Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Đề cao đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương

Thanh Thanh

Thứ bảy, 20/05/2023 - 22:08

(Thanh tra) - Chiều 20/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Phiên họp “Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng”, phiên họp đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh (HNTĐ) G7 mở rộng, có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước G7, 8 nước khách mời và một số tổ chức quốc tế lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện về Sáng kiến Đối tác Cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII). Ảnh: Nhật Bắc

Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng

 Tại đây, các nhà lãnh đạo đã cùng nhau thảo luận về các biện pháp ứng phó với các cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ, diễn ra ngày càng thường xuyên, trong nhiều lĩnh vực như lương thực, y tế, kinh tế - phát triển...

Tại phiên họp, các nhà lãnh đạo G7 và khách mời đã tập trung thảo luận về các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác, thúc đẩy phục hồi kinh tế và phát triển bền vững.

Các ý kiến thảo luận nhấn mạnh thế giới đang đứng trước nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng đan xen, trong đó có nguy cơ nợ tăng cao ở nhiều nước nghèo và đang phát triển, khoảng cách phát triển và bất bình đẳng gia tăng.

Các ý kiến nhấn mạnh cần đặt phát triển làm trung tâm, tăng cường các sáng kiến huy động nguồn lực, thúc đẩy hợp tác công - tư trong phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có triển khai sáng kiến PGII của G7.

Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima diễn ra trong hai ngày 20-21/5/2023. Ảnh: Nhật Bắc

Các nhà lãnh đạo đã chia sẻ quan điểm và đưa ra các giải pháp tạo thêm các động lực mới cho Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, trong đó chú trọng huy động nguồn lực của khu vực tư nhân, tăng cường tài chính cho phát triển, cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, bảo đảm minh bạch về nợ, tiếp tục hợp tác y tế và bình đẳng giới.

Đây là lần thứ 3 Việt Nam được mời tham dự HNTĐ G7 mở rộng trong 7 năm trở lại đây.

Điều này phản ánh sự ghi nhận, đánh giá tích cực của các nước G7 và cộng đồng quốc tế đối với vị thế, uy tín cũng như những nỗ lực và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy hợp tác quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu trong thời gian qua.

Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả

 Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng đã chia sẻ bối cảnh chưa có tiền lệ hiện tại đòi hỏi phải hành động vượt ra ngoài tiền lệ với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương; nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết là thúc đẩy và tạo ra những động lực mới cho phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu theo hướng xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn.

Ông cũng đề xuất cần nâng cao hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu, tăng cường phối hợp chính sách, nhất là về lãi suất, tài chính tiền tệ, thương mại và đầu tư, cải cách hệ thống thương mại đa phương với vai trò trung tâm của WTO.

Ông hoan nghênh sáng kiến của G7 về đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII); đề nghị G7 tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua cung cấp tài chính xanh, hợp tác phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược, nhất là về giao thông.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu thông điệp về thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả hơn, nhấn mạnh đề cao đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương là chìa khóa để giải quyết các thách thức phức tạp hiện nay.

Theo Thủ tướng, cần bảo đảm lấy người dân là trung tâm, động lực, chủ thể, nguồn lực và mục tiêu của phát triển.

Bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu

 Cũng trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đánh giá cao Tuyên bố Hành động Hiroshima về an ninh lương thực tự cường toàn cầu; đề nghị G7 và đối tác đẩy mạnh mở cửa thị trường nông sản, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp xanh, tăng cường tham gia và hỗ trợ triển khai các cơ chế hợp tác Nam - Nam và ba bên trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

“Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất lương thực để đóng góp vào thực hiện Tuyên bố Hành động Hiroshima”, Thủ tướng khẳng định.

Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm và hành động trên quy mô toàn cầu nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết.

Trên tinh thần không để ai, không để quốc gia nào bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng kêu gọi các nước G7 và các đối tác phát triển có chương trình hành động cụ thể, tăng cường hỗ trợ nguồn lực thực hiện các mục tiêu SDG, thu hẹp khoảng cách số, làm chủ công nghệ tiên phong, bảo đảm an ninh nguồn nước xuyên biên giới, thực thi bình đẳng giới và xây dựng các cơ chế hiệu quả để ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.

Ông đã bày tỏ Việt Nam luôn trân trọng sự giúp đỡ thiết thực, kịp thời của các nước G7 và cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Ông còn khẳng định Việt Nam luôn là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và tích cực đóng góp vào các nỗ lực giải quyết các thách thức chung trên toàn cầu, vì phát triển bền vững, phồn vinh của nhân loại, vì hạnh phúc của người dân.

Phiên họp đã tán thành triển khai mạnh mẽ Tuyên bố Hành động Hiroshima về an ninh lương thực tự cường toàn cầu theo sáng kiến của Nhật Bản.

HNTĐ G7 mở rộng là một diễn đàn quốc tế quan trọng, có sự tham dự của các nhà lãnh đạo của 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu và các quốc gia, tổ chức quốc tế có uy tín để thảo luận thúc đẩy hợp tác xử lý các vấn đề toàn cầu.

Nhân dịp tham dự HNTĐ G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, hội kiến Tổng thống Liên bang Comoros Azali Assoumani và tiếp Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tân Tổng thống Botswana cam kết đấu tranh chống tham nhũng

Tân Tổng thống Botswana cam kết đấu tranh chống tham nhũng

(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.

Ngọc Anh

12:40 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm