Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kêu gọi vốn tư nhân xây sân bay: Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai thế giới trên thị trường hàng không

Thứ hai, 10/10/2022 - 15:23

(Thanh tra) - Theo Dong Zhiyi, Phó Giám đốc Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc, trong 58 sân bay mới đi vào hoạt động 10 năm qua, có gần 50% tọa lạc tại các khu vực được Chính phủ xác định cần “xóa đói giảm nghèo”. Số hành khách đến và đi tại các sân bay này đã tăng từ khoảng 28 triệu người năm 2012 lên 78 triệu người năm 2019.

Chỉ trong hơn một thập kỷ, Trung Quốc đã biến đổi từ đất nước có ít người đi lại bằng đường hàng không thành một quốc gia nơi hàng triệu công dân không chỉ bay trên lãnh thổ rộng lớn của họ mà còn đến các địa điểm khác khắp thế giới. Đây chính là động lực cho sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc.

Mở cửa cho tư nhân xây dựng hạ tầng 

Theo nghiên cứu của CSIS, hàng không thương mại ở Trung Quốc đã mở rộng đáng kể những năm qua. Mức sống người dân được nâng cao, tầng lớp trung lưu gia tăng cùng quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã góp phần khiến cho lượng khách đi lại bằng đường hàng không ở đại lục tăng từ 62 triệu người năm 2000 lên 551 triệu người vào năm 2017. Con số này chiếm 1/8 tổng lượng khách của ngành hàng không trên thế giới trong năm đó, giúp Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai về tổng lượng khách phục vụ, chỉ sau Mỹ, với 849 triệu lượt khách.

Năm 2016, Trung Quốc vận hành 9 trong số 50 sân bay bận rộn nhất thế giới. Trung Quốc được kỳ vọng sẽ soán ngôi Mỹ trở thành thị trường hàng không thương mại lớn nhất trong tương lai. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế ước tính, các sân bay Trung Quốc sẽ phục vụ 1,5 tỷ hành khách vào năm 2036, trong khi con số này ở Mỹ là 1,1 tỷ.

Các chuyên gia nhận định, quá trình hiện đại hóa kinh tế đã tạo điều kiện chín muồi cho ngành Hàng không Trung Quốc bùng nổ.

Ngành Hàng không Trung Quốc đang trong giai đoạn bùng nổ. Ảnh: Shutterstock

Để đáp ứng tốc độ phát triển, Chính phủ Trung Quốc đã bắt tay vào một chương trình xây dựng sân bay với quy mô hiếm thấy ở bất kỳ quốc gia nào khác. Hàng tỷ đô la được đổ vào các đường bay, đưa toàn bộ đất nước tham gia trực tiếp vào mạng lưới giao thông toàn cầu.

Trang Centre For Aviation thống kê, tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc có 248 sân bay.

Tạp chí AeroTime trích dẫn các kế hoạch do Bắc Kinh công bố tháng 2/2021 cho biết, căn cứ vào ước tính về sự gia tăng số lượng người tham gia vào vận chuyển hàng không sắp tới, nhà chức trách Trung Quốc nhắm đến việc vận hành hơn 400 sân bay dân dụng khắp toàn quốc vào cuối 2035, tức là tăng khoảng 150 sân bay so với hiện nay. Như vậy, Trung Quốc dự kiến sẽ có trung bình khoảng 10 sân bay mới mỗi năm cho đến năm 2035.

Giới quan sát đánh giá, những cải cách của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong mở rộng hàng không thương mại.

Theo Nhật báo Trung Quốc, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) hồi tháng 10/2016 bắt đầu trải thảm đỏ mời gọi vốn tư nhân trong tất cả các dự án sân bay dân dụng được quy hoạch trong đề cương phát triển sân bay hoặc quy hoạch công nghiệp và khu vực đặc biệt của đất nước.

Trong hướng dẫn ban hành vào thời điểm đó, nhà chức trách đề cập đến mục tiêu giảm số lượng sân bay quốc doanh hoặc nhà nước sở hữu, đồng thời nêu rõ tài trợ cho việc xây dựng và khai thác sân bay theo hình thức đối tác công - tư sẽ được khuyến khích để nâng cao "chất lượng và hiệu quả dịch vụ". Việc mở cửa cho vốn tư nhân cũng được cho sẽ giảm bớt áp lực tài chính cho chính phủ và đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Dự kiến cuối năm 2035, Trung Quốc sẽ có hơn 400 sân bay dân dụng được vận hành. Ảnh: Shutterstock

Ngoài ra, Hội đồng Các sân bay quốc tế (ACI) ghi nhận, chính quyền địa phương sẵn sàng trợ cấp để mở rộng các sân bay hiện có, cũng như xây sân bay mới tại khu vực đồng bằng sông Dương Tử, khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc và khu vực vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Ma Cao, cũng như các cụm thành phố Trùng Khánh và Thành Đô. Đây là những khu vực có mật độ dân cư cao nhưng lại chỉ có một vài sân bay trung tâm để phục vụ hành khách.

Các sân bay mới sẽ được xây dựng ở phía Tây của Trung Quốc, nơi chưa có nhiều cơ sở hàng không. Điều này không chỉ giúp hỗ trợ phát triển của khu vực trong kinh tế và du lịch mà còn giúp Bắc Kinh phát huy tầm ảnh hưởng với các khu vực xa xôi.

Sân bay địa phương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Trong số các sân bay quốc tế đi vào hoạt động năm 2021 có Sân bay Quốc tế Thiên Phủ Thành Đô (TFU) và Sân bay Quốc tế Gia Đông Thanh Đảo (TAO).

TFU khai trương tháng 6/2021 sau 5 năm xây dựng, đưa Thành Đô trở thành thành phố thứ 3 ở Trung Quốc có hai sân bay, sau Bắc Kinh và Thượng Hải. Với 3 đường băng và 2 nhà ga, TFU có khả năng tiếp đón 60 triệu hành khách mỗi năm. Không dừng ở đó, nhà chức trách có kế hoạch mở rộng sân bay lên 6 đường băng, 4 nhà ga, đồng nghĩa cơ sở này có thể đón khoảng 90 triệu khách mỗi năm.

Các sân bay cũng không phải là cơ sở độc lập, mà sẽ xây dựng liên kết với các phương thức vận tải khác như những tuyến đường bộ huyết mạch và mạng lưới đường sắt cao tốc của đất nước. Đây là chiến lược chính phủ Trung Quốc đã theo đuổi thời gian qua.

Ví dụ, sau gần 5 năm xây dựng với tổng kinh phí lên tới 120 tỷ nhân dân tệ (gần 17 tỷ USD), Cảng Hàng không quốc tế Đại Hưng ở Bắc Kinh tọa lạc trên diện tích 47km2 đã đi vào hoạt động từ tháng 9/2019, kết hợp một tuyến đường sắt đạt tốc độ 350km/h đến trung tâm Thủ đô. Ước tính giai đoạn đầu vận hành, sân bay phục vụ khoảng 72 triệu hành khách và 2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Cơ sở này dự kiến sẽ tăng số khách phục vụ lên 100 triệu người cùng 4 triệu tấn hàng hóa vào năm 2025.

Sân bay Quốc tế Đại Hưng, sân bay quốc tế thứ 2 của Bắc Kinh khánh thành năm 2019. Ảnh: Shutterstock

Nhiều sân bay mới ở Trung Quốc không phải là trung tâm lớn, mà là các sân bay nhỏ hơn được thiết kế để liên kết các khu vực hẻo lánh. Theo các chuyên gia, CAAC nhận thấy sự thuận tiện do các đường bay ngắn mang lại cho người dân sống ở các vùng sâu, vùng xa và sẽ khuyến khích các hãng hàng không trong khu vực nâng cao năng lực và nâng cấp mạng lưới bay.

ACI cho biết thêm, năm 2020, CAAC đã sửa đổi các thủ tục để thúc đẩy việc xây dựng các sân bay nhỏ, đặc biệt là ở những nơi còn thiếu phương tiện giao thông đường bộ. Ví dụ về các sân bay nhỏ hơn được khánh thành năm 2020 bao gồm Sân bay Yulin Fumian được thiết kế để phục vụ 740.000 hành khách hàng năm và Sân bay Yutian Wanfang cho 180.000 hành khách. Tháng 3/2021, Sân bay Núi tiên Wulong ở Trùng Khánh đã kết nối tới 5 thành phố, cung cấp các tuyến liên kết đến Công viên Rừng quốc gia Núi tiên tuyệt đẹp.

Theo Dong Zhiyi, Phó Giám đốc CAAC, trong số 58 sân bay mới đi vào hoạt động kể từ năm 2012, gần 50% tọa lạc trong các khu vực được Chính phủ xác định cần “xóa đói giảm nghèo”. Số lượng hành khách đến và đi tại các sân bay trong những khu vực xóa đói giảm nghèo đã tăng từ khoảng 28 triệu người năm 2012 lên 78 triệu người năm 2019.

"Chính quyền đại lục có một chiến lược phát triển rất rõ ràng để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế ở các khu vực và địa điểm kém phát triển như phía Tây và Đông Bắc Trung Quốc. Giao thông hàng không có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các khu vực này", Cheung Kwok Law, Giám đốc Chính sách, Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách hàng không của Đại học Hong Kong (Trung Quốc) nhận xét.

Thực tế, các dự án xây sân bay dân dụng đã mang lại lợi ích to lớn cho các địa phương nói riêng và nền kinh tế Trung Quốc nói chung. Ví dụ, Sân bay Quốc tế Đại Liên đã góp phần giúp thành phố ven biển Đại Liên thuộc tỉnh Đông Bắc Liêu Ninh trở thành một trung tâm thương mại, tài chính, du lịch, công nghệ thông tin và hậu cần lớn, có tiếng ở Đông Bắc Trung Quốc, đóng vai trò liên kết quan trọng với Đông Bắc Á (Nhật và Hàn Quốc) cũng như các quốc gia và khu vực tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Bắc Kinh.

Sân bay Quốc tế Đại Liên góp phần giúp thành phố Đại Liên trở thành trung tâm kinh tế quan trọng của Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock

Theo Nhật báo Trung Quốc, trong giai đoạn triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020), tốc độ tăng trưởng hàng năm của Đại Liên về các chuyến viếng thăm của du khách nội địa và quốc tế tăng lần lượt 10,7% và 3,8%. Trang web của Sân bay Quốc tế Đại Liên cho biết, cơ sở này là một trong 4 sân bay lớn ở Đông Bắc Trung Quốc, thu hút dịch vụ của 36 hãng hàng không trong và ngoài nước. Sân bay hiện kết nối với 59 thành phố nội địa và 29 thành phố ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác thông qua 146 đường bay. Năm 2019, lượng khách thường niên của sân bay đã vượt quá con số 20 triệu, trong đó lượng khách quốc tế đạt khoảng 2 triệu.

Tại những khu vực phát triển, việc xây thêm Sân bay Dân dụng - Cảng Hàng không quốc tế Đại Hưng đã giúp giảm tải cho Sân bay Quốc tế Bắc Kinh vốn không còn đáp ứng được hết nhu cầu của lượng khách khổng lồ.

Hãng Boeing dự báo, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường hàng không đầu tiên trên thế giới vượt ngưỡng giá trị 1.000 tỷ USD trong 20 năm tới. Nước này được dự đoán sẽ cần 6.810 máy bay mới trong hai thập kỷ tới. Do đó, việc không có đủ các sân bay dân dụng, đặc biệt là các sân bay tổng hợp có thể cản trở khả năng của Trung Quốc trong việc đáp ứng nhu cầu của một thị trường đang bùng nổ, được thúc đẩy bởi thu nhập tăng và mức tiêu thụ dịch vụ nhiều hơn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tân Tổng thống Botswana cam kết đấu tranh chống tham nhũng

Tân Tổng thống Botswana cam kết đấu tranh chống tham nhũng

(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.

Ngọc Anh

12:40 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm