt động PCTN. Bảo đảm sự tham gia của người dân vào PCTN vừa nhằm đến hiệu quả của chống tham nhũng, vừa là để bảo đảm tính chính danh của Nhà nước, mở rộng dân chủ.

Để chống tham nhũng, cần củng cố nguyên tắc sự tham gia của người dân cả ở khía cạnh tham gia trực tiếp và tham gia gián tiếp, cả ở vai trò cá nhân và vai trò tập thể, tổ chức.

TS Lã Khánh Tùng đưa ra một số giải pháp như: Cần nhận thức rằng chỉ có thể chống tham nhũng khi coi tham nhũng là vấn đề của xã hội, không chỉ là vấn đề của chính quyền, do đó cần huy động toàn thể xã hội chống tham nhũng. Nhận thức này đòi hỏi các cải sách thể chế sâu rộng, hơn là chỉ chống tham nhũng từ trên xuống bằng một bộ máy tập quyền, khép kín.

Tôn trọng các quyền tự do cá nhân, bao gồm quyền tự do báo chí, ngôn luận, tự do hội họp, lập hội của người dân. Các hội đoàn cần được nhìn nhận là nơi tập trung, hội tụ nguyện vọng, tiếng nói của người dân, có vai trò quan trọng để người dân tự chủ, tự quyết, cũng như tạo động lực thúc đẩy tiến bộ xã hội, hơn là đối thủ tiềm năng cạnh tranh ảnh hưởng.

Ngoài ra, cần có thêm những đối thoại để tạo ra sự tin tưởng giữa Nhà nước và các hội đoàn, tổ chức xã hội. Một đạo luật về hội hiện đại, cởi mở và bình đẳng cần được nhanh chóng xây dựng và thông qua. Pháp luật và các thể chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng cần được hoàn thiện hơn…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

(Thanh tra)- Bộ Nội vụ cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rộng khắp các vấn đề dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và làm cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai, thực hiện.

Phương Anh

06:00 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm