Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội kỷ luật 25 tổ chức Đảng, 824 đảng viên

Hải Hà

Thứ ba, 11/10/2022 - 22:30

(Thanh tra) - Từ năm 2017 đến nay, ủy ban kiểm tra các cấp của TP Hà Nội đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với 615 tổ chức Đảng và 1.851 đảng viên, phải thi hành kỷ luật 25 tổ chức Đảng và 824 đảng viên…

Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Hồng Nhật cho biết, 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, phải thi hành kỷ luật 25 tổ chức Đảng và 824 đảng viên… Ảnh: T.L

Ngày 11/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU về “xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP” và 6 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU về “tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) trên địa bàn TP Hà Nội”.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng

Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Hồng Nhật cho biết, 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU (từ năm 2017 đến nay), các cấp ủy Đảng đã kiểm tra 10.445 tổ chức Đảng và 3.870 đảng viên, giám sát 5.501 tổ chức Đảng và 2.776 đảng viên theo Điều 30 Điều lệ Đảng.

Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với 615 tổ chức Đảng và 1.851 đảng viên, kết luận 388 tổ chức Đảng (chiếm 63%) và 1.374 đảng viên (chiếm 74%) có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 25 tổ chức Đảng và 824 đảng viên…

Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU đã củng cố được 251/277 tổ chức cơ sở Đảng trong danh sách Ban Chỉ đạo TP theo dõi và 90/102 tổ chức cơ sở Đảng diện Ban Chỉ đạo cấp huyện theo dõi.

Từ những yêu cầu đặt ra trong thực tiễn, thời gian tới, Ban Chỉ đạo TP sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; coi trọng tự kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng; kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra, giám sát theo chuyên đề…

Đáng lưu ý, TP sẽ lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, cán bộ, đảng viên.

Khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp

Về việc triển khai Chỉ thị số 15-CT/TU, Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy Trần Văn Khảm cho biết, các cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở đã có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt.

Nhờ đó, công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC đã có những chuyển biến rõ nét. Ý thức, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành, xem xét, giải quyết KN, TC, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người được nâng lên.

Từ khi Chỉ thị 15-CT/TU được triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo TP đã theo dõi, đôn đốc 200 vụ việc.

Đến nay, qua rà soát, kiểm tra các vụ việc KN, TC tồn đọng, Ban Chỉ đạo TP tiếp tục theo dõi, chỉ đạo giải quyết 49 vụ việc (giảm 151 vụ việc so với năm 2016), trong đó có 26/53 vụ việc khiếu kiện phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự.

Hiện nay, TP Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh, triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, so với 6 năm trước - khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU, tình hình KN, TC trên địa bàn TP vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Nội dung KN, TC tập trung vào lĩnh vực thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mô hình quản lý chợ… với tính chất, mức độ khá gay gắt.

Ông Trần Văn Khảm cho biết, thời gian tới TP tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu kiện tập trung đông người, các vụ việc KN, TC phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đơn thư KN, TC, kiến nghị, phản ánh, tiếp công dân; kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin để nâng cao chất lượng, tiến độ điều hành, xử lý nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết KN, TC của công dân.

Xử lý các vấn đề "nóng" ngay từ cơ sở

Tại hội nghị, đại diện các địa phương cho biết, đã chủ động rà soát, củng cố, xây dựng các tổ chức Đảng vững mạnh, chỉ đạo xử lý tốt các vụ việc nóng trên địa bàn. Song song với phát triển kinh tế, các đơn vị quan tâm giải quyết các vấn đề nổi cộm...

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chia sẻ, trước khi ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU, trên địa bàn TP xảy ra nhiều vụ việc KN, TC kéo dài phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội của TP.

Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Phong đề nghị, các đơn vị, địa phương cần tăng cường dự báo các vấn đề phức tạp xảy ra trên địa bàn để có cách tiếp cận và giải quyết phù hợp.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các quận, huyện, thị xã với các sở, ban, ngành để giải quyết hiệu quả những vấn đề phát sinh.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Phong cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU cần được bổ sung các yêu cầu mới của Trung ương và TP cho phù hợp với thực tiễn, đặc biệt liên quan đến công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đảng viên...

Trong đó, chú trọng nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp. Các đơn vị, địa phương phải chủ động, tập trung xử lý các vấn đề "nóng" ngay từ cơ sở. Khi có các vụ việc phức tạp, cần tuyền thông để định hướng dư luận.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm