Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 29/10/2020 - 12:30
(Thanh tra) - “Cân đối vốn đối ứng ODA từ nguồn thu từ đất của nhiều địa phương tiềm ẩn nhiều rủi ro trong trường hợp không bán được đất”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lưu ý.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quang Hiếu
Sáng 29/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, nhờ đó tình hình đã có những chuyển biến tích cực.
“Mức giải ngân vốn nước ngoài đã tăng từ 21,26% trong 8 tháng lên 30,15% trong 10 tháng, cao hơn cùng kỳ năm 2019. Nếu tính theo số vốn kế hoạch năm 2020 đã điều chỉnh theo Quyết định số 1638/QĐ-TTg ngày 23/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì mức giải ngân này đạt trên 35%”, ông Dũng khái quát.
Chưa ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng cho dự án ODA
Theo Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có không ít khó khăn, vướng mắc.
Đầu tiên, là do đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến tiến độ thực hiện từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, giám sát….
“Ví dụ dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có trên 100 chuyên gia nước ngoài không đến được Việt Nam đúng theo kế hoạch, việc nhập khẩu thiết bị cho dự án cũng bị ảnh hưởng”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, còn có vướng mắc trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án không đảm bảo yêu cầu; Lập, giao, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ODA còn chậm, chưa sát với tiến độ thực hiện và nhu cầu của các dự án.
Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cũng chưa ưu tiên bố trí đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng không thực hiện được, một số gói thầu đã triển khai nhưng không có mặt bằng thi công công trình.
Ông Dũng dẫn chứng dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tại một số tỉnh Miền Trung. Việc thiếu vốn đối ứng để trả thuế VAT... cho nhà thầu gây ảnh hưởng không nhỏ trong việc hấp thụ, giải ngân nhiều chương trình, dự án hiện nay.
“Cân đối vốn đối ứng ODA từ nguồn thu từ đất của nhiều địa phương tiềm ẩn nhiều rủi ro trong trường hợp không bán được đất”, Bộ trưởng lưu ý.
Nhiều thủ tục phức tạp, cơ quan cho ý kiến lại chậm trễ
Không chỉ thế, còn có 7 nhóm khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục. Trong đó, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư chậm trễ không chỉ làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án mà còn gây khó khăn cho việc bố trí kế hoạch.
Theo ông Dũng, khi điều chỉnh thường phải lấy ý kiến nhiều cơ quan trước khi trình Thủ tướng xem xét quyết định, song nhiều cơ quan chậm trễ trong việc có ý kiến.
“Nhiều trường hợp từ 2 đến 3 tháng mới nhận được ý kiến của các cơ quan như dự án phát triển hạ tầng du lịch do ADB tài trợ”, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Thêm vào đó, quá trình đàm phán các hiệp định vay với các nhà tài trợ, đặc biệt với các nhà tài trợ song phương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức...) thường kéo dài, có trường hợp trên 3 năm. Nguyên nhân chính do việc đàm phán các điều khoản về thuế theo quy định của Luật Quản lý Thuế và các văn bản hướng dẫn dưới luật.
Ngoài ra, quá trình thẩm định cho vay lại đối với các cơ quan, đặc biệt là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập mất nhiều thời gian, có trường hợp hiệp định vay đã ký, song hợp đồng vay lại phải mất từ 1 đến 2 năm mới được ký kết
Đơn cử, với Ngân hàng Thế giới (WB) có 3 dự án có tổng số vốn vay 551 triệu USD chưa ký được hiệp định vay, chưa ký hợp đồng vay lại và 1 dự án trị giá 80 triệu USD đã ký hiệp định vay song chưa ký được hợp đồng vay lại.
Việc thẩm định khả năng vay lại của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng kéo dài, thủ tục phức tạp làm chậm trễ trong việc triển khai thực hiện dự án.
Điển hình là việc triển khai các thủ tục vay lại và thẩm định các dự án thành phần thuộc dự án nâng cao chất lượng giáo dục đại học do WB tài trợ kéo dài hơn 2 năm, bắt đầu từ tháng 6/2018 đến tháng 3/2020 mới ký hợp đồng vay phụ với Bộ Tài chính và tháng 5/2020 mới ký Hợp đồng vay lại với Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Do thời gian kéo dài, WB đề nghị hủy 47 triệu USD vốn vay IDA cho dự án….
Tránh tình trạng trả lại vốn, hủy dự toán
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong năm 2020 và các năm tiếp theo, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, triển khai ngay việc ký kết các hợp đồng đối với các gói thầu đã có ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù cho phép các chuyên gia, tư vấn nhập cảnh với các điều kiện như áp dụng với các chuyên gia nhập cảnh ngắn hạn, có cơ chế tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với việc triển khai các chương trình, dự án.
“Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, về thời gian thẩm định đối với đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật.
Trường hợp quá hạn không có ý kiến trả lời được hiểu là đồng ý và được tổng hợp trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, ông Dũng phát biểu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị, Bộ Tài chính có báo cáo trình Thủ tướng về các giải pháp rút ngắn thời gian đàm phán, ký hiệp định vay vốn, thẩm định và ký hợp đồng cho vay lại. Bộ Tư pháp nghiên cứu rút ngắn quy trình và thời gian xem xét cấp ý kiến tư pháp.
“Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm việc ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA, hạn chế cân đối từ nguồn thu từ đất”, Bộ trưởng Dũng nói và nhấn mạnh, thực hiện nghiêm việc điều chuyển vốn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tránh tình trạng trả lại vốn, hủy dự toán sau ngày 30/9/2020.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm tăng cường an toàn, bảo mật đồng thời đảm bảo các giao dịch rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử không bị gián đoạn sau ngày 01/01/2025, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) khuyến nghị khách hàng cần nhanh chóng cập nhật giấy tờ tùy thân còn hiệu lực và hoàn thành đối chiếu khớp đúng với thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản/thẻ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
(Thanh tra) - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (DDC) ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029, đồng thời ký kết Hợp đồng tín dụng xanh tài trợ dự án Nhà máy Cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn (Thanh Hóa).
PV
21:09 22/11/2024Bài và ảnh: Quỳnh Mai
21:00 22/11/2024Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
14:29 22/11/2024Hương Giang
11:45 22/11/2024Hương Giang
09:25 22/11/2024Nam Dũng
Hoàng Nam
Lâm Ánh
Phương Hiếu
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Trần Kiên
PV
PV
Thu Huyền
Văn Thanh