Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mấy đặc điểm chú ý trong công tác quản lý về hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam

TS Ngô Quốc Đông, Viện Nghiên cứu Tôn giáo

Thứ năm, 09/06/2022 - 09:29

(Thanh tra)- Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, từ năm 1980 đến nay, hiện tượng tôn giáo mới ở nước ta đã có hơn 60 tên gọi khác nhau như: Long hoa Di Lặc, Cô Non, Bà Điền, Cửa thiên đình, Chân không, Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Phật trời vua cha hoàng...

Một buổi truyền đạo trái phép của tổ chức “Hội thánh của Đức Chúa Trời”. Ảnh: Internet

Ngoài ra còn phải kể đến các loại, như: Chân tu tâm kính, Tiên Phật nhất giáo, Trung thiên vận hội, Phật mẫu địa cầu, Vô đạo Phật tổ Như Lai, Nghiệp chướng, Phật nhất giáo, Phật thiện, Đoàn mười tám Phú Thọ, Quốc tổ Lạc Hồng, Lạc Hồng Âu Cơ, Khổng Minh thánh hội, Cội nguồn, Bà Cô Rợ, Hà Mòn, Canh Tân Gặc Sủng, Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ...

Các hình thức đạo lạ, đạo mới ở nước ngoài vào Việt Nam, ngoài Thanh Hải vô thượng sư, Pháp luân công, Nhất quán đạo, còn có Tam tổ Thánh hiền từ Đài Loan đến; Ômôtô giáo, Soka Gakkai từ Nhật Bản sang; Vô vi từ Pháp qua; Baha’i từ Ấn Độ tới...

Hiện nay có nhiều cách gọi về hiện tương tôn giáo mới này. Ngoài tên gọi “tôn giáo mới”  hay “hiện tương tôn giáo mới” có tính chất trung tinh để chỉ về việc xuất hiện những nhóm tôn giáo mới phát sinh chưa được công nhận thì nhiều địa phương chức năng còn gọi là “đạo lạ”, “đạo mới”. Nếu “đạo lạ”, “đạo mới” có những hoạt động ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội và thuần phong mỹ tục thì còn được gọi là “tà giáo”, “tà đạo.”

Như vậy hiện tượng tôn giáo mới trong xã hội ngày nay rất nhiều, với nhiều tên gọi khác nhau. Có thể cùng một tôn giáo nhưng mỗi nơi được gọi một cách khác. Có thể đó là một cách thức để tránh sự quản lý của Nhà nước hoặc có thể người ta không hiểu bản chất nên có thể hai hoặc ba tên gọi nhưng thực chất vẫn chỉ là một tôn giáo mới. Cũng có nhiều tôn giáo mới chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng không có ảnh hưởng, không tập hợp được người theo nên tự tan rã.

Hiện tượng tôn giáo mới đã tạo ra không ít khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về hoạt động tôn giáo. Tuy nhiên hiện chưa có chế tài cụ thể cho những trường hợp này.

Qua hiện tượng tôn giáo mới có thể rút ra một số điểm cần chú ý liên quan đến chính sách tín ngưỡng, tôn giáo và đời sống xã hội ở Việt Nam như sau:

Số lượng tôn giáo mới ở Việt Nam thời gian gần đây xuất hiện nhiều hơn trước rất nhiều. Nếu những năm 1980 có 10 hiện tượng tôn giáo mới, năm 1997 là 32 loại ở 30 tỉnh, thành phố, năm 2001 tăng lên 40 loại, năm 2013 là hơn 50 loại với khoảng gần 100 ngàn người tin theo.

Tôn giáo mới phát triển nhanh là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc niềm tin của một bộ phận quần chúng bị suy giảm với các tôn giáo đương thời. Có việc thực trạng xã hội xảy ra nhiều tiêu cực, tệ nạn chưa được khắc phục, có việc thay đổi trong đời sống trong quá trình công nghiệp hóa và sự rủi ro của cơ chế kinh tế thị trường cùng với những điều bất hạnh trong cuộc sống. Sự phát triển nhanh của tôn giáo mới còn do việc Việt Nam mở của và hội nhập với thế giới...

Cần nói thêm nguyên nhân do sự tác động của chính sách đổi mới với tôn giáo, trong đó có việc công nhận tổ chức tôn giáo.

Tôn giáo mới xuất hiện ở các tỉnh, thành phía Bắc nhiều hơn các tỉnh, thành phía Nam. Điều này thể hiện cơ tầng văn hóa ở miền Bắc, tâm lý cư dân ở phía Bẳc có nhiều yếu tố khác với các tỉnh, thành phía Nam để xuất hiện và nuôi dưỡng đạo lạ và đạo mới. Các tỉnh, thành phía Bắc, nhất là Hà Nội là đầu mối giao lưu với các địa phương và quốc tế nên tạo cơ hội để tôn giáo mới thâm nhập.

Trong số tôn giáo mới thì đạo có nguồn gốc từ Phật giáo và tín ngưỡng dân gian chiếm nhiều nhất, khoảng hơn 60%. Cũng có số tôn giáo gắn với Kitô giáo vào khoảng gần 10%, trong đó có Canh Tân Đặc Sủng, Hà Mòn, Dương Văn Mình là điển hình. Số tôn giáo mới từ nước ngoài truyền vào khoảng trên 10%. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua đã xuất hiện các nhóm tôn giáo liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, và gần đây là các hiện tượng thờ cúng liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đa số người lập ra các tôn giáo mới là phụ nữ (chiếm 70%), thường trải qua những biến cố của cuộc sống, có thần kinh không bình thường và mang yếu tố “cứu thế”. Việc lập đạo thường gắn với chữa bệnh bằng tâm linh, mang yếu tổ mê tín dị đoan.

Người theo tôn giáo mới cũng phong phú, gồm nhiều lứa tuổi, thành phần, nghề nghiệp. Tất nhiên, mỗi đối tượng đến với từng loại tôn giáo mới khác nhau.

Các hình thức tôn giáo mới đều thuộc lĩnh vực tâm linh, là những hình thức tiền tôn giáo hoặc nửa tôn giáo. Ở những mức độ khác nhau các tôn giáo mới đều có mối quan hệ với tôn giáo, tín ngưỡng truyền thổng. Người theo tôn giáo mới vẫn chưa dứt bỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng mà họ đã theo.

Các tôn giáo mới khi xuất hiện thường gây ồn ào, nhưng phần lớn các hình thức mới, lạ chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định, hoặc tự tan rã, hoặc rơi vào quên lãng vì ít người tin theo. Điều này khác với hiện tượng đạo mới, đạo lạ xuất hiện ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phát triển thành tôn giáo có tổ chức và ổn định, sau được chính quyền công nhận như: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo...

Sự xuất hiện gia tăng tôn  giáo mới đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều mặt của đời sống xã hội, chủ yếu là những ảnh hưởng tiêu cực. Tiêu cực về văn hóa vì những lý thuyết và hoạt động khác xa với văn hóa truyền thống. Tiêu cực về sức khỏe vì những hoạt động chữa bệnh bằng những hành vi mê tín dị đoan. Tiêu cực về kinh tế vì gây tốn kém về thời gian và tiền bạc của người dân. Tiêu cực về xã hội vì những hoạt động ảnh hưởng đến trật tự công cộng... Đo đó, một số tôn giáo mới được xem như là tà giáo, dị giáo. Một số tôn giáo mới có những hoạt động chứa đựng nội dung chính trị, tuyên truyền chống chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản và và Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, ở một số trường hợp tôn giáo mới cũng đưa đến những tác động tích cực nhất định đối với xã hội, như việc tôn vinh những người có công với cộng đồng, dân tộc, thể hiện đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, việc tham gia các hoạt động từ thiện xã hội...

Hiện tượng tôn giáo mới là một trong những nét tiêu biểu của tình hình tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới và toàn cầu hóa. Giải quyết vấn đề hiện tượng tôn giáo mới cần bình tĩnh, nhận diện đầy đủ, tránh nóng vội, có thể gây điểm nóng lôi kéo dư luận quốc tế trong điều kiện toàn cầu hóa.

Hiện nay hiện tượng tôn giáo mới chưa có quy định cụ thể trong văn bản luật, song với tinh thần chung là đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng nhân dân, các cán bộ làm công tác quản lý tôn giáo ở một số địa phương đã chấp thuận đơn xin phép hoạt động, sinh hoạt của một số nhóm, hội thuộc tôn giáo mới trên địa bàn dân cư.

Chẳng hạn, theo thống kê tổng hợp số liệu các điểm nhóm của Hội Nhân chứng Jehovah ở Việt Nam tính đến năm 2013 cho thấy có 46 điểm nhóm ở nhiều tỉnh thành được cấp giấy phép sinh hoạt tôn giáo. Hay như Nhất Quán Đạo vẫn tồn tại và sinh hoạt nhiều năm qua ở một số  địa phương. Tuy nhiên với một số nhóm có tính chất mê tín hay có những hoạt động tiêu cực làm ảnh hưởng đến nhiều gia đình và trật tự xã hội thì chính quyền cũng sẽ xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến ảnh hưởng do hoạt động của những nhóm này gây ra.

Ngoài ra biện pháp chủ yếu vẫn là khuyên nhủ người tin theo nên trở về với tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống trước đó của họ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

100.527 cuộc kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam trong năm 2024

100.527 cuộc kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam trong năm 2024

(Thanh tra) - Theo báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát của Công đoàn các cấp năm 2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, ngay từ đầu năm, Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham mưu Đoàn Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn ban hành các kế hoạch về việc phân công các đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, công tác quản lý, sử dụng tài chính tài sản đối với các cấp Công đoàn.

Nguyễn Điểm

16:11 03/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm