Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Việt Nam vô địch”

Thứ bảy, 27/01/2018 - 13:19

Đó là nỗi ám ảnh của nhiều thế hệ yêu bóng đá Việt Nam. Tôi bước chân vào nghề, đến nay đã tròn 20 năm và với chừng hơn 10 năm chuyên viết bình luận thể thao, tôi đã đi qua nhiều trận chung kết của bóng đá Việt, từ Tiger Cup, AFF Cup đến SEA Games.

Tôi nhớ đến Tiger Cup 1998. Khoan đã. Những gì đáng nhớ nhất không phải là trận chung kết với cái lưng lừng lững của Sasi Kumar tung lưới Tiến Anh mà là cú ra chân của Việt Hoàng, là bàn thắng của Sỹ Hùng, là bàn thắng của Hồng Sơn ở bán kết. Cả nước xuống đường, rừng rực cờ hoa. Hà Nội bỗng bé như cái chảo. “Việt Nam vô địch”, “Việt Nam vô địch”.

Nhưng bóng đá Việt Nam không vô địch giải đấu đó. Tôi nhớ như in những khuôn mặt còn nhòe nhoẹt màu đỏ quốc kỳ rời sân Hàng Đẫy, những băngrôn hờ hững trên vai và ngay cả dải băng còn in đậm mấy chữ “Việt Nam vô địch” lúc này đã xô lệch trên đầu không ai buồn chỉnh.

Và những trận chung kết khác. Tôi nhớ những người nông dân vượt hàng trăm cây số, trắng đêm xếp hàng mua bằng được tấm vé vào sân Mỹ Đình hoặc phải bỏ ra khoản tiền bằng nửa tháng lương để đến với những trận chung kết SEA Games năm 2003. Và chúng ta cũng không phải là nhà vô địch.

Khát khao chiến thắng dường như có sẵn trong huyết quản, trong “gene” của mỗi người Việt. Nhưng phải tới 2008, khát khao ấy được giải tỏa một phần khi đội quân của Calisto đoạt AFF Cup trên sân Mỹ Đình.

10 năm, sau chiến thắng ở Mỹ Đình, bóng đá Việt rơi vào một cuộc khủng hoảng. Thành công và may mắn cứ lẩn tránh chúng ta. Tại sao và tại ai? Đã có quá nhiều phân tích. Nhưng cái mất là tình cảm của người yêu bóng đá cứ phai nhạt dần, đối với một số người là mất hẳn.

Dù vậy cơn khát chiến thắng thường trực, chờ đợi bùng nổ ngay cả khi đội tuyển đó chỉ là U.19, U.20 thậm chí chỉ là đội bóng trẻ của HAGL khi thi đấu cũng sẵn sàng được hô vang “Việt Nam vô địch”.

Và bây giờ, khi đội tuyển U23 Việt Nam qua vòng bảng, qua vòng tứ kết, bán kết và hiên ngang vào chung kết thì hàng triệu người lại cùng hô vang “Việt Nam vô địch”. Một thông điệp rõ ràng về lòng người.

Bóng đá bỗng nhiên trở thành một hiện tượng xã hội. Nhưng câu hỏi là liệu trong số hàng triệu người từng xuống đường, vẫy cờ ăn mừng có bao nhiêu người yêu bóng đá thật sự? Bao nhiêu người chỉ cách đây mấy ngày còn không biết nổi tên một cầu thủ? Bao nhiêu người chỉ là fan “phong trào”? Bao nhiêu người chỉ vài tháng trước chỉ trích với những ngôn ngữ gay gắt nhất đối với đội U23 khi bại trận ở SEA Games?

Huyền thoại của Liverpool, Bill Shankly đã từng nói thế nào nhỉ? “Nếu bạn không thể ủng hộ chúng tôi khi chúng tôi hòa hoặc thua, đừng ủng hộ chúng tôi khi chúng tôi chiến thắng”. Ý ông là: Hãy ở bên đội bóng lúc họ thất bại bởi đó là lúc họ cần các bạn nhất. Đừng yêu thích một đội bóng nào bởi lý do “đó là đội chiến thắng” bởi không có đội bóng nào thắng mãi cả.

Nhưng Bill Shankly cũng nói rằng: “Nếu vô địch - bạn sẽ là nhất. Nhưng nếu bạn chỉ về nhì, bạn chẳng là gì cả”.

Bạn tôi, nhà báo Trung Sơn viết mấy dòng trên facebook cá nhân thế này:

“Nếu chúng ta thất bại...

Thì cái không khí tưng bừng mấy hôm nay cũng đừng vụt biến như những lần hụt hẫng trước nhé.

Thì những người tung hô mấy hôm nay cũng đừng đổi giọng nhanh như chớp nhé, đừng phân tích tại sao thua, lỗi của ai nhé.

Mọi thứ đã quá hoàn hảo rồi. Và tất cả hãy cứ để thứ bảy này là ngày hội, bất kể thắng thua. Sau trận đấu, hãy cứ nhuộm đỏ khắp mọi nơi. Hãy cứ hô vang “Việt Nam” đầy tự hào.

Còn nếu chúng ta chiến thắng...

Ôi tôi không biết cái gì sẽ xảy ra nữa đâu…”.

Dòng cảm xúc này được hàng chục nghìn like, hàng chục nghìn share.

Thắng, thì tất nhiên là không còn gì để nói, đơn giản là cứ vui thôi. Nhưng nếu nhân danh tình yêu bóng đá dễ dãi bao nhiêu thì người ta càng dễ dàng chỉ trích khi đội nhà bại trận bấy nhiêu.

“Việt Nam vô địch” là câu nói chúng ta nghe nhiều trong lúc này. Có vẻ như câu nói ấy không chỉ là khát khao, mà còn là mệnh lệnh, một thứ mệnh lệnh của trái tim gửi đến các cầu thủ.

Bóng đá đang làm rất tốt cái việc là dần xóa bỏ mặc cảm tự ti của bóng đá và thể thao khi tiến ra những sân chơi lớn. Trên thực tế, thì không chỉ có bóng đá, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, kình ngư Ánh Viên… cũng đã phần nào làm được việc này nhưng sức lan tỏa rõ ràng không như bóng đá. Vì thế, bóng đá đang trở thành nguồn cảm hứng cho các lĩnh vực khác vươn xa hơn.

 

Nhưng bản chất bóng đá chỉ là một trò chơi đầy cảm xúc. Còn nhiều, rất nhiều những “trận đấu” khác, ở những lĩnh vực khác. Đó là “cuộc đua” về xuất khẩu, cuộc đua trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu, cuộc đua trong việc cải thiện năng suất lao động, tiền lương (m

à Việt Nam đang ở vị thế bét bảng)…

Và không ít người muốn có được cái cảm xúc, cái không khí tự hào hô vang hai tiếng “Việt Nam” khi có bộ phim chiến thắng ở giải Oscar, khi đoàn học sinh Việt Nam thắng vang dội ở những cuộc thi Olympic khoa học, khi thành tựu y khoa của Việt Nam được vinh danh trên thế giới…

Ngay trước trận chung kết chiều nay, nhìn từ chặng đường thăng hoa của các cầu thủ và dòng người hân hoan trên các đường phố từ Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM tôi đã nhìn thấy rất, rất nhiều Người Việt yêu nước. Đó sẽ là điều kiện cơ bản nhất để chúng ta chiến thắng, bất kể kết quả chiều nay thế nào.

Bởi “U23 Việt Nam đã vô địch” trong trái tim mỗi người yêu bóng đá, yêu đất nước Việt Nam.

Theo Song An/LĐO

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thị xã Cửa Lò và 4 xã thuộc huyện Nghi Xuân chính thức sáp nhập vào Thành phố Vinh

Thị xã Cửa Lò và 4 xã thuộc huyện Nghi Xuân chính thức sáp nhập vào Thành phố Vinh

(Thanh tra) - Hôm nay, ngày 1/12/2024, Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025 có hiệu lực, trong đó nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị xã Cửa Lò và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 4 xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong, huyện Nghi Lộc vào thành phố Vinh.

Văn Thanh

11:05 01/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm