Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Xăng dầu tăng giá, thu ngân sách tăng thêm 9.100 tỷ đồng

Hương Giang

Thứ hai, 04/07/2022 - 23:04

(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, việc tăng thu trên thấp hơn khá nhiều so với mức giảm thu ngân sách do giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ 1/4 và dự kiến giảm về “mức sàn” của thuế này từ 1/8 tới vì tổng thu ngân sách ước giảm khoảng 32.500 tỷ đồng trong năm nay.

Bộ trưởng Tài chính đã ký tờ trình, gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhớt xuống các mức sàn. Ảnh minh họa: H.G

Chiều tối ngày 4/7, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, báo chí nêu, việc giá xăng trong nước tiến sát mốc 33.000 đồng/lít, có một số ý kiến cho rằng mức đề xuất giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường là quá ít.

“Giải pháp nào để kìm giá xăng đang không ngừng tăng? Giá xăng dầu tăng cao kéo theo tỷ lệ thuế trên giá xăng cũng tăng. Xin cho biết nguồn ngân sách thu tăng thêm từ việc tăng giá xăng dầu như thế nào?”, báo chí hỏi.

Trả lời, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, bộ này đã có nhiều giải pháp để kiềm chế mức tăng nhanh của giá xăng dầu, ảnh hưởng tới đời sống, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hôm nay, Bộ trưởng Tài chính đã ký tờ trình, gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mở nhớt xuống các mức sàn.

Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.

Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.

Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít.

Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.

Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg.

Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: Đ.X

Theo ông Chi, nếu sản lượng tiêu thụ vẫn giữ như hiện nay, chính sách này áp dụng từ 1/8/2022 thì ước giảm thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng là 7.000 tỷ đồng.

Giá xăng dầu tăng cao kéo theo tỷ lệ thuế trên giá xăng cũng tăng. Thứ trưởng Tài chính cho biết, thu ngân sách từ tăng giá dầu và từ thuế nhập khẩu xăng dầu với sản lượng nhập tăng thêm năm nay khoảng 9.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Chi, việc tăng thu này thấp hơn khá nhiều so với mức giảm thu ngân sách do giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ 1/4 và dự kiến giảm về “mức sàn” của thuế này từ 1/8 tới vì tổng thu ngân sách ước giảm khoảng 32.500 tỷ đồng trong năm nay.

Ông Chi cũng cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền giảm thêm một số loại thuế khác với xăng dầu, như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng...

“Việc giảm các loại thuế này căn cứ theo diễn biến giá xăng dầu từ nay tới cuối năm, để có giải pháp phù hợp, ổn định mặt bằng giá, kinh tế trong nước”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo. Ảnh: Đ.X

Giá xăng dầu tăng mạnh và sức ép tăng giá lên các mặt hàng khác cũng là mối lo được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đề cập.

Ông Phương nói, bên cạnh sức ép thiếu hụt lao động, thì sức ép tăng giá từ giá xăng dầu tăng... là mối lo, khó khăn trong điều hành giá những tháng cuối năm.

“Việc điều hành giá 6 tháng cuối năm cần rất lưu ý tới giá xăng dầu để đảm bảo mục tiêu CPI dưới 4%”, Thứ trưởng Phương nêu.

Nửa đầu năm nay, tăng trưởng GDP quý II tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất trong 10 năm qua. Ông Phương cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng GDP cả năm sẽ vượt mục tiêu kế hoạch đưa ra. Hiện, bộ đã trình Chính phủ 2 kịch bản điều hành để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7%.

Giải ngân hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động chậm vì “sợ sai”

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh trả lời báo chí về việc giải ngân tiền thuê trọ cho người lao động.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, tính đến ngày 4/7, theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh Xã hội các tỉnh, TP đã tiếp nhận hồ sơ của 13.880 doanh nghiệp để hỗ trợ cho 558.024 lao động với kinh phí hỗ trợ hơn 357 tỷ đồng, tại 45 địa phương.

Các địa phương cũng đã phê duyệt hồ sơ cho 280.954 lao động với tổng kinh phí 209 tỷ đồng tại 38 địa phương và đã có 15 địa phương thực hiện giải ngân cho 13.541 lao động với kinh phí là hơn 70 tỷ đồng.

Hiện các địa phương đang tập trung vào việc giải ngân khoản tiền hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động.

Trong tháng 7/2022, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương để đẩy nhanh việc này. Theo quy định, chậm nhất là 15/8, phải hoàn thành toàn bộ việc hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động.

Thứ trưởng thừa nhận, so với khoản tiền cần phải giải ngân hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động thì tỷ lệ đã giải ngân được còn rất thấp.

Ông lý giải, việc thấp do nhiều địa phương chờ Quyết định 791 về nguồn kinh phí hỗ trợ. Cạnh đó, một số địa phương “sợ sai” nên yêu cầu thêm các xác nhận.

“Trong yêu cầu chỉ cần xác nhận của chủ nhà trọ nhưng nhiều nơi yêu cầu cả xác nhận của chính quyền địa phương, xã, phường”, ông Thanh nói và cho biết, bộ này đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về thực hiện các thủ tục.

Ngoài ra, theo ông Thanh, một số doanh nghiệp “sợ sai” nên khi lập danh sách và nộp BHXH còn chậm. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương thực hiện việc lập và nộp danh sách.

Đồng thời, đề nghị tổ chức Công đoàn phối hợp đẩy mạnh, đôn đốc các doanh nghiệp lập danh sách để phê duyệt. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm