Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đẩy nhanh tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN

Thứ hai, 28/01/2019 - 08:15

(Thanh tra)- Việc triển khai tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, song kết quả chưa đạt được như lộ trình đề ra. Để đẩy nhanh và đạt hiệu quả cao trong việc tái cơ cấu, CPH, thoái vốn DNNN trong thời gian tới cần có các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu.

Cần có các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để đẩy nhanh và đạt hiệu quả tiến trình tái cơ cấu, CPH, thoái vốn DNNN. Ảnh: Trần Quý

Chưa đạt lộ trình đề ra

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, trong giai đoạn từ năm 2016 - 2018, Nhà nước đã và đang thực hiện cổ phần hóa (CPH) tại 147 doanh nghiệp (DN) với tổng giá trị DN là 435.906 tỷ đồng.

Năm 2016, đã CPH 66 DN (trong đó có 15 DN CPH cùng công ty mẹ) với tổng giá trị DN 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước 27.328 tỷ đồng. Theo phương án được phê duyệt, tổng vốn điều lệ 27.190 tỷ đồng, trong đóNhà nước nắm giữ 13.464 tỷ đồng.

Năm 2017, đã CPH 69 DN, trong đó có 17 DN thuộc danh sách CPH năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017. Tổng giá trị của 69 DN 370.336 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước 160.156 tỷ đồng. Theo phương án được phê duyệt, tổng vốn điều lệ 160.420 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 85.413 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cần rà soát tất cả các đề án tái cấu trúc của các DNNN để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu, gắn tái cấu trúc DNNN với yêu cầu của thị trường. Trong tái cấu trúc, cần chú trọng tái cấu trúc đầu tư xây dựng và quản trị DN nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh, giảm thất thoát lãng phí nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Các bộ, ngành cần chủ động đề xuất hoàn thiện thể chế để tháo gỡ khó khăn cho DN, nâng cao quyền tự chủ của DN, những vấn đề đầu tư phát triển, sử dụng vốn, xử lý đất đai, cũng như phối hợp với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN, các tập đoàn, Tổng công ty để xây dựng chiến lược phát triển của DN phù hợp với chiến lược phát triển của ngành, lĩnh vực và của quốc gia.

Tổng giá trị của 12 DN 29.747 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước 15.413 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt 18.348 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước nắm giữ 11.158 tỷ đồng.

Như vậy, đến nay, cả nước đã CPH được 147 DN, trong đó có 27/127 DN trong kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 giai đoạn 2017 - 2020, (đạt 21%).

Đáng chú ý, theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành CPH ít nhất 85 DN (trong đó có 21 DN thuộc danh mục thuộc danh sách theo công văn số 991/TTg-ĐMDN). Tuy nhiên, đến hết năm 2018 mới CPH được 12 DN (trong đó chỉ có 03 DN thuộc danh sách theo công văn số 991/TTg-ĐMDN).

Việc thực hiện Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020” theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ cũng diễn ra khá chậm. Đến nay mới có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.

Về kế hoạch và kết quả thực hiện thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái 406 danh mục, khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các DN. Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2018, cả nước đã thoái được trên 17.826 tỷ đồng, thu về 155.735 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN vào ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM: CPH, thoái vốn cần tập trung vào chất lượng không chạy theo số lượng. CPH cũng như cơ cấu lại danh mục đầu tư nhà nước, chuyển đổi từ tài sản chưa tốt thành tài sản tốt hơn, như vậy mới củng cố nền tảng sức mạnh của khu vực DNNN. Chúng ta phải định hướng lại đầu tư tập trung vào các DN kinh doanh có hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, có như vậy mới có thể có được những tập đoàn kinh tế lớn trong tương lai. Bên cạnh đó, quản trị công ty phải tập trung tháo bỏ những ràng buộc để DNNN tự chủ về kinh doanh, xác định những ngành nghề kinh doanh phù hợp, biến nó thực sự trở thành động lực để phát triển kinh tế.

Khẳng định việc CPH, thoái vốn là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN, tuy nhiên Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại đã ảnh hưởng đến tiến độ và khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra; Cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa đầy đủ, nghiêm túc; Một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...

Đánh giá về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Tái cấu trúc DNNN thời gian qua đã đạt những kết quả quan trọng, số lượng DN đang được tập trung những lĩnh vực then chốt, cơ chế hoạt động có những đổi mới theo hướng tự chủ nhiều hơn, cạnh tranh bình đẳng hơn, công khai minh bạch được đề cao hơn.

Tuy nhiên, công tác tái cấu trúc DNNN còn nhiều bất cập, trước hết thể chế hoạt động của DN còn nhiều bất cập, chiến lược phát triển của một số các DN chưa rõ, chất lượng đề án tái cấu trúc chưa cao. Việc lựa chọn cơ cấu đầu tư, huy động nguồn lực còn lúng túng, năng lực tài chính còn hạn chế, hiệu quả hoạt động của DN còn thấp cả về hiệu quả quản lý, hiệu quả đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Cần có các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu

Trong thời gian tới phải CPH 100 DN trong kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 giai đoạn 2017 - 2020; thoái vốn hàng chục DN và cơ cấu lại một số DN chưa thực hiện được. Đây là con số không nhỏ trong quá trình thực hiện CPH, thoái vốn và cơ cấu lại DN nếu không có các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu thì khó đạt được lộ trình đề ra.

Nhằm tạo thuận lợi cho DN, tại Hội nghị “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành chức năng khẩn trương tổng hợp kiến nghị của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi ngay các quy định liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị DN CPH, quy trình CPH, thoái vốn, các quy định về quản lý tài chính, tiền lương, đăng ký, niêm yết; quyền và trách nhiệm của lãnh đạo DN, cơ quan quản lý, đại diện chủ sở hữu…

“Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch và xử lý nghiêm các vi phạm. Kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ”. Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính: Để tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần thực hiện đồng bộ 12 nhóm giải pháp. Trong đó, kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường.

Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch CPH và thoái vốn nhà nước tại DN; trách nhiệm trong việc tổ chức, hoàn thành kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm. Bổ sung danh mục thanh tra đối với các DN chậm quyết toán tại thời điểm chuyển từ DNNN sang công ty cổ phần.

Các đơn vị cũng cần chú trọng tới hoạt động định kỳ công bố công khai thông tin về CPH, thoái vốn DNNN làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ CPH, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm