Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Lại "nóng" vấn nạn tham nhũng trong kỳ thi đại học

Hoài Phương

Thứ hai, 10/06/2024 - 22:26

(Thanh tra) - Vụ việc gần đây nhất, 14 giáo sư Hàn Quốc bị bắt vì vi phạm luật giảng dạy và luật chống tham nhũng. Họ bị cáo buộc dạy phụ đạo bất hợp pháp cho học sinh chuẩn bị tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học âm nhạc và chấm điểm cao cho những học sinh này với tư cách là giám khảo.

Các thí sinh tham gia kỳ thi đại học khắc nghiệt. Ảnh minh họa: EPA

14 giáo sư bị bắt vì vi phm lut ging dy và lut chng tham nhũng

Theo Hãng Thông tấn Yonhap, Cảnh sát Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 10/6 cho biết, các thủ tục cần thiết đã được tiến hành để buộc tội 14 giáo sư đại học âm nhạc, một nhà môi giới và 2 phụ huynh học sinh.

Những người này bị cáo buộc vi phạm hoạt động kinh doanh, vi phạm luật giảng dạy tư nhân và pháp luật về chống tham nhũng.

Các giáo sư bị cáo buộc bao gồm nguyên Hiệu trưởng Trường Âm nhạc Đại học Quốc gia Seoul (SNU).

Các phụ huynh học sinh bị cáo buộc đã tặng túi xách sang trọng và tiền mặt cho các giáo sư sau khi con của họ được nhận vào trường đại học mà họ chọn nguyện vọng đầu tiên.

Cảnh sát cho biết, người môi giới đã điều hành các phòng dạy phụ đạo tư nhân không có giấy phép ở phía Nam Seoul từ tháng 1/2021 đến tháng 2/2023 để cung cấp tổng cộng 679 bài học thanh nhạc cho học sinh chuẩn bị tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học.

Cũng theo cơ quan cảnh sát, 14 giáo sư bị cáo buộc đã nhận được khoản thanh toán trị giá 130 triệu won (94.400 USD) sau khi cung cấp 244 bài học thanh nhạc cho sinh viên thông đồng với người môi giới. Theo luật hiện hành, việc một giáo sư đại học dạy phụ đạo cho học sinh chuẩn bị tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học là bất hợp pháp.

Các giáo sư được cho là đã nhận 200.000 đến 300.000 won tiền mặt mỗi người sau khi dạy phụ đạo từ 30 đến 60 phút.

Trong số đó, 5 người bị phát hiện có hành vi gian lận tuyển sinh đại học khi làm giám khảo chấm các bài kiểm tra thực hành âm nhạc tại SNU và 3 trường đại học khác.

Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul. Ảnh: Yonhap

"Chuyện cũ" chưa nguôi

Đây không phải lần đầu trong năm nay, bê bối tham nhũng của các giảng viên liên quan đến các kỳ thi tuyển sinh đại học nổ ra, khiến dư luận Hàn Quốc rúng động.

Hồi tháng 3 vừa qua, trong thông báo kết quả điều tra về mối quan hệ thông đồng giữa khu vực giáo dục công và tư, Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc cho biết, đã đề nghị cơ quan công tố điều tra chính thức 56 cá nhân.

Cơ quan thanh tra đã phát hiện nhiều giáo viên trường công được cho là đã tạo ra các câu hỏi tương tự như những câu hỏi xuất hiện trong đề thi tuyển sinh đại học do nhà nước quản lý (được gọi là Suneung trong tiếng Hàn), và bán chúng cho các cơ sở luyện thi tư nhân để lấy tiền.

Theo thống kê của Chính phủ, chi phí đổ vào các cơ sở dạy thêm, học thêm trong khối học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hàn Quốc đã tăng lên mức kỷ lục, đạt 26.000 tỷ won vào năm 2022, mặc dù tổng số học sinh giảm 0,9%.

Chính phủ Hàn Quốc đã chủ trương hạn chế chi tiêu ngày càng tăng của đất nước cho giáo dục tư nhân, vốn được coi là yếu tố chính góp phần làm giảm tỷ lệ sinh của quốc gia, và các cuộc kiểm toán, thanh tra nhằm vào lĩnh vực giáo dục được diễn ra trong bối cảnh đó. 

Suneung là kỳ thi tuyển sinh đại học được tổ chức vào ngày thứ Năm của tuần thứ ba trong tháng 11 hàng năm, là một trong những sự kiện học thuật quan trọng nhất của Hàn Quốc.

Đây không chỉ là kỳ thi đánh giá kết quả nhiều năm học tập chăm chỉ của nhiều học sinh mong muốn vào các trường đại học hàng đầu đất nước, mà học sinh không đạt điểm cao trong các kỳ thi suneung có nguy cơ phải làm công việc cực nhọc, lương thấp và nhiều giờ hơn ở các công ty vừa và nhỏ.

Ở một khía cạnh khác, tấm bằng đại học, danh giá và lương bổng còn quyết định hạnh phúc của hôn nhân môn đăng hậu đối tại Hàn Quốc.

Cũng bởi vậy mà ngành công nghiệp luyện thi là “gà đẻ trứng vàng” ở xứ sở kim chi, với trị giá hàng chục tỉ đô la.

Theo Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc, một giảng viên cấp cao, người trước đây tham gia ra đề cho kỳ thi tuyển sinh đại học, sau đó đã thành lập một nhóm gồm 8 thành viên để tạo ra khoảng 2.000 câu hỏi và bán chúng cho các giáo viên hướng dẫn tư nhân với giá khoảng 660 triệu won (12,4 tỉ đồng).

Ngoài ra, một số giáo viên trường công là tác giả sách giáo khoa cho Đài Truyền hình EBS - kênh truyền hình giáo dục số 1 tại Hàn Quốc, bị phát hiện đã trao đổi câu hỏi với các nhà giáo dục tư nhân để nhận về các khoản "thù lao".

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm