Chiều 3/10, UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III năm 2024.

Tại họp báo, báo chí quan tâm đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề đấu tranh chống nạn "cát tặc" trên các tuyến sông.

Trả lời vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, Bộ Công an, lãnh đạo thành phố đã giao lực lượng công an làm chủ công, phối hợp với các đơn vị đưa ra nhiều kế hoạch, giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm tình trạng bến bãi không hợp pháp.

Hiện nay, giá nguyên vật liệu xây dựng như cát đang tăng. Do đó, vấn đề “cát tặc” lại càng thêm nóng. Để xử lý nạn “cát tặc”, Công an thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch và giao cho đơn vị chủ công là Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã để đấu tranh với loại tội phạm này. Cùng với đó, còn có sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo 138 các cấp.

Trước nhu cầu nguyên vật liệu tăng cao, các đối tượng tìm mọi cách để khai thác cát trái phép. Trong quý III, Công an thành phố đã xác lập chuyên án để bắt giữ toàn bộ số đối tượng khai thác cát trái phép ở địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Ba Vì của Hà Nội; đã khởi tố và tạm giam 9 đối tượng; thu 2 tàu hút, 2 máy xúc và 9.000m3 cát trị giá hơn 700 triệu đồng và một súng thể thao. Vụ án này đang được điều tra mở rộng để xét xử điểm.

“Chúng tôi không bao giờ chấp nhận cán bộ liên quan đến hành vi tiếp tay, bảo kê. Bất kỳ trường hợp nào cũng phải xử lý nghiêm minh”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.

Với phản ánh của báo chí liên quan đến khai thác cát trái phép trên sông đoạn Thường Tín, Thanh Trì, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, đây là địa bàn giáp ranh với tỉnh Hưng Yên. Bên phía Văn Giang có mỏ nên các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh để “chạy sang” địa bàn tỉnh khác khi bị truy quét. Trong khi việc định vị cụ thể hành vi vi phạm trên sông, lực lượng công an phải mời Sở Tài nguyên và Môi trường xác định.

Phó Giám đốc Công an thành phố mong muốn báo chí cung cấp thông tin cụ thể và cam kết xử lý nghiêm vụ việc.

Cũng tại họp báo, báo chí đặt câu hỏi liên quan đến việc quản lý các công ty xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố và việc xử lý hành vi môi giới xuất khẩu lao động trái phép.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cho biết, vừa qua, có sự việc liên quan đến Công ty Educa Việt Nam ở 78 Duy Tân, Cầu Giấy. Cụ thể, vào 23h ngày 23/9/2024, Công an quận Cầu Giấy nhận tin có đông người kéo đến Công ty Educa liên quan đến hành vi môi giới người đi lao động ở nước ngoài.

Đây là ngày mà những người này được đi nước ngoài nhưng vì lý do gì đó đã không đi được. Giám đốc Công ty là Hoàng Trung Kiên (SN 1975, ở Quan Hoa, Cầu Giấy). Khi sự việc xảy ra, Công an quận Cầu Giấy đã có mặt để nắm tình hình.

Hiện nay, Cơ quan Công an chưa nhận được đơn nào của người dân trình báo bị hại. Lực lượng công an đã nắm tình hình, thực hiện đúng quy định của pháp luật để tránh trình trạng khi người bị hại có đơn trình báo lại không tìm thấy người có trách nhiệm.

“Công an thành phố Hà Nội đã yêu cầu Công an quận Cầu Giấy thụ lý vụ việc này”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nói.

Về quan điểm xử lý hành vi môi giới xuất khẩu lao động trái phép, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, các vụ việc diễn ra trên địa bàn đều được Công an thành phố xử lý nghiêm minh, khởi tố với khung hình phạt cao của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; triệt để thu hồi tài sản cho người bị hại.

“Quan điểm của chúng tôi là không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.

Hải Hà