Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thái Hải
Thứ tư, 01/09/2021 - 14:17
(Thanh tra) - Để giảm thiểu nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ, Dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát “Nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ ở Việt Nam” đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định điều chỉnh trực tiếp mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong kinh doanh vận tải đường bộ trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Các đại biểu tham gia hội thảo trực tuyến. Ảnh: TH
Sáng 1/9, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT), Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến góp ý hoàn thiện Dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát “Nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ ở Việt Nam”.
Vẫn còn hiện tượng “ưu ái”, “hậu thuẫn”, can thiệp để tạo lợi thế cho một số doanh nghiệp vận tải
Kết quả rà soát, hệ thống hóa các quy định của pháp luật trong Dự thảo Báo cáo đã chỉ ra nhiều quy định của pháp luật về quản lý vận tải đường bộ còn bất cập, có thể bị lợi dụng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định điều chỉnh trực tiếp mối quan hệ giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp vận tải trong việc cấp phép, đăng ký kinh doanh, giám sát, kiểm soát hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa.
Những số liệu từ khảo sát bằng phiếu hỏi với các đối tượng là công chức trong các cơ quan Nhà nước thực hiện nhiệm vụ công vụ trực tiếp liên quan đến quản lý lĩnh vực vận tải đường bộ (như: Kế hoạch đầu tư, thanh tra giao thông, công an, quản lý thị trường, thuế...) và người có nhiệm vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp vận tải thường xuyên tiếp xúc với cơ quan quản lý, cũng góp phần nhận diện mức nguy cơ và các dạng hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực vận tải đường bộ với các loại hình vận tải, các công đoạn khác nhau trong quản lý vận tải đường bộ.
Dự thảo kết quả nghiên cứu, khảo sát cũng cho thấy quản lý Nhà nước về kinh doanh vận tải đường bộ trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp vận tải ngày càng được nâng cao, tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, tác động xấu đến môi trường kinh doanh, vẫn còn hiện tượng chưa tạo sự bình đẳng trong các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, có sự “ưu ái”, “hậu thuẫn” hoặc can thiệp để tạo lợi thế cho một số doanh nghiệp vận tải. Một số doanh nghiệp vận tải phải chi trả “chi phí không chính thức” một cách chủ động hoặc khi có đề nghị của công chức quản lý.
Đây là những vấn đề tồn tại trong thời gian rất dài, đòi hỏi phải có được giải pháp, đồng thời vừa tăng cường đạo đức công vụ cho đội ngũ công chức, vừa nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp vận tải.
Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và tạo sự bình đẳng trong các doanh nghiệp kinh doanh vận tải
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Giao thông vận tải cho biết, đặc thù của ngành Vận tải ô tô là mang tính xã hội hóa cao, nguy cơ tham nhũng lớn, với nhận thức như thế nên Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đã rất chú trọng và đưa ra nhiều quy định, tăng cường thanh tra, kiểm tra để hạn chế thấp nhất nguy cơ tham nhũng.
Ông Quyền cho rằng, hiện nay, cần đặt chế định cụ thể trong bối cảnh hoàn thiện pháp luật; tăng cường công tác về trật tự an toàn giao thông; tích cực xem xét, có sự điều chỉnh để hài hòa các yêu cầu về đơn giản hóa các thủ tục. Đồng thời, cân nhắc để có nhận định hài hòa hơn về việc xác định ngành vận tải ô tô là ngành kinh doanh có điều kiện, vì đã là ngành kinh doanh có điều kiện thì trong công tác quản lý cần có nhiều quy định “cao” hơn.
Đặc biệt, Chủ tịch Hiệp hội Giao thông vận tải cũng muốn góp ý xung quanh việc thực hiện quy định, mỗi doanh nghiệp chỉ được thanh tra một lần trong một năm. Cơ quan thanh tra Nhà nước cần lấy ý kiến của các cơ quan thanh tra chuyên ngành để lập kế hoạch thanh tra hàng năm, nhằm tránh hiện tượng chồng chéo như hiện nay.
Luật sư, CEO HADO Group, chuyên gia của UNDP, ông Nguyễn Việt Hoàng cho rằng, để góp phần hạn chế nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ, cần phải tiến hành nghiên cứu và đánh giá rủi ro tham nhũng trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ năm 2008; sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật và kiến nghị tổ chức thực hiện pháp luật, bảo đảm sự kết nối thông suốt về thông tin giữa các cơ quan công an và ngành giao thông vận tải. Không chỉ vậy, cần tăng cường vai trò của cơ quan quản lý, của các hiệp hội trong hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp...
Bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện Thường trú, Trưởng Ban Quản trị và Tham gia, UNDP Việt Nam nhấn mạnh: Giao thông vận tải là một ngành quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam, do đó, nó thu hút cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao.
Theo một nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ thực hiện năm 2012, ngành Giao thông vận tải đứng thứ 5 trong tổng số 22 ngành về mức độ phổ biến của tham nhũng. Mặc dù có nhiều nghiên cứu và khảo sát liên quan đến tham nhũng, nhưng đây là nỗ lực đầu tiên nhằm thực hiện đánh giá rủi ro tham nhũng trong lĩnh vực giao thông đường bộ .
“Các nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy môi trường kinh doanh bình đẳng là chìa khóa để đảm bảo Việt Nam hội nhập kinh tế tốt hơn và để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, bà Diana Torres nói
Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT khẳng định, kinh doanh vận tải đường bộ là lĩnh vực có tính cạnh tranh cao, nhiều loại hình hoạt động, thu hút rất nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia. Nhu cầu của xã hội về vận tải đường bộ rất lớn, số lượng phương tiện gia tăng nhanh, sự phát triển của khoa học công nghệ và việc ứng dụng vào kinh doanh vận tải đang đặt ra những đòi hỏi phải đổi mới cả phương thức quản lý và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp để hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ, dự thảo báo cáo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định điều chỉnh trực tiếp mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong kinh doanh vận tải đường bộ trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, và các văn bản hướng dẫn thi hành.
“Dự thảo Báo cáo kết quả khảo sát đã đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về vận tải đường bộ, đề xuất giải pháp thực hiện gắn với trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp nhằm giảm thiểu nguy cơ tham nhũng, kịp thời phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch, phi tham nhũng”, tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh nhấn mạnh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Công ty TNHH Hóa dược phẩm Phương Phúc bị phạt tổng cộng 125 triệu đồng và đình chỉ hoạt động cơ sở vi phạm trong thời hạn 7,5 tháng.
Đông Hà
09:19 13/12/2024(Thanh tra) - Nằm ở vị trí trung tâm, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1 có diện tích hơn 6.000m2 bị bỏ hoang nhiều năm nay. Khu đất này đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi để quản lý.
Cảnh Nhật
20:00 12/12/2024PV
18:34 12/12/2024Văn Thanh
13:18 12/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
09:00 12/12/2024Bùi Bình
20:37 11/12/2024N. Phê
N. Phó
Trung Hà
CB
Đông Hà
Đông Hà
Hoàng Nam
Kim Thành
Cao Sơn
Trần Kiên
Bùi Bình
Hải Hà