Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bulgaria: Bộ trưởng Tư pháp từ chức khi biểu tình chống tham nhũng bước vào ngày thứ 50 liên tiếp

Thứ sáu, 28/08/2020 - 22:10

(Thanh tra) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Bulgaria Danail Kirilov đã từ chức hôm thứ Tư do những chỉ trích nặng nề nhằm vào ông vì đã không giải quyết được vấn đề tham nhũng. Bulgaria phải đối mặt với các cuộc biểu tình chống Chính phủ ngày thứ 50 liên tiếp.

Những người biểu tình mang theo một tấm áp phích ghi "Từ chức" trong một cuộc biểu tình lớn ở Thủ đô Sofia. Ảnh: Valentina Petrova / Associated Press

Ông Kirilov là Bộ trưởng thứ năm từ chức kể từ khi các cuộc biểu tình tràn qua quốc gia vùng biển Balkan vào tháng 7 vừa rồi, một động thái để bày tỏ sự bất bình đối với các cuộc đột kích vào văn phòng của Tổng thống Rumen Radev, một người chỉ trích mạnh mẽ Chính phủ đương nhiệm.

Trong hơn một tháng, các cuộc biểu tình trên các đường phố ở Thủ đô Sofia đã yêu cầu Thủ tướng Boyko Borissov và Tổng Chưởng lý  Ivan Geshev từ chức do các cáo buộc có liên hệ với mafia và các nhà tài phiệt.

Các rào chắn ở Sofia và các thành phố khác trên khắp đất nước, bao gồm Varna và Plovdiv, vẫn được giữ nguyên vào thứ Năm khi những người biểu tình tiếp tục bày tỏ sự tức giận của họ trước cáo buộc tham nhũng của Chính phủ, bao gồm một đề xuất gây tranh cãi về một đề xuất thay đổi Hiến pháp mới, có khả năng sẽ giúp cho Chính phủ hiện tại giữ nguyên quyền lực.

Người dân kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình trên quy mô toàn quốc vào thứ Tư, ngày 2 tháng 9, ngày Chính phủ dự kiến sẽ đưa ra quyết định về việc từ chức của ông Kirilov.

Maria Mateva, một nhà hoạt động của Tổ chức Phi Chính phủ Công lý cho tất cả, nói với Euronews: “Chúng tôi không cảm thấy rằng trước ngày 2 tháng 9, điều này sẽ xảy ra vì Chính phủ đang cố gắng làm mọi cách để duy trì quyền lực.”

"Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục. Và không chỉ riêng người dân Sofia lên tiếng đâu."

Mateva đã tham dự các cuộc biểu tình ở Sofia và quê hương Burgas của cô kể từ khi chúng bắt đầu vào tháng Bảy. Mặc dù việc từ chức của ông Kirilov đã được hoan nghênh, nhưng điều đó khó có thể xoa dịu sự tức giận của công chúng.

"Tôi nghĩ việc từ chức trong Chính phủ là một việc, và có việc khác không kém quan trọng là Tổng Chưởng lý [Geshev] từ chức," cô nói.

"Chính phủ hiện tại đang có một đề xuất cho lần sửa đổi Hiến pháp sắp tới. Nếu họ có đủ sự ủng hộ trong Nội các để đưa ra một đề xuất chính thức, điều mà hiện tại họ chưa có, và điều đó có nghĩa là cần phải thành lập Quốc hội lập hiến.”

"Nếu ý kiến của họ được chấp thuận trong lần sửa đổi Hiến pháp mới này, họ sẽ vẫn nắm quyền.”

"Chúng tôi đang cố gắng yêu cầu những người liên quan từ chức để điều này không thể xảy ra."

Hiến pháp mới do Đảng GERB của ông  Borissov đề xuất, do cựu Bộ trưởng Tư pháp soạn thảo, sẽ trao quyền lực mới cho Cơ quan Tổng Chưởng lý đi kèm ít cơ chế buộc cơ quan này phải chịu trách nhiệm hơn.

Ông Kirilov cũng bị chỉ trích vì không thúc đẩy thông qua các cải cách để giải quyết tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp và không đề cử được ứng cử viên cho chức vụ Tổng Chưởng lý vào năm ngoái, khiến ông Geshev là ứng cử viên duy nhất cho chức vụ này.

Trần Minh Tuấn (Theo Euronews)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm