Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cuộc chiến chống Covid-19 của Zimbabwe bị "lung lay" bởi... tham nhũng

Hoài Phương

Thứ ba, 23/03/2021 - 16:41

(Thanh tra) - Cảnh sát chống tham nhũng của Zimbabwe đã thu hồi khoảng 40 thùng bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 trị giá hàng nghìn USD bị đánh cắp từ một bệnh viện công ở Bulawayo, thành phố lớn thứ hai đất nước.

Công nhân bốc dỡ một phần lô hàng 200.000 liều vắc xin ngừa Covid-19 Sinopharm từ Trung Quốc. Ảnh: AFP

Một khoản cứu trợ từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã được cất giấu trong một tòa nhà đối diện với Ngân hàng Trung ương ở Thủ đô Harare và được dành cho thị trường chợ đen.

Theo Hãng tin AFP, đây là hai trong số những vụ việc tham nhũng mới nhất có liên quan đến đại dịch một năm sau khi virus corona xuất hiện ở quốc gia châu Phi này.

Zimbabwe ghi nhận trường hợp Covid-19 đầu tiên vào ngày 20 tháng 3 năm ngoái và ba tháng rưỡi sau đó, Bộ trưởng Y tế bị sa thải vì tham nhũng.

Lãnh đạo này bị buộc tội trao hợp đồng trị giá hàng triệu USD một cách bất thường cho một công ty có trụ sở ở nước ngoài để cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), bộ dụng cụ xét nghiệm và thuốc điều trị.

Ngoài ra, ông ta còn bị cáo buộc cố gắng ép kho bạc thanh toán 15.000 bộ dụng cụ xét nghiệm virus corona được lưu trữ trong sân bay quốc tế của Harare. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, chỉ có 3.700 bộ dụng cụ được tìm thấy.

Với mức độ tham nhũng "dày đặc" trong bối cảnh đại dịch đã xảy ra tại Zimbabwe, khi nước này bắt đầu triển khai các mũi tiêm vắc xin Covid-19 vào tháng trước, các câu hỏi về quy trình mua sắm vắc xin lại tiếp tục được đặt ra.

Được biết, Chính phủ Zimbabwe đã dành 100 triệu USD cho chương trình vắc xin Covid-19 để tiêm chủng cho 10 triệu trong tổng số 14,5 triệu dân số của mình.

Hopewell Chin'ono, một nhà báo chống tham nhũng -  người đã báo cáo thông tin dẫn tới sự đi xuống của Bộ trưởng Y tế hồi năm ngoái - cho biết: "Những người mà tôi trò chuyện đã lo lắng về tham nhũng, nạn cướp bóc công quỹ".

Vào tháng 2 vừa qua, ngay sau khi được thả sau lần bị bắt thứ ba trong vòng 6 tháng - nhà báo điều tra Hopewell Chin'ono đã đăng tải một bài hát ngắn "Dem Loot" chỉ trích vấn nạn tham nhũng và nhanh chóng được lan truyền rộng rãi.

Giám đốc Cơ quan Kiểm soát bệnh dịch Zimbabwe, bác sĩ Portia Manangazira. Ảnh: WHO

Mới đây, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát bệnh dịch thuộc Bộ Y tế Zimbabwe, Portia Manangazira, đã bị bắt vì cáo buộc tuyển dụng 28 người thân, bao gồm cả bố của mình, làm nhân viên y tế cộng đồng trong một chương trình nâng cao nhận thức về virus có kinh phí gần 800.000 USD, do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (CDC Châu Phi) tài trợ.

Các công tố viên cho biết, riêng kế hoạch huấn luyện dành cho 800 nhân viên y tế cộng đồng đã giúp gia đình bà Portia Manangazira thu được 600 USD hàng tháng trong suốt 3 tháng.

Ngoài ra, Cơ quan Giám sát chống tham nhũng Zimbabwe cũng đang điều tra khoảng hơn một chục trường hợp liên quan đến các chương trình phản ứng với virus corona.

Người Ơhát ngôn của Ủy ban Chống tham nhũng Zimbabwe John Makamure cho biết: “Ít nhất 10 trường hợp ... (có liên quan đến) tham nhũng trong việc mua sắm PPE và các dụng cụ khác".

Ông Makamure cho biết, các cáo buộc bao gồm tội lạm dụng chức vụ, gian lận và trộm cắp. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ thông tin chi tiết về các trường hợp.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế Zimbabwe nói với AFP rằng, họ đã nhận được 1.400 đơn khiếu nại liên quan đến tham nhũng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giữ an ninh trật tự và cứu trợ nhân đạo trong đại dịch vào năm 2020.

Tại Zimbabwe ngày 23/3 ghi nhận 36.684 ca nhiễm và 1.514 ca tử vong vì Covid-19. Ảnh: Jekesai NJIKIZANA/ AFP

Trong khi đó, các nhân viên y tế phàn nàn về việc không đủ đồ bảo hộ, đổ lỗi cho nạn tham nhũng vì sự khan hiếm.

"Tình hình rất nghiêm trọng", Simbarashe Tafirenyika, lãnh đạo Công đoàn Y tá cho biết.

Theo số liệu thống kê lúc 11 giờ ngày 23/3 (giờ Việt Nam), tại Zimbabwe ghi nhận 36.684 ca nhiễm và 1.514 ca tử vong vì Covid-19.

Đỉnh điểm của làn sóng dịch bệnh thứ hai vào đầu năm nay cho thấy tình trạng tồi tệ của các bệnh viện công ở Zimbabwe vốn đã chịu cú giáng mạnh do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài 2 thập kỷ và tình hình lạm phát không thể kiểm soát.

Các bệnh viện công đã bão hòa vào tháng 1 năm nay và các bệnh viện tư nhân đã lợi dụng điều này thu phí cắt cổ của các gia đình rơi vào cảnh tuyệt vọng, với mức phí lên tới 2.500 USD mỗi tuần cho việc sử dụng máy thở.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm