Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TTCP đã quan tâm sâu sát đến công tác thi đua, khen thưởng. Các văn bản chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành và tình hình thực tế. Cấp uỷ, lãnh đạo thanh tra các cấp, các ngành đã nhận thức rõ hơn ý nghĩa của công tác thi đua, từ đó đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và triển khai sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của TTCP về công tác thi đua, khen thưởng.

Các phong trào thi đua có sức lan toả sâu rộng và hiệu quả, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong những năm trước đây, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Cơ quan TTCP và toàn ngành Thanh tra. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về thi đua, khen thưởng được tăng cường.

Hội đồng Thi đua khen thưởng ngành Thanh tra đã làm tốt vai trò tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TTCP trong công tác thi đua, khen thưởng; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, bám sát các cụm, khối thi đua; khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích, đảm bảo khen thưởng khách quan, công bằng, kịp thời; sâu sát trong việc hướng dẫn, kiểm tra công tác thi đua; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra trong việc đăng tải gương người tốt, việc tốt; chú trọng đến bồi dưỡng các cá nhân là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua.

Các cụm, khối thi đua trong ngành Thanh tra đã bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của TTCP, yêu cầu nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương để tổ chức lễ ký kết giao ước thi đua, phát động các phong trào thi đua, sơ kết, kiểm tra chéo, chấm điểm thi đua, tổng kết và bình xét khen thưởng theo đúng hướng dẫn của TTCP đảm bảo kịp thời, chặt chẽ.

Các tổ chức thanh tra Nhà nước các cấp, các ngành; các cục, vụ, đơn vị thuộc TTCP; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành đã tích cực học tập, phấn đấu, có nhiều sáng kiến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục như việc triển khai các hoạt động thi đua và các phong trào thi đua của một số cụm, khối thi đua còn chậm so với quy định. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo có lúc, có nơi chưa kịp thời, đầy đủ; thời gian xét khen thưởng còn kéo dài nên cũng hạn chế tác dụng của việc khen thưởng.

Nội dung tiêu chí thi đua ở một số đơn vị chưa được cụ thể hóa sát với nhiệm vụ của đơn vị. Cá biệt, công tác thi đua ở một số đơn vị còn mang tính hình thức. Công tác kiểm tra, đôn đốc, công tác sơ kết, tổng kết của một số cụm, khối còn thực hiện chậm so với thời gian quy định.

Công tác xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến ở các đơn vị còn hạn chế. Việc khen thưởng cho các đối tượng là người không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở đơn vị đã được quan tâm song chưa nhiều.

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”; tiếp tục hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu...

Chấn chỉnh hoạt động thi đua, khen thưởng theo đúng nội dung yêu cầu tại Văn bản số 1998/TTCP-TCCB ngày 11/11/2022 của TTCP gửi thanh tra các bộ, cơ quan ngang bộ; thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cục, vụ, đơn vị thuộc TTCP.

Nội dung phong trào thi đua tập trung vào hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong các nhiệm vụ của ngành. Trong công tác thanh tra, căn cứ vào định hướng chương trình thanh tra được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn của TTCP, TTCP khẩn trương xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023; công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo tập trung tham mưu giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85% và tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật đạt tỷ lệ trên 90%; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục thực hiện có hiệu quả hợp tác quốc tế, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học và công tác thông tin tuyên truyền; thực hiện tốt các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể trong thực hiện các phong trào thi đua của từng cơ quan, đơn vị và trong toàn ngành; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện.

Báo cáo cũng nêu rõ các giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện như tiếp tục phổ biến quán triệt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, người đứng đầu và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thanh tra Việt Nam về vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền; xây dựng các quy định, quy chế, hướng dẫn thực hiện để thực hiện tốt pháp luật về thi đua, khen thưởng; tổ chức thực hiện các phong trào thi đua có hiệu quả, trong đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức và hoạt động thi đua. Hình thức thi đua phải đa dạng, phong phú. Đổi mới công tác đăng ký thi đua, ký kết giao ước thi đua, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua. Việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết cần phải tiến hành thường xuyên.

Kiện toàn, tăng cường tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng, nhất là đối với Hội đồng Thi đua khen thưởng của thanh tra bộ, ngành, địa phương. Thực hiện nghiêm các văn bản của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, đặc biệt là Văn bản số 2160/BTĐKT-V.II ngày 11/8/2022 của Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Văn bản số 1998/TTCP-TCCB ngày 11/11/2022 của TTCP.

Phương Hiếu