Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp nhằm phòng, chống tham nhũng

Thái Hải

Thứ năm, 03/08/2023 - 09:22

(Thanh tra) - Nhấn mạnh xung đột lợi ích không phải là tham nhũng, nhưng xung đột lợi ích nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tham nhũng, ThS Lê Thị Thúy, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CLKHTT) cho rằng, việc nghiên cứu nội dung kiểm soát xung đợt lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng (PCTN) là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

ThS Lê Thị Thúy, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra - chủ nhiệm đề tài. Ảnh: TH

Đó là mục đích của đề tài khoa học cấp bộ “Kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước: Những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng”, do ThS Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Thông tin thư viện, Viện CLKHTT làm chủ nhiệm.

ThS Lê Thị Thúy cho biết, kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ nhằm PCTN là vấn đề mới được nghiên cứu ở Việt Nam trong khoảng mười năm trở lại đây. Nhiều vấn đề lý luận về kiểm soát xung đột lợi ích trong bối cảnh cụ thể ở Việt Nam vẫn còn chưa có sự thống nhất, như quan niệm về xung đột lợi ích, các tình huống xung đột lợi ích, các biện pháp xử lý tình huống xung đột lợi ích.

Theo quy định của Luật PCTN năm 2018, các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước phải áp dụng một số biện pháp PCTN, như trong khu vực công: Công khai, minh bạch, kiểm soát xung đột lợi ích, xử lý trách nhiệm của người đúng đầu khi để xẩy ra tham nhũng. Trong các biện pháp này, kiểm soát xung đột lợi ích có thể được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng từ xa, từ sớm bởi xung đột lợi ích và tham nhũng có mối quan hệ mật thiết với nhau.

“Xung đột lợi ích không phải là tham nhũng, nhưng xung đột lợi ích nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tham nhũng”, ThS Lê Thị Thúy nhấn mạnh.

Mặt khác, các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước có trách nhiệm kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức theo quy định chung tại Luật PCTN 2018, Nghị định 59/2019/NĐ-CP.

Tuy nhiên, bản thân các quy định này vẫn còn những hạn chế nhất định như: Quy định về kiểm soát xung đột lợi ích còn nằm tản mát ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, chưa tạo được cơ chế pháp lý chung về kiểm soát xung đột lợi ích hiện nay; quy định về phát hiện và xử lý xung đột lợi ích còn có điểm chưa hợp lý; chế tài đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm soát xung đột lợi ích còn chưa rõ ràng.

Quy định về kiểm soát xung đột lợi ích trong các lĩnh vực chuyên ngành chưa đầy đủ và chặt chẽ, cơ chế giám sát việc thực hiện và xử lý vi phạm chưa nghiêm.

Từ sau khi Luật PCTN năm 2018 có hiệu lực đến nay, các cơ quan quản lý Nhà nước hầu như chưa có các biện pháp triển khai tổ chức thực hiện cụ thể cũng như chưa tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Xung đột lợi ích trong hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước xảy ra khá phổ biến trong thời gian qua. Trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay, tại một số ngân hàng thương mại có tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, thành lập công ty “sân sau”, cho vay vượt quá khả năng nguồn vốn cả về khối lượng và cơ cấu thời hạn; bên cạnh đó, một số cán bộ ngân hàng giữ vai trò chủ chốt cố ý làm sai chế độ, thể lệ quy định, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với các tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch trái pháp luật nhằm tham nhũng, chiếm đoạt tài sản ngân hàng.

Điều này khiến cho tình hình nợ xấu và vấn đề thanh khoản tại các ngân hàng trở nên căng thẳng. Vấn đề trên có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như việc quản trị ngân hàng yếu kém, nhiều khoản vay dựa vào “quan hệ”, nhiều loại giao dịch trái pháp luật, phi lợi ích ngân hàng...

Tuy nhiên, một trong những lý do có thể kể đến, đó là việc ngăn chặn và triệt tiêu các giao dịch trái pháp luật của người có liên quan tại các ngân hàng thương mại, hay nói cách khác là việc kiểm soát xung đột lợi ích trong các ngân hàng thương mại, chưa được thực hiện triệt để, hiệu quả.

Trong hoạt động của tổ chức xã hội, vụ việc “lùm xùm” khiến dư luận dậy sóng xảy ra vào năm 2018 với những biểu hiện mù mờ trong điều hành, thiếu minh bạch thông tin của lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trong tổ chức nhân sự cũng cho thấy những yếu kém trong kiểm soát xung đột lợi ích tại các tổ chức này.

Theo ThS Lê Thị Thúy, mục tiêu nghiên cứu của đề tài là làm rõ về kiểm soát xung đột lợi ích trong các chủ thể khu vực ngoài Nhà nước phải áp dụng các quy định về PCTN theo quy định của Luật PCTN năm 2018 bao gồm: Công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội có huy động vốn và đưa ra giải pháp cho những vấn đề đặt ra đối với công tác PCTN.

Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu, đề tài triển khai 3 nội dung: Chương 1: Cơ sở lý luận về kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước và những vấn đề đặt ra đối với công tác PCTN; Chương 2: Thực trạng kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước và những vấn đề đặt ra đối với công tác PCTN từ phương diện thực tiễn; Chương 3: Quan điểm, giải pháp về kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, giải pháp cho những vấn đề đặt ra đối với công tác PCTN.

Góp ý tại hội thảo hoàn thiện đề cương nghiên cứu của đề tài, các đại biểu đánh giá đề tài bố cục 3 phần hợp lý, tuy nhiên phạm vi nghiên cứu có phần bó hẹp, nên mở rộng đối tượng nghiên cứu ngoài quy định của Luật PCTN hiện hành. Bên cạnh đó, cần làm rõ thêm những khía cạnh của xung đột lợi ích nhìn từ tổ chức bộ máy, cơ chế kiểm soát, tổ chức cán bộ, quản lý tài chính…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

(Thanh tra)- Bộ Nội vụ cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rộng khắp các vấn đề dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và làm cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai, thực hiện.

Phương Anh

06:00 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm