Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Lợi thế cạnh tranh về ưu đãi thuế của Việt Nam giảm dần”

Hương Giang

Thứ tư, 26/04/2023 - 14:25

(Thanh tra) - Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lợi thế cạnh tranh về ưu đãi thuế của Việt Nam giảm dần do tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

“Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… gặp nhiều khó khăn”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ngày 26/4, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể, thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình những tháng đầu năm 2023.

Các tập đoàn lớn xem xét kỹ khi đầu tư vì thuế tối thiểu toàn cầu

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho hay, kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm nay “đạt nhiều kết quả tích cực”.

Kinh tế vĩ mô giữ vững ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn bảo đảm. Sản xuất nông nghiệp ổn định; khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực khi quý I giá trị tăng thêm 6,79% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 95,9% tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Chính phủ, Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập, tạo cơ sở pháp lý để phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường lao động...

Dù vậy, tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01 (5,6%). Khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,4%, trong đó công nghiệp giảm 0,82%, làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

“Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… gặp nhiều khó khăn”, ông Trung nói.

Đơn cử, so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I chỉ tăng 3,7%, trong đó đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước chỉ tăng 1,8%. Vốn FDI đăng ký vào nước ta thì giảm 38,8%.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tập đoàn lớn có dấu hiệu xem xét kỹ việc đầu tư lớn vào Việt Nam do tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

“Thu hút FDI khó khăn hơn, khi dòng vốn FDI toàn cầu bị thu hẹp, lợi thế cạnh tranh về ưu đãi thuế của Việt Nam giảm dần do tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu”, ông Trung cho biết.

Sức ép với điều hành tăng trưởng “rất lớn”

Tăng trưởng tín dụng tăng thấp cho thấy “sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn”. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động cũng giảm và thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường…

Những khó khăn trên là “sức ép rất lớn đối với điều hành tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cả năm”, theo nhận định của Thứ trưởng.

Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, những tháng còn lại của năm, cần tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chính sách tiền tệ phải chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm và chính sách vĩ mô khác.

Giải pháp nữa là đẩy mạnh, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tổ chức chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Song song là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn.

Cập nhật kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói, chúng ta đã đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu. So với báo cáo tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), nhiều chỉ tiêu sau khi đánh giá bổ sung đã đạt được kết quả tích cực hơn và chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt được như mức đã dự kiến.

Đó là là chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 24,76% (số đã báo cáo Quốc hội khoảng 25,7-25,8%), thấp hơn mục tiêu đề ra (25,7-25,8%).

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết về kết quả thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Hỗ trợ giảm thuế, phí, lệ phí là 54.129 tỷ đồng; gia hạn thời gian nộp các loại thuế, tiền thuê đất là 110.670 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đạt kết quả rất thấp, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ chỉ giải ngân được khoảng 2.570 tỷ đồng, số vốn dự kiến không sử dụng hết còn khoảng 37.430 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động mới đạt 3.757,6 tỷ đồng, bằng 57,2% so với tổng nguồn lực dự kiến thực hiện.

Chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt dư nợ 16.400 tỷ đồng, đạt 42,7% tổng quy mô chính sách được Quốc hội quyết nghị.

Dự kiến Chính phủ sẽ có báo cáo riêng về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, các khó khăn, vướng mắc và một số kiến nghị để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, vào tháng 5 tới. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm