Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vấn đề tôn giáo trong pháp luật quốc gia

Ngô Đồng

Thứ bảy, 18/06/2022 - 11:26

(Thanh tra) - Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo gồm các quyền tự do tư tưởng và tự do biểu đạt tôn giáo và tín ngưỡng, thể hiện sự gắn kết với tôn giáo hay tín ngưỡng dưới tư cách cá nhân hay tập thể. Tự do tư tưởng, tự do niềm tin, lương tâm cần được bảo vệ tương tự như với tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặc điểm cơ bản của những quyền tự do này là chúng không thể bị đình chỉ thực hiện, kể cả trong những tình trạng khẩn cấp của quốc gia.

Luật Nhân quyền quốc tế không cho phép áp đặt bất kỳ sự giới hạn nào đối với tự do tư tưởng, niềm tin tôn giáo và tự do lương tâm. Con người được tự do được tin hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng theo lựa chọn của các cá nhân. Những quyền tự do này được bảo vệ vô điều kiện, tương tự như với quyền được giữ ý kiến mà không bị can thiệp. Không ai có thể bị ép buộc phải tiết lộ những suy nghĩ của mình hoặc bị bắt buộc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào đó.

Tùy theo từng hoàn cảnh và yêu cầu cụ thể mà pháp luật quốc gia có thể hạn chế quyền tự do bày tỏ tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng với điều kiện phải được pháp luật quy định và chỉ khi cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc các quyền và tự do cơ bản của người khác.

Ở vị trí cao nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia, hiến pháp các nước thường bao gồm các điều khoản bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như quyền bình đẳng về tôn giáo, cấm các cơ quan nhà nước và các chủ thể khác can thiệp vào tôn giáo hoặc phân biệt đối xử giữa các tín ngưỡng, tôn giáo.

Trước hết, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ghi nhận trong hiến pháp của phần lớn quốc gia. Chẳng hạn, Điều 20 Hiến pháp Nhật Bản (1946), Điều 20 Hiến pháp Hàn Quốc (1987), Điều 5 Hiến pháp Philippin (1987), Điều 36 Hiến pháp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1982), Điều 24 Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ (1982), Điều 4 Luật Cơ bản (Hiến pháp) Đức (1949), Điều 53 Hiến pháp Ba Lan (1997), Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ (1789), Điều 15 Hiến pháp Nam Phi (1996)...

Ngoài quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hầu hết các quốc gia đều quy định quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo, bên cạnh các căn cứ khác về giới tính, tuổi tác, chủng tộc, ngôn ngữ, tài sản, quan điểm chính trị...

Một số quốc gia không trực tiếp nhắc đến tôn giáo, tự do tôn giáo trong Hiến pháp, nhưng bao gồm các quy định về quyền bình đẳng trước pháp luật, cấm phân biệt đối xử dựa trên cơ sở tôn giáo.

Chẳng hạn, Điều 1 Hiến pháp Pháp (1958) quy định: “Pháp là một nước cộng hòa thống nhất, thế tục, dân chủ và xã hội. Mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nguồn gốc xuất thân, sắc tộc, tôn giáo. Mọi tín ngưỡng đều được tôn trọng”.

Điều 15 Hiến chương Nhân quyền và Tự do của Canada (1982) cũng quy định: “Mọi cá nhân đều bình đẳng trước luật pháp... không bị phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, nguồn gốc quốc gia hay sắc tộc, tôn giáo, giới tuổi hoặc sự khuyết tật về tinh thần hoặc thể chất”…

Một số quốc gia cho phép có sự ưu tiên đối với một số tôn giáo nhất định, thường là thông qua việc xác lập một hoặc một số tôn giáo chính thống quốc gia (quốc giáo) trong Hiến pháp. Chẳng hạn, Hiến pháp Phần Lan (1999) coi Hội thánh Chính thống giáo Phần Lan và Hội thánh Phúc âm Luther Phần Lan là hai tôn giáo chính thống quốc gia, trong khi vẫn quy định bảo đảm quyền tự do tôn giáo tại Điều 11.

Hiến pháp nhiều quốc gia Đông Nam Á, bên cạnh cam kết bảo đảm tự do và bình đẳng tôn giáo, còn trực tiếp hoặc gián tiếp ghi nhận tôn giáo chính thức. Một số hiến pháp có quy định rõ ràng về quốc giáo, ví dụ trường hợp của Campuchia, Myanma, Malaysia.

Hiến pháp Vương quốc Campuchia (1993) tại Điều 43 quy định: “Phật giáo là tôn giáo của quốc gia”.

Trong Hiến pháp Thái Lan (2017), vị trí của Phật giáo dù không phải độc tôn nhưng cũng tương đối nổi trội vì Điều 7 xác định: “Nhà vua là một Phật tử và là người bảo vệ các tôn giáo”.

Ngược lại, nhiều quốc gia không thừa nhận tôn giáo nào là quốc giáo. Chẳng hạn, Hiến pháp Hàn Quốc (1987) quy định: “Không thừa nhận tôn giáo nào là quốc giáo, nhà thờ và nhà nước là tách biệt” (khoản 2, Điều 20).

Việc ghi nhận tự do tôn giáo trong hiến pháp dù quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu. Quyền này có được thực thi trong thực tế hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của cơ chế bảo hiến, tòa án hiến pháp và nhiều thể chế khác. Trên thế giới hiện có hai mô hình bảo hiến chính là mô hình tập trung (tòa án hiến pháp, như tại Đức, Thái Lan...) và mô hình phân tán (trao quyền phán quyết về tính hợp hiến cho mọi tòa án, như tại Hoa Kỳ, Nhật Bản...). Án lệ của các tòa án, đặc biệt là tòa án hiến pháp và tòa án tối cao, cũng là một nguồn luật quan trọng, góp phần bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bên cạnh các quyền con người khác.

Một số quốc gia có đạo luật (như Luật Pháp nhân tôn giáo của Nhật Bản, Luật về thế tục và các biểu tượng tôn giáo của Pháp...), hoặc văn bản dưới luật, quy định riêng về tôn giáo. Các nước khác điều chỉnh lĩnh vực tôn giáo bằng nhiều luật khác nhau như Luật Dân sự, Luật về tự do hiệp hội, Luật Bình đẳng, Luật Hôn nhân gia đình...

Bên cạnh đó, ở nhiều nước, vai trò của các tòa án thông qua các phán quyết của mình cũng tạo nên một nguồn luật quan trọng liên quan đến lĩnh vực tôn giáo và tự do tôn giáo.

Trường hợp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không có một đạo luật riêng về tôn giáo. Thay vào đó, Hội đồng Nhà nước (Chính phủ) đã ban hành Quy định về lĩnh vực tôn giáo (2004), gần đây được thay thế bằng Quy định về lĩnh vực tôn giáo (có hiệu lực từ năm 2018).

Ngoài ra, người nước ngoài ở Trung Quốc còn bị điều chỉnh riêng bởi một số văn bản như: Các quy tắc về hoạt động tôn giáo của người nước ngoài tại Trung Quốc (1994) và Các hướng dẫn thi hành (2000).

Trường hợp Việt Nam thì Quốc hội thông qua một luật riêng điều chỉnh các lĩnh vực hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo vào năm 2016.

Một số quốc gia, như nước Đức, quan niệm rằng chỉ cần bảo vệ tự do tín ngưỡng, tôn giáo bằng hiến pháp là đủ. Họ nghi ngại việc cho phép Quốc hội ban hành luật về vấn đề này sẽ hàm chứa nhiều nguy cơ đe dọa đối với tự do tôn giáo.

Tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những vấn đế được Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam gần đây rất coi trọng. Hàng loạt văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là từ sau Đại hội VII năm 1991 cho đến nay đểu đã khẳng định quan điểm “tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân”.

Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang nỗ lực từng bước để hoàn thiện chủ trương, đường lối về tín ngưỡng, tôn giáo cho phù hợp với tình hình chung và ngày càng đáp ứng được cao nhất quyền tự do dân chủ của công dân. Hiến pháp năm 1992 ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo rõ ràng và toàn diện hơn tại Điều 70: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.

Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện, nhằm đáp ứng và phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, ngày 28/11/2013, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014.

Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định Nhà nước thừa nhận, tôn trọng và cam kết bảo đảm, bảo vệ quyền con người đúng như những công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp năm 2013 được mở rộng hơn, toàn diện và sâu sắc hơn theo hướng ngày càng dân chủ, tôn trọng, tạo điểu kiện tốt nhất cho cá nhân, tổ chức tôn giáo thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình một cách công bằng và bình đẳng nhất.

Hiến pháp năm 2013 là cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người bảo vệ và thực hiện tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình. Vấn đề tôn giáo và quyền con người trong Hiến pháp 2013 đã được cụ thể hóa bằng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ban hành năm 2016 có hiệu lực từ 2018.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm