Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phân bổ vốn đầu tư công: Không có chuyện xin - cho

Thứ sáu, 16/06/2017 - 07:45

(Thanh tra)- Giải ngân vốn đầu tư chậm, phân bổ vốn dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), chưa giao đủ vốn ODA cho một số dự án…. là những vấn đề ĐBQH “truy” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong phiên chất vấn ngày 15/6.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

“Bộ phải nhìn thẳng vào sự thật”

Theo ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), Luật Đầu tư công đã bộc lộ một số vướng mắc về thủ tục dẫn đến dự án triển khai chậm, chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bố trí vốn đã tập trung hơn trước. Trước đây, đề xuất dự án thường gấp 3 lần khả năng cân đối vốn, nên bố trí vốn còn dàn trải, nay số dự án giảm đi nhiều, từ khoảng 15.000 dự án, nay chỉ còn 5-6.000 dự án, đã giảm đi 1/3.

“Bộ phải nhìn thẳng vào sự thật”, ĐB Ngô Văn Thể (Sóc Trăng) ví dụ, cầu Châu Đốc làm 2 năm nay rồi, vẫn chưa hoàn thành vì giao vốn chậm.

“Ngân sách chúng ta có nhưng Luật Đầu tư công đã làm chậm trễ những công trình này. Tương tự, một số Nghị định cũng là rào cản lớn đối với đối tác công tư (TPP), làm huy động nguồn vốn với các công trình xây dựng cơ bản (XDCB) rất chậm”, ĐB Thể nói.

ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) chất vấn, sau năm 2014, nợ đầu tư XDCB có còn phát sinh không? Có thông tin cho rằng vẫn còn hiện tượng phát sinh nợ trong đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện đã giao được 88% kế hoạch. Hiện còn 198.379 tỷ đồng chưa giao tồn ở các dự án chưa đủ thủ tục và cần xem xét liên quan đến các quy định như về tăng trưởng xanh, các dự án trọng điểm quốc gia trong đó có các dự án khởi công mới chưa đủ thủ tục.

Về nợ đọng XDCB, người đứng đầu ngành Kế hoạch Đầu tư cho biết, đến 31/12/2014, nợ đọng XDCB là 15.000 tỷ đồng, đã xử lý được 6.000 tỷ đồng, hiện còn 9.000 tỷ đồng. Các khoản nợ còn lại chủ yếu trong lĩnh vực giao thông của các địa phương.

Chính phủ yêu cầu, đến năm 2020 phải thanh toán hết số nợ đọng XDCB này. Bộ trưởng lưu ý thêm, với các khoản nợ của ngân sách địa phương thì địa phương phải cân đối trả đủ.

“Đổ lỗi” cho luật chưa hoàn toàn thuyết phục

“Số liệu Bộ trưởng đưa ra về nợ XDCB không khớp với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách”, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) giơ biển tranh luận, đến hết kế hoạch 2015 qua kiểm toán 30/48 địa phương phát sinh nợ đọng XDCB trên 7.000 tỷ đồng và riêng xây dựng nông thôn mới ở 53 tỉnh, TP phát sinh nợ đọng XDCB là 15.000 tỷ đồng.

Theo ĐB Nguyễn Thái Học, dù ghi nhận những nỗ lực của các Bộ trưởng, song thời gian qua theo ông còn quá nhiều tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý đầu tư công. Bộ trưởng sẽ làm gì để thay đổi điều này?

ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đặt vấn đề, việc Bộ trưởng đổ lỗi cho Luật Đầu tư công chưa hoàn toàn thuyết phục khi lý giải việc bố trí vốn dài trải, giải ngân vốn đầu tư chậm…

“Tại sao phân bổ vốn, giải ngân vốn chậm, ODA thiếu dự toán…? Nguyên nhân gốc rễ có phải vẫn tồn tại xin - cho nên phân bổ chậm? Bộ đã can thiệp quá sâu vào quá trình phân bổ nên ách tắc cho đầu tư hay không?”, ông Hàm đặt loạt câu hỏi và đề nghị được biết hướng khắc phục của Bộ trưởng Kế hoạch.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực tế tất cả các số liệu nợ XDCB Bộ trưởng nêu ở trên là những con số nợ đã “chốt” ở thời điểm trước 31/12/2014.

