Vướng mắc ở mỏ vàng sa khoáng Bản Nghiểng - Vằng Ma

Kết luận thanh tra số 856 về việc thực hiện pháp luật BVMT trong khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, giai đoạn 2011-2017, đã chỉ ra nhiều tồn tại trên từng địa bàn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn, đối với việc khắc phục tồn tại về phí BVMT trong khai thác khoáng sản, Thanh tra Chính phủ kiến nghị “Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Bắc Kạn xem xét, kiến nghị xử lý về vụ việc nợ phí BVMT của Công ty Cổ phần thương mại và khoáng sản Nguyên Phát tại tỉnh Bắc Kạn, đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật và thực tế khai thác tại địa phương, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Về nội dung này, từ năm 2017 đến nay, việc nợ phí BVMT của Công ty Cổ phần thương mại và khoáng sản Nguyên Phát đối với mỏ vàng sa khoáng Bản Nghiểng - Vằng Ma, số tiền là 32.644 triệu đồng, đã được UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh nhiều lần làm việc với Công ty Cổ phần thương mại và khoáng sản Nguyên Phát.

Tuy nhiên, đây là câu chuyện do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Lúc lập hồ sơ dự án để xin cấp phép khai thác, phí BVMT được tính theo Nghị định 63/2008/NĐ-CP ngày 16/5/2008 của Chính phủ, với mức 10.000 đồng/tấn quặng nguyên khai. Khi dự án đi vào khai thác, Nghị định 74/2011/NĐ-CP ngày 25/8/2011 của Chính phủ thay thế Nghị định 63/2008/NĐ-CP, mức phí tăng lên thành 180.000 đồng/tấn quặng nguyên khai, nên chưa có hướng giải quyết dứt điểm.

Từ nội dung trên, để giải quyết vụ việc trên theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có Văn bản số 5615 ngày 21/9/2020, đề nghị Bộ Tài chính chủ trì họp để xem xét, kiến nghị xử lý. UBND tỉnh sẽ báo cáo sau khi có kết quả này.

Về kết luận “tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản; nâng cao trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch, bản cam kết BVMT, dự án cải tạo, phục hồi môi trường, việc kiểm tra cấp giấy chứng nhận hoàn thành công trình BVMT, đảm bảo đủ nội dung, trình tự theo quy định và có tính khả thi thực hiện trên thực tế, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm tra có hiệu lực pháp luật”,  UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện, bao gồm: Văn bản số 3276 ngày 11/6/2020 về việc chuyển Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ cho Sở Tài nguyên và Môi trường; Văn bản số 3628 ngày 29/6/2020 về việc thực hiện Văn bản số 5047 ngày 23/6/2020 của Văn phòng Chính phủ; Văn bản số 5322 ngày 8/9/2020 về việc khắc phục tồn tại theo Kết luận số 856/KL-TTCP ngày 4/6/2020.

Đồng thời, UBND tỉnh tổ chức hội nghị về môi trường trên địa bàn tỉnh (ngày 24/7/2020) và ban hành Thông báo kết luận số 244/TB-UBND ngày 24/7/2020 của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó có chỉ đạo việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác BVMT trong khai thác khoáng sản.

Qua kết quả thực hiện, báo cáo của cơ quan chuyên môn, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh, công tác tham mưu, tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; công tác kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT đã được thực hiện đầy đủ theo quy định; công tác kiểm tra, rà soát các dự án khai thác khoáng sản phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện thường xuyên, không có cơ sở nào khi đi vào hoạt động mà chưa có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt; Khi kết thúc khai thác, các dự án đều thực hiện đầy đủ việc phục hồi môi trường theo đề án được duyệt. Bên cạnh đó, các dự án trước khi đi vào hoạt động đều tuân thủ việc nộp tiền ký quỹ phục hồi môi trường đúng thời gian quy định.

leftcenterrightdel
Bắc Kạn cần sớm chấn chỉnh những vi phạm, tồn tại trong khai thác khoáng sản. Ảnh: Đan Quế 

 

Không xử lý vi phạm hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Về yêu cầu xử lý theo quy định đối với dự án vi phạm pháp luật về BVMT; Trường hợp cần thiết tạm dừng việc khai thác của doanh nghiệp để khắc phục triệt để sai phạm theo quy định. 6 dự án gồm 6 mỏ đá vôi đã được Thanh tra Chính phủ thanh tra vào năm 2018, gồm: Mỏ đá Khưa Trạng, xã Lam Sơn, huyện Na Rì, của Công ty TNHH Bình Thanh; Mỏ đá vôi Khau Trạt,  xã Bình Văn, huyện Chợ Mới của HTX Thắng Lợi; Mỏ đá vôi Lũng Mò, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn của Doanh nghiệp tư nhân Đồng Sơn; Mỏ đá vôi Kẹm Trình, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn của Công ty TNHH Hải Nam; Mỏ đá vôi Lủng Điếc, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể của Doanh nghiệp tư nhân Việt Anh; Mỏ đá vôi trắng Nà Hai, huyện Ba Bể của Công ty TNHH Tuấn Ngân.

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, có 4 mỏ thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án BVMT chi tiết do cấp tỉnh phê duyệt, còn 2 mỏ thuộc đối tượng lập cam kết BVMT do cấp huyện xác nhận. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 1621 ngày 5/8/2020, yêu cầu 6 dự án khai thác đá vôi nói trên khắc phục các tồn tại đã được Thanh tra Chính phủ kết luận. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra tại 6 dự án. Cả 6 dự án đã khắc phục các tồn tại, trong thời gian qua thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, nên đề nghị không xem xét xử lý vi phạm hành chính.

Trước khi chưa có Kết luận số 856, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 2 trong 6 dự án vì hành vi không thực hiện đầy đủ cam kết BVMT, gồm dự án mỏ đá vôi Kẹm Trình của Công ty TNHH Hải Nam và mỏ đá vôi Khau Trạt của HTX Thắng Lợi. Các đơn vị đã chấp hành và khắc phục đầy đủ các hành vi vi phạm.

Về nội dung chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý, kiến nghị xử lý theo quy định đối với các dự án đã được cấp phép nhiều năm nhưng không khai thác, các dự án dừng khai thác nhưng không có văn bản xin tạm dừng, theo UBND tỉnh Bắc Kạn, qua rà soát, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 giấy phép khai thác đã được cấp phép nhiều năm nhưng không khai thác, dừng khai thác.

Đó là mỏ đá vôi trắng Nà Hai, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể của Công ty TNHH Tuấn Ngân, được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác số 1675 ngày 22/10/2007, thời hạn khai thác 30 năm, đã dừng hoạt động khai thác từ đầu năm 2016 đến nay. Mỏ chì kẽm Nà Lẹng - Nà Cà, xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông của Công ty TNHH khai khoáng Bắc Kạn, được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác số 2199 ngày 7/10/2014, thời hạn 14,6 năm (trong đó 1 năm xây dựng cơ bản), đã dừng hoạt động từ tháng 6/2018 đến nay.

Ngày 5/6/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 1090 đề nghị Công ty TNHH Tuấn Ngân báo cáo các nội dung liên quan đến khôi phục hoạt động khai thác của mỏ, gửi Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20/6/2020. Trường hợp hoạt động của mỏ không đảm bảo hiệu quả kinh tế, đề nghị Công ty TNHH Tuấn Ngân báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để trả lại giấy phép khai thác đã được cấp. Ngày 11/9/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có Văn bản đôn đốc số 1941/STNMT-KS, đến nay, Công ty TNHH Tuấn Ngân có Báo cáo số 039 ngày 14/9/2020, dự kiến sẽ khôi phục hoạt động sản xuất của mỏ đá vôi trắng Nà Hai từ quý II/2021. Công ty TNHH khai khoáng Bắc Kạn có Báo cáo số 47 ngày 16/9/2020 báo cáo tình hình hoạt động, kế hoạch hoạt động sản xuất mỏ chì kẽm Nà Cà - Nà Lẹng, do khó khăn trong sản xuất và ảnh hưởng dịch COVID-19, nên đơn vị chưa thể thực hiện được theo kế hoạch.

Trên cơ sở báo cáo của các doanh nghiệp, căn cứ tình hình thực tế của các đơn vị, do 2 mỏ này dừng hoạt động đã lâu, UBND tỉnh sẽ có báo cáo cụ thể và đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kiểm tra tình hình hoạt động đối với mỏ đá vôi trắng Nà Hai và mỏ chì kẽm Nà Lẹng - Nà Cà. Trường hợp các doanh nghiệp không khôi phục lại hoạt động sản xuất hoặc sản xuất không hiệu quả, thì thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp theo thẩm quyền.

Nội dung “tồn tại của cơ quan tài chính (cấp huyện, xã) của tỉnh không theo dõi, quản lý được nguồn thu các khoản đóng góp, ủng hộ của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản là chưa làm hết trách nhiệm”, UBND tỉnh giao Sở Tài chính có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan tài chính cấp huyện, xã thực hiện. Đến nay, Sở Tài chính đã có Văn bản số 1412 ngày 10/9/2020 hướng dẫn cơ quan tài chính cấp huyện, xã.

Về nội dung “tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân qua các thời kỳ để xảy ra tồn tại, khuyết điểm, sai phạm nêu trong Kết luận thanh tra số 856 ngày 4/6/2020”, theo UBND tỉnh Bắc Kạn, trong thời kỳ được thanh tra, đối tượng thanh tra là các doanh nghiệp khai thác đá vôi, do không bán được sản phẩm nên dừng hoạt động, nên việc thực hiện công tác BVMT không đầy đủ, các sai phạm này thuộc về doanh nghiệp. UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị môi trường ngày 22/7/2020, trong đó giao cho ngành chức năng xây dựng kế hoạch khắc phục tồn tại. Các ngành chức năng đã xử lý theo thẩm quyền đối với các tồn tại, sai phạm của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã khắc phục được đầy đủ các tồn tại, do vậy, UBND tỉnh Bắc Kạn không xem xét kiểm điểm.

Đan Quế