Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với đợt mưa rất lớn trên cả nước

TH

Thứ ba, 06/10/2020 - 21:44

(Thanh tra) - Ngày 6/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan nhằm bàn giải pháp ứng phó với áp thấp trên Biển Đông và tình hình mưa lũ dự báo diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: TH

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 1h ngày 6/10, vị trí vùng áp thấp ở vào khoảng 13 - 14 độ Vĩ Bắc; 114,2 - 115,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 300km về phía Bắc. Dự báo trong 24h tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 1h ngày 7/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong 24h tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,0 độ Vĩ Bắc; từ 110,5 đến 116 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Đáng chú ý, dự báo từ ngày 6-11/10, ở các tỉnh Trung bộ có khả năng mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 300-500mm/đợt. Riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt. Các tỉnh Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-350mm/đợt. Các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam bộ có mưa vừa, cơ nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm/đợt.

Sau ngày 11/10, mưa lớn ở các tỉnh Trung bộ có diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành nhấn mạnh, hiện nay, khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục đang có mưa to, các hồ chứa ở khu vực này đã đầy nước và đang vận hành xả lũ. Do vậy, cần tiếp tục chỉ đạo để đảm bảo an toàn trước lũ quét, sạt lở đất và điều hành hồ xả lũ ở khu vực phía Bắc.

Đặc biệt, để ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, theo ông Thành, trên tuyến biển, cần tập trung chỉ đạo, sẵn sàng các phương án cứu hộ, cứu nạn để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền. Ở khu vực ven biển, cần triển khai công tác rà soát về nuôi trồng thủy sản.

Ông Thành nhấn mạnh thêm, không chỉ ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mà lũ trong sông chảy ra biển cũng sẽ ảnh hưởng đến khu vực nuôi trồng thủy sản, do vậy, Tổng cục Thủy sản cần quan tâm đến vấn đề này.

Đồng thời, với dự báo mưa sẽ kéo dài và lượng mưa lớn ở khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên, nhất là Bắc Tây Nguyên, với lượng mưa trên 1.000mm là mưa lớn đặc biệt nghiêm trọng.

Ông Thành đề nghị “các tỉnh miền Trung phải kiểm tra phương án đảm bảo an toàn, kể cả sản xuất và đảm bảo an toàn hồ chứa. Cần có tham mưu để chỉ đạo, sẵn sàng tại các địa phương như Hương Khê, Hà Tĩnh; Quảng Bình, đặc biệt sẵn sàng kích hoạt các công tác cần chuẩn bị trong tình huống sống chung với lũ lớn”.

Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai xác định đây là đợt thiên tai nguy hiểm, diễn ra trên phạm vi rộng, không chỉ ở miền Trung mà còn ở khu vực miền Bắc.

Đối với áp thấp có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới và dự báo mưa lũ diễn ra rất rộng hiện nay, ông Hoài đề nghị, cần tăng cường cho công tác dự báo. Ngoài việc nhận định dài hạn cần thiết cho vận hành công trình thủy lợi, hồ chứa, sẵn sàng giải pháp ứng phó cần có dự báo ở phạm vi hẹp, ngắn hạn, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ mưa lũ lớn.

“Điều này rất quan trọng vì mưa dự báo đến hơn 1.000mm, có nơi hơn 1.500mm, đề nghị cần có cảnh bão lũ. Bên cạnh đó, xem xét cấp độ rủi ro bởi đối với lượng mưa lớn như vậy với phạm vi rộng là một tình huống rất nguy hiểm. Cần chủ động ứng phó trên phạm vi rộng, không chỉ khu vực miền Trung mà cả miền Bắc vì hiện nay hầu hết các hồ chứa thủy điện lớn của chúng ta đã đầy nước” - ông Hoài nhấn mạnh.

Ông Hoài yêu cầu trên tuyến biển, Tổng cục Thủy sản cần có phương án cho nuôi trồng thủy hải sản ven biển, đồng thời có phương án đảm bảo an toàn về người để  trú tránh khi có tình huống gió lớn, phức tạp, đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của địa phương và cơ quan phòng, chống thiên tai.

Ông Hoài cũng lưu ý tới đối tượng là khách du lịch, kinh nghiệm ứng phó với thiên tai còn hạn chế. Do vậy, cần chỉ đạo các địa phương, cơ quan chỉ huy có phương án để đảm bảo an toàn.

Trên khu vực đất liền, ông Hoài đề nghị cần triển khai ngay nội dung về kiểm tra ngay hệ thống đê biển, đê cửa sông, nhất là khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh. Đồng thời, cần có các giải pháp an toàn cho các khu vực đang thi công.

Với khu vực dân cư, ông