Hương Giang
Thứ sáu, 31/12/2021 - 15:58
(Thanh tra) - Ủy viên Bộ Chính trị Phan Đình Trạc cho hay, dù chịu nhiều áp lực, nhưng Ban Nội chính Trung ương rất kiên quyết, kiên trì, theo đuổi đến cùng trong tham mưu chỉ đạo xử lý vụ án xảy ra tại Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế; vụ việc tiêu cực trong xét giảm thời gian chấp hành án và đặc xá đối với Phan Sào Nam; các vụ án, vụ việc tại Khánh Hòa, TP HCM, Đồng Nai, An Giang….
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Ảnh: B.H
Sáng 31/12, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 và trao tặng Huân chương Lao động.
Nhạy bén, quyết liệt tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ tham nhũng, tiêu cực
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đánh giá, năm 2021, là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khối lượng công việc rất lớn, nhiều đề án lớn, nhiều công việc mới, phức tạp, lại trong điều kiện dịch đại dịch COVID-19 nhưng Ban đã hoàn thành khá toàn diện các nhiệm vụ theo kế hoạch.
“Nhiều đơn vị, nhiều mặt công tác có nhiều chuyển biến tích cực, rõ rệt, hiệu quả hơn”, ông nhấn mạnh.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương dành thời khái quát lại 8 kết quả lớn. Trong đó, Ban đã chủ động xây dựng, tham mưu chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với cách làm bài bản, cụ thể, khoa học.
Đặc biệt, Ban Nội chính Trung ương đã nhạy bén, cụ thể, kiên trì, quyết liệt, hiệu quả hơn trong tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhất là, đã chủ động nghiên cứu, tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo cơ chế phối hợp xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án bảo đảm vừa nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa bảo đảm sự đồng bộ, nghiêm minh, kịp thời giữa kỷ luật của Đảng với xử lý hình sự, xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể với cán bộ, đảng viên vi phạm.
Đồng thời, chủ động, kiên quyết, kiên trì, cụ thể hơn trong tham mưu, chủ trương, định hướng xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo đúng kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Ông Phan Đình Trạc cho hay, dù chịu nhiều áp lực, nhưng Ban Nội chính Trung ương rất kiên quyết, kiên trì, theo đuổi đến cùng trong tham mưu chỉ đạo xử lý vụ án xảy ra tại Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế; vụ việc tiêu cực trong xét giảm thời gian chấp hành án và đặc xá đối với Phan Sào Nam; các vụ án, vụ việc tại Khánh Hòa, TP HCM, Đồng Nai, An Giang; chủ động đề xuất đưa một số vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo…
“Nếu không chủ động, không sâu sát, không bản lĩnh, không kiên trì, không công tâm, khách quan không làm được, dễ bị tác động và cũng dễ bị vi phạm”, ông Trạc thẳng thắn nói.
Ban Nội chính Trung ương cũng thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và nhiệm vụ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Chủ động, tích cực phối hợp tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý những vấn đề nổi lên về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Chủ động nắm bắt các vụ tham nhũng, tiêu cực dư luận quan tâm
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương vẫn còn một số hạn chế cần lưu ý như tính nhạy bén, chủ động, tính logic, tính cụ thể, chất lượng ở một số đơn vị, lĩnh vực có lúc, có việc chưa cao, thậm chí có biểu hiện thụ động, thiếu tự tin…
Ông đề nghị, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm cụ thể, quyết liệt. “Cán bộ làm không xong thì lãnh đạo cấp vụ phụ trách phải làm, lãnh đạo cấp vụ không xong thì vụ trưởng phải làm, vụ trưởng không xong thì lãnh đạo Ban phụ trách phải trực tiếp làm. Bây giờ nếu không đạt, tôi trả lại, nếu quá 3 lần thì văn phòng tính trừ điểm thi đua cuối năm”, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nêu rõ.
Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh một số nội dung.
Trong đó, phải khẩn trương tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình Công tác năm 2022 của 2 Ban Chỉ đạo.
Kịp thời tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc theo đúng yêu cầu, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động nghiên cứu, đề xuất đưa các vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Nhiệm vụ nữa là tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng ở địa phương và các bộ, ngành Trung ương.
Với nhiệm vụ này, Trưởng ban Nội chính Trung ương lưu ý, phải chủ động nắm bắt, kịp thời tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề nổi lên về an ninh trật tự; các vụ, việc sai phạm về tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, báo chí phản ánh, dư luận xã hội quan tâm.
Cùng với đó, xây dựng ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp của Ban năm 2022 “thiết thực, hiệu quả, đúng vai, thuộc bài”.
Ngoài ra, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, thẩm định, tham mưu, đề xuất về một số vấn đề lớn trong các dự án luật, đề án, văn bản quan trọng về nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp….
Ông Phan Đình Trạc cũng lưu ý phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 11 của Ban Bí thư về tổ chức Tết năm 2022.
“Cán bộ, công chức của Ban không chúc Tết lãnh đạo Ban. Văn phòng thông báo cho các Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy không chúc Tết lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương”, ông nêu rõ.
Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan chuyên trách chống tham nhũng
Năm 2022, Ban Nội chính Trung ương tập trung tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với 4 Đề án đã trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, gồm:
- Đề án “Sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”;
- Đề án “Quy định khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc khối các cơ quan nội chính theo tinh thần Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và đáp ứng tình hình mới”;
- Đề án “Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN”;
- Đề án “Về tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương”.
Ban cũng tập trung hoàn thành trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương 2 Đề án:
- Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”;
- Đề án “Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng”.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
Văn Thanh
14:07 15/10/2024Cảnh Nhật
17:20 14/10/2024Phương Anh
11:24 14/10/2024Chính Bình
10:56 14/10/2024Văn Thanh
16:53 13/10/2024Bùi Bình
09:12 12/10/2024Đức Anh
Anh Mạnh
Thanh Thanh
Lê Phương
Trọng Tài
Phương Anh
Phan Dũng
Đức Anh
Hoàng Long
Thu Huyền
Xuân Thống
Lê Hữu Chính