“Sau thời điểm đó là vi phạm pháp luật, không được xử lý”, Bộ trưởng nói, tất cả các khoản đầu tư ở trung ương hiện không còn nợ đọng XDCB, nếu địa phương nào còn đang nợ thì phải chịu trách nhiệm và tự xử lý còn nợ trung ương đã bố trí đủ.

Còn chuyện phân bổ vốn đầu tư chậm, ông Dũng phân trần, do thủ tục thực hiện dự án thay đổi. Trước đây giải ngân theo dự án, cam kết nhà tài trợ; còn hiện theo quy định Hiến pháp vốn ODA được giải ngân theo kế hoạch sử dụng vốn. Tuy nhiên, vừa qua các Bộ, ngành đã không quan tâm, chưa xây dựng kế hoạch.

Nhận trách nhiệm trong quản lý gây ra lãng phí

“Trong phân bổ vốn không có chuyện xin - cho, toàn bộ do các bộ ngành quyết định", ông Dũng khẳng định nhưng nhận trách nhiệm khi việc quản lý còn hạn chế, gây ra sự lãng phí trong thời gian qua.

“Chúng tôi có hai trách nhiệm đối với vấn đề này. Đó là việc tham mưu cơ chế chính sách chưa đưa ra đầy đủ, và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát phát hiện các trường hợp thất thoát chưa tốt. Vấn đề thất thoát, lãng phí trong đầu tư công đã được khắc phục một phần nhờ các luật và nghị định hướng dẫn mới, nhưng chưa triệt để và vẫn còn nhiều bất cập”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận.

Cho rằng giải trình của Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư "chưa quyết liệt, chưa toàn diện", ĐB Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị, Bộ trưởng nghiên cứu, đề xuất chế tài xử lý gắn với trách nhiệm người quyết định đầu tư với hiệu quả đầu tư dự án, cả về kinh tế, xử lý hình sự. "Như thế mới chặn đứng ngay tình cảnh các công trình đầu tư khủng, nhưng đắp chiếu, dở dang, rồi gửi lại cho người kế nhiệm", ông Vượt nói.

Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận nhiệm vụ hơn 1 năm nhưng đã nắm được công việc, lĩnh vực mình quản lý, cũng như nghiêm túc nhận rõ trách nhiệm. Nhưng phần trả lời "chưa rõ, chưa thỏa mãn nên nhiều ĐBQH tham gia tranh luận lại".

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ trưởng tiếp thu ý kiến ĐBQH, chỉ đạo quyết liệt nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. "Các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ, tránh tình trạng nơi thiếu vốn, nơi có tiền mà không đầu tư được", bà Ngân nhấn mạnh.

Liệt kê quy định để thấy trách nhiệm các bộ, ngành

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, báo cáo của Bộ gửi tới Quốc hội, phần trả lời về các dự án trọng điểm quốc gia mới chỉ nêu ra các quy định, nghị định.... mà không rõ được trách nhiệm của Bộ Kế hoạch Đầu tư và cá nhân Bộ trưởng.

"Tôi thấy cách trả lời của Bộ trưởng rất giống cách trả lời của Bộ trưởng Kế hoạch cách đây 3 nhiệm kỳ. Khi đó, ĐBQH khóa XI Nguyễn Ngọc Trân đã phải nhận xét “Bộ trưởng đã đưa ra cả một rừng luật, nhưng không thấy trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu", bà Thúy nói và đề nghị Bộ trưởng khẳng định trách nhiệm của Bộ mình trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia và cam kết để khắc phục hạn chế chậm trễ tại các dự án này.

Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để xác định được trách nhiệm các bộ, ngành ra sao trong các dự án này thì cần nêu lại các quy định trách nhiệm các bộ, ngành nằm ở các quy định pháp luật nào, được nhận diện, nhận danh ra sao. "Vì thế, trong báo cáo sơ bộ gửi tới Quốc hội chúng tôi đã nêu chi tiết các quy định, Nghị định... quy định trách nhiệm các bộ, ngành", ông Dũng nói.

Riêng về trách nhiệm Bộ Kế hoạch, có 3 chức năng: Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước; giám sát và tham mưu huy động, phân bổ vốn đầu tư cho thực hiện dự án nếu sử dụng Ngân sách Nhà nước. Giai đoạn 2011 – 2015, Bộ đã thẩm định một dự án quan trọng quốc gia là sân bay Long Thành, đã báo cáo Quốc hội ở kỳ họp thứ 2 và gần đây thẩm định dự án cao tốc Bắc - Nam đang được trình tại kỳ họp này.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm