Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cựu Thủ tướng Pakistan bị thẩm vấn về tội tham nhũng

Ngọc Anh

Thứ tư, 24/05/2023 - 13:59

(Thanh tra) - Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan hôm 23/5 đã bị một cơ quan chống tham nhũng thẩm vấn về tội tham nhũng, luật sư của ông cho biết.

Các nhân viên an ninh áp giải cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan, khi ông xuất hiện tại Tòa án Tối cao Islamabad ngày 12/5/2023. Ảnh: REUTERS/Akhtar Soomro

Cuộc thẩm vấn diễn ra sau chưa đầy một tuần kể từ khi ông Khan từ chối lệnh triệu tập và bác bỏ các cáo buộc chống lại mình.

Cựu Thủ tướng Khan cho rằng, các cáo buộc tham nhũng đã được dàn dựng, bản thân ông bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu với lực lượng quân đội hùng mạnh, vốn đã trực tiếp điều hành Pakistan hoặc giám sát các chính phủ dân sự trong suốt chiều dài lịch sử.

Cũng trong ngày 23/5, một tòa án ở Thủ đô Islamabad đã cấp cho cựu Thủ tướng Imran Khan quyền được bảo vệ khỏi các lệnh bắt giữ cho đến ngày 8/6, liên quan tới những cáo buộc đối với ông về tội khủng bố vì kích động bạo lực.

Ông Khan đã bị bắt và giam giữ vào ngày 9/5 trong cùng một vụ án, làm dấy lên những cuộc biểu tình rộng rãi của những người ủng hộ ông, đồng thời thổi bùng những lo ngại mới về sự ổn định của Pakistan khi nước này phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Ông Khan sau đó được tại ngoại.

“Ông ấy đã tham gia vào cuộc điều tra”, luật sư của ông, Faisal Chaudhry, nói khi đề cập đến việc ông bị các quan chức của Cục Trách nhiệm giải trình Quốc gia Pakistan (NAB) thẩm vấn về cáo buộc ông và vợ nhận tài sản trị giá hàng triệu USD như khoản hối lộ từ một ông trùm bất động sản thông qua một quỹ từ thiện.

Luật sư Chaudhry cho biết, vợ của ông Khan, bà Bushra Khan, người phải đối mặt với cáo buộc hối lộ, cũng có mặt nhưng không bị thẩm vấn.

Khan gọi các cáo buộc là "hoàn toàn sai, phù phiếm và bịa đặt" trong một tuyên bố với NAB vào tuần trước.

Theo Hãng tin Reuters, ông Khan - cựu ngôi sao cricket quốc tế trở thành Thủ tướng Pakistan vào năm 2018 với sự ủng hộ của quân đội, mặc dù thời điểm này, cả hai bên đều phủ nhận. Tuy nhiên sau đó ông Khan đã bất hòa với các tướng lĩnh và bị lật đổ khỏi vị trí thủ tướng sau khi thất bại trong bỏ phiếu tín nhiệm vào năm 2022.

Kể từ đó, ông Khan đã vận động cho một cuộc bầu cử sớm, với các cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông trên khắp đất nước.

Cảnh tượng hỗn loạn trên đường phố Pakistan sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị bắt. Ảnh: Getty

Thủ tướng thay thế ông Khan, ông Shahbaz Sharif, đã từ chối lời kêu gọi của người tiền nhiệm về một cuộc tổng tuyển cử sớm trước khi kế hoạch diễn ra vào cuối năm nay.

Bê bối tham nhũng là một trong số hàng chục vụ được đệ trình chống lại ông Khan trong năm ngoái.

Ông Khan cho biết, tổng cộng có gần 150 vụ, và các cáo buộc là một phần trong nỗ lực của Chính phủ, các tướng lĩnh quân đội nhằm gạt ông và đảng của ông (Đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf - PTI) ra khỏi chính trường.

Chính phủ và quân đội phủ nhận điều này.

Tuần trước, NAB đã yêu cầu ông Khan có mặt tại văn phòng khu vực của NAB ở Rawalpindi, gần Islamabad, để điều tra về các cáo buộc hối lộ, nhưng ông đã từ chối.

Farrukh Habib, Người phát ngôn Đảng PTI, cho biết, ông Khan sẽ không tuân thủ vì "nhiều lý do" mà ông không đưa ra giải thích.

Tiếp đó, NAB đưa ra hạn chót cho ông Khan phải xuất hiện vào ngày 25/5, hoặc có thể bị bắt nếu không tuân thủ.

Những người ủng hộ ông Khan đã tổ chức các cuộc biểu tình kể từ đầu tháng 5. Làn sóng bạo lực những ngày qua làm sâu sắc thêm bất ổn chính trị ở quốc gia Nam Á 220 triệu dân.

Pakistan cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay, với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trì hoãn viện trợ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm