Thu hồi về ngân sách Nhà nước 737 triệu đồng

 Bám sát nhiệm vụ công tác trọng tâm của Bộ, định hướng công tác thanh tra năm 2024 của Thanh tra Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã ban hành Quyết định số 1964 phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024 đảm bảo đúng thời gian và quy trình.

Trong thời gian qua, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra hành chính công tác quản lý và sử dụng tài sản, tài chính năm 2022-2023; việc chấp hành quy định pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tại Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh; đã ban hành kết luận thanh tra hành chính tại Cục Thống kê tỉnh Bình Định.

Qua thanh tra, đã phát hiện những vi phạm chủ yếu như chưa thực hiện mở sổ theo dõi tài sản đơn vị được giao quản lý, sử dụng do chưa có hướng dẫn; quy định về thanh toán tiền đi lại cho công chức đi công tác bằng phương tiện công cộng chưa phù hợp với quy định tại Thông tư số 40; việc quyết toán, kiểm soát hồ sơ tài chính còn chưa chặt chẽ, đầy đủ...

Về thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ đã ban hành 4 kết luận đối với 4 cuộc triển khai trong năm 2023 tại Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang và Ninh Thuận.

Qua thanh tra, đã yêu cầu đối tượng thanh tra xuất toán, thu hồi và giảm trừ khi thanh, quyết toán với tổng số tiền 99,99 tỷ đồng; ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 tổ chức với số tiền là 590 triệu đồng.

Hết quý II, Thanh tra ngành Thống kê đã tiến hành 209 cuộc thanh, kiểm tra; ban hành 171 kết luận.

Cũng từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ đã tiến hành đôn đốc, thu hồi về ngân sách Nhà nước thông qua tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ KH&ĐT với số tiền 737 triệu đồng

Bổ sung thanh tra việc thực hiện pháp luật về quản lý khu công nghiệp

Theo Thanh tra Bộ, kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024 đã mở rộng dần phạm vi thanh tra chuyên ngành, bổ sung nội dung mới thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ như nội dung thanh tra việc thực hiện pháp luật về quản lý khu công nghiệp.

Bộ KH&ĐT luôn chủ động trong bố trí các nguồn lực, tập trung tốt cho công tác chuẩn bị để đảm bảo triển khai đúng tiến độ các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt, đồng thời hoàn thành các cuộc thanh tra, kiểm tra cũng như các nhiệm vụ đột xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra ngày càng được chú trọng, thực hiện chuyên nghiệp và hiệu quả hơn giai đoạn trước.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ KH&ĐT đã chủ động nghiên cứu, tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi chuyên môn liên quan đến các quy định mới của Luật Thanh tra năm 2022; Nghị định số 43 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra; Nghị định số 03 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ đã kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo Bộ KH&ĐT những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật này để sớm có giải pháp tháo gỡ.

Cùng với đó, lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Thanh tra Bộ KH&ĐT luôn sát sao trong công tác chuẩn bị các nguồn lực nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác đã được phê duyệt, vừa tính đến những nhiệm vụ đột xuất có thể phát sinh.

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo trong công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN, tiêu cực theo đúng phạm vi, có chất lượng và đảm bảo thời hạn.

Kế hoạch thanh tra, kiểm tra được xây dựng đúng thời gian, quy trình

Thời gian qua, Thanh tra Bộ KH&ĐT đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính, công tác cán bộ là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực và trong việc thực hiện các quy định pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN, tiêu cực tại các đơn vị thuộc Bộ.

Từ các kết luận thanh tra, kiểm tra hành chính, Thanh tra Bộ đã kiến nghị với lãnh đạo Bộ KH&ĐT yêu cầu các cơ quan, đơn vị khắc phục những sai sót, khuyết điểm, phát huy yếu tố tích cực trong công tác quản lý của mình, đồng thời giúp thủ trưởng đơn vị được thanh tra nắm rõ tình hình hoạt động của các đơn vị, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng nề nếp, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra và thực hiện đúng thời gian, quy trình và quy định của pháp luật.

Đối với thanh tra chuyên ngành KH&ĐT, trong những năm qua, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết trong lĩnh vực quản lý của Bộ, Thanh tra Bộ KH&ĐT đã tăng cường công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư công.

Qua thanh tra, đã phát hiện những tồn tại, hạn chế như: Phê duyệt dự án không phù hợp với quy hoạch hoặc không rõ nguồn vốn, phê duyệt dự án khi chưa đủ điều kiện, chưa phù hợp với chủ trương đầu tư; áp dụng định mức, đơn giá không đúng quy định, khối lượng dự toán không đúng so với thiết kế được phê duyệt, trùng lặp về khối lượng; chưa kịp thời phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án khi dự án đã quá thời hạn thực hiện; phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư không phù hợp quy định...

Bên cạnh kiến nghị xử lý về mặt kinh tế, Bộ KH&ĐT cũng đã kiến nghị các bộ, ngành và địa phương một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài gây thất thoát, lãng phí và gây bất bình, bức xúc trong dân, góp phần nâng cao hiệu quả việc sử dụng và quản lý vốn đầu tư công.

T.Lương