Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cơ hội để ngân hàng cơ cấu lại khoản nợ

Chủ nhật, 06/10/2013 - 09:22

Chỉ một thời gian ngắn Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đi vào hoạt động, các ngân hàng đã chủ động làm việc với VAMC để bán nợ xấu. Đây là cơ hội để ngân hàng cơ cấu lại chính mình, cơ cấu khoản nợ. Phó Chủ tịch thường trực VAMC Nguyễn Quốc Hùng đã trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.

Phó Chủ tịch thường trực VAMC Nguyễn Quốc Hùng.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là ngân hàng đầu tiên được VAMC mua bán nợ với giá 1.723 tỷ đồng. Sau khi mua nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD), VAMC sẽ xử lý ra sao, thưa ông?

VAMC không mua nợ về rồi để đó hoặc trông chờ cơ hội bán tài sản đảm bảo. Sau khi mua về, công ty phải phân loại, rà soát, tái cơ cấu các khoản nợ và cùng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, có điều kiện thực hiện chiến lược kinh doanh khả thi của mình.

“Xử lý nợ xấu chỉ có thể đạt kết quả tốt khi có sự hợp tác mạnh mẽ của liên bộ. Thành công của VAMC còn phụ thuộc vào những biện pháp cải cách chính sách và pháp luật hỗ trợ khác nữa. Việc thành lập một Ủy ban chỉ đạo liên ngành nhằm triển khai tái cơ cấu ngành Ngân hàng có thể hỗ trợ cho quá trình này”, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Chúng tôi nói vui với nhau, VAMC giống như “bệnh viện nợ xấu”. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, VAMC sẽ khám bệnh, phân loại bệnh, tìm “toa” thuốc cho phù hợp để chữa bệnh. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là hỗ trợ DN phát triển ổn định.

Thưa ông, thời gian qua, một số TCTD có tâm lý “ngại” bán nợ xấu cho VAMC vì lo ngại bị phát hiện cho vay nội bộ, cho vay lệch chuẩn... Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đúng là thời gian đầu, các TCTD có sự e ngại khi họ chưa hiểu rõ quy định và cơ chế mua bán nợ. Họ không rõ khi bán nợ sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro thế nào? Rồi bán nợ xong thì được vay tái cấp vốn với tỷ lệ bao nhiêu? Việc bán nợ đó ảnh hưởng thế nào tới tình hình tài chính của ngân hàng? Tuy nhiên, sau khi có cơ chế rõ ràng, được giải đáp thỏa đáng, các TCTD đã nhiệt tình hơn. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và VAMC đã tổ chức hai hội nghị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để quán triệt tinh thần triển khai Nghị định 53 của Chính phủ và các Thông tư 19, 20 hướng dẫn mua bán nợ xấu. Sau đó, đã có 5 TCTD đăng ký làm việc luôn với chúng tôi. Sau hội nghị ở Hà Nội cũng vậy, các đơn vị đến tận trụ sở VAMC để tìm hiểu và bày tỏ mong muốn bán nợ. Hiện có hơn 10 TCTD đặt vấn đề bán nợ cho VAMC và điều đáng mừng là 4 đơn vị trong số này có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

VAMC sẽ ưu tiên chọn mua nợ xấu dựa theo tiêu chí nào, thưa ông?Các ngân hàng sẽ được lợi nhiều khi bán nợ xấu cho VAMC.

Trước hết, chúng tôi ưu tiên mua nợ xấu của ba đối tượng: Ngân hàng thương mại vốn nhà nước, các ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu và các ngân hàng có nợ xấu trên 3%. Ngay trong diện này, chúng tôi cũng ưu tiên khoản nợ đã hội đủ tiêu chí và sẵn sàng bán được ngay. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các TCTD tỷ lệ nợ xấu dưới 3% không được xem xét. Ngay sau Agribank, VAMC sẽ mua các khoản nợ xấu từ 3 ngân hàng là Sài Gòn (SCB), Sài Gòn Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Xăng dầu (PGBank). 

Từ nay tới cuối năm, chúng tôi đặt mục tiêu phát hành 30.000 - 35.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt, tối thiểu mua được 30.000 tỷ đồng nợ xấu. Để giảm bớt khó khăn cho các TCTD, chúng tôi đang trình Chính phủ cho áp dụng mức lãi suất trái phiếu hợp lý, thấp hơn 2% so với lãi suất vay tái cấp vốn hiện nay (7%/năm).

Từ việc ký kết với Agribank, ông có khuyến nghị gì với các TCTD khác?

Tôi nghĩ các TCTD nên xem xét lợi ích khi bán nợ cho VAMC. Thứ nhất, các ngân hàng khi bán nợ cho VAMC thì không phải trích dự phòng rủi ro 100%, mà mỗi năm chỉ phải trích 20%. Thêm nữa, ngân hàng được sử dụng trái phiếu đặc biệt để tái cấp vốn tại NHNN với tỷ lệ 70% để có vốn đầu tư phát triển. Qua bán nợ, ngân hàng sẽ giảm được tỷ lệ nợ xấu, nâng được vị thế, hệ số tín nhiệm của mình. Bên cạnh đó, đây là cơ hội để các ngân hàng cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại chính mình để từng bước ổn định. 

Xin cảm ơn ông!


Minh Phương/tintuc

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ngân hàng tăng lãi suất, khuyến cáo khách hàng tránh sập bẫy mã QR giả

Ngân hàng tăng lãi suất, khuyến cáo khách hàng tránh sập bẫy mã QR giả

(Thanh tra) - Đã có 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi trong 2 tháng qua, mức tăng từ 0,1-0,7% tùy kỳ hạn, và ngân hàng. Kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi dao động từ 4,6-5,95%/năm. Các ngân hàng khuyến cáo chủ cơ sở kinh doanh chủ động rà soát các mã QR của mình nhằm phát hiện kịp thời và gỡ bỏ các mã QR giả mạo.

Uyên Uyên

12:45 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm