Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ I: Bảo vệ thi công hay cưỡng đoạt đất?

Thứ ba, 30/08/2011 - 07:17

(Thanh tra)- Trong đơn gửi Báo Thanh tra, 12 hộ dân xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh phản ánh về những sai phạm trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án cải tạo và nâng cấp quốc lộ 18A đoạn Mông Dương - Móng Cái. Người dân đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng từ tháng 3/2010, nhưng đến nay vẫn chưa được các cấp lãnh đạo huyện Tiên Yên và tỉnh Quảng Ninh giải quyết một cách thấu tình đạt lý.

Việc cưỡng chế thi công đã diễn ra được gần 1 năm, công tác làm đường cũng đã hoàn thành, nhưng các hộ dân vẫn không nhận được quyết định cưỡng chế thu hồi đất

Các hộ dân ở xã Đông Hải cho biết: Để thực hiện dự án cải tạo và nâng cấp quốc lộ 18A đoạn Mông Dương - Móng Cái, ngày 20/2/2009, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 418/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và giao cho UBND huyện Tiên Yên bồi thường, GPMB. Từ tháng 5/2010, UBND huyện Tiên Yên đã ra các quyết định thu hồi đất của các hộ dân, nhưng công tác bồi thường, GPMB đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Ngày 25/8/2010, UBND huyện Tiên Yên và UBND xã Đông Hải đã tổ chức “bảo vệ thi công” với rất đông lực lượng tham gia gồm: Công an, bộ đội, các đoàn thể chính trị - xã hội của xã và huyện. Trước khi bảo vệ thi công, UBND huyện Tiên Yên và xã Đông Hải không thông báo cho các hộ dân bằng văn bản, không có quyết định cưỡng chế thu hồi đất mà tới khi bắt đầu tiến hành, ông Vũ Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên mới đọc thông báo tại hiện trường. Vì chưa nhận tiền đền bù và không được thông báo trước về việc bảo vệ thi công nên người dân đề nghị dừng thi công để lập biên bản hiện trạng đất và tài sản trên đất làm căn cứ tính bồi thường sau này, nhưng đã không được chấp nhận.

Việc bảo vệ thi công có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Theo quy định tại Điều 57 Quyết định số 499/2010/QĐ-UBND, ngày 11/2/2010 của UBND tỉnh Quảng Ninh; Điều 32 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP, ngày 13/8/2009 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì việc cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật Đất đai chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:

(i) Đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại các Điều 29, 30 và 31 Nghị định 69/2009; (ii) Quá 30 ngày, kể từ thời điểm phải bàn giao đất quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định 69/2009/NĐ-CP mà người có đất bị thu hồi không bàn giao đất cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB; (iii) Sau khi đại diện của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động thuyết phục nhưng người có đất bị thu hồi không chấp hành việc bàn giao đất đã bị thu hồi cho Nhà nước; (iv) Có quyết định cưỡng chế của UBND cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đã có hiệu lực thi hành; (v) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB phối hợp với UBND cấp xã niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất thu hồi. Sau 15 ngày, kể từ ngày giao trực tiếp quyết định cưỡng chế hoặc ngày niêm yết công khai quyết định cưỡng chế quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này mà người bị cưỡng chế không bàn giao đất thì UBND cấp huyện chỉ đạo, tổ chức lực lượng cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện bảo vệ thi công đã xảy ra lộn xộn. Công an huyện Tiên Yên đã bắt giữ bà Lương Thị Gái (giáo viên tiểu học nghỉ hưu trước tuổi vì bị bệnh tâm thần) và chồng là ông Hà Mạnh Hùng, vì cho rằng ông Hùng đã xé rách áo của công an. Ông Hùng cho biết, mặc dù đã một mực khẳng định không hề xé áo công an, không có việc đánh công an, nhưng Công an huyện Tiên Yên đã bắt ép ông viết và ký vào giấy thừa nhận có xé áo công an rồi mới thả.

Đến thời điểm này, việc cưỡng chế thi công đã diễn ra được gần 1 năm, công tác làm đường cũng đã hoàn thành, nhưng các hộ dân vẫn không nhận được quyết định cưỡng chế thu hồi đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn do các hộ dân quản lý với diện tích đầy đủ như khi đất chưa bị thu hồi.

Không những vậy, huyện Tiên Yên đã thực hiện đền bù GPMB không đúng chính sách và quy trình về GPMB như: Không có quyết định thu hồi đất trước khi kiểm đếm đất, nhà cửa, vật dụng, kiến trúc. Sau khi dân yêu cầu nhiều lần thì mới cung cấp. Tại Quyết định số 1435/2010/QĐ-UBND, ngày 14/8/2010 giải quyết khiếu nại của các hộ dân, UBND huyện Tiên Yên còn “hồn nhiên” trả lời hộ ông Lê Tiến Cảnh: “Việc ban hành quyết định thu hồi đất chậm là do điều chỉnh tuyến nhiều lần, nhưng chưa xâm hại đến quyền lợi của hộ gia đình”.

Chính quyền địa phương không công khai niêm yết phương án bồi thường GPMB. Khi người dân không nhận tiền bồi thường, ban GPMB không tổ chức gặp dân và không lập biên bản việc dân không nhận tiền. Bồi thường đất ở áp giá 380.000 đồng/m2 theo khung giá quy định của tỉnh Quảng Ninh, trong khi giá chuyển nhượng đất của địa phương tại thời điểm thu hồi đất khoảng 3 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, cách tính mốc GPMB và kiểm đếm không đúng qui định của pháp luật, gây thiệt hại kinh tế cho người dân. Phải kể đến trường hợp: Các hộ dân có nhà nằm trên đất của đường giao thông (cách mép ngoài rãnh dọc từ hơn 1m - 2,5m), nếu nhà có cột trụ hiên thì bắt dân cưa cắt phần mái hiên nhà kể cả nhà mái bằng và nhà cấp 4, bồi thường chỉ từ 15 triệu đồng (cho nhà cấp 4) đến 50 triệu đồng (cho nhà bê tông 2 tầng). Dân không ký biên bản kiểm đếm, Ban Bồi thường GPMB vẫn áp giá tính tiền và bắt dân lấy tiền (đối với hộ Hà Văn Chức, Ngô Vân Chi, Hà Văn Thắng, Lý Ngọc Văn, Phạm Thị Thoa...). Một số nhà dân không thuộc loại nhà bê tông mái bằng kiên cố, sau khi cưa cắt một phần, phần còn lại không bảo đảm chịu lực, không thể sử dụng được nữa...
   
Đối với các nhà không có cột trụ đỡ mái hiên, Ban Bồi thường GPMB đo từ mép ngoài rãnh dọc của đường vào đến mặt tường nhà (cửa nhà ở) để tính mốc GPMB (các hộ: Lê Tiến Cảnh, Hà Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Lành, Nguyễn Thị Nhàn, Vũ Văn Phúc...). Chính vì vậy, nhiều nhà dân dọc tuyến đường đi qua 2 xã Đông Ngũ, Đông Hải có mái hiên nằm trên lề đường quốc lộ 18A (khoảng cách tối thiểu 3m tính từ mép ngoài rãnh dọc của đường vào nhà dân) mà vẫn không được đền bù giải tỏa.

Dân khiếu nại, tới nay, huyện Tiên Yên đã chỉ đạo cho nắn mép ngoài rãnh dọc của cống thoát nước vòng vèo qua từng nhà dân, cố ý tránh việc đền bù. Tuy nhiên, mốc GPMB và quyết định thu hồi đất của tỉnh Quảng Ninh và huyện Tiên Yên không thay đổi. Như vậy, một phần diện tích của các nhà dân vẫn nằm trên lề đường (đất của đường giao thông), vô tình UBND huyện Tiên Yên đã gián tiếp để các nhà dân lấn chiếm đất của đường giao thông.

Hiện tại, trên 300m đường 18A mới nâng cấp qua trung tâm xã Đông Hải đều bị thu hẹp lại, chiều ngang của đường chỉ còn 8m nhựa (các đoạn khác dọc tuyến đều có chiều ngang 9m nhựa). Quốc lộ 18A Mông Dương - Móng Cái là trục đường giao thông chính. Lưu lượng xe có trọng tại lớn thường xuyên qua lại đã gây rung chuyển chấn động; đặc biệt, gây mất an toàn cho người dân sống trong các ngôi nhà quá gần đường.


(Kỳ II: Có hành vi trù dập người khiếu nại)

Tố Hoa

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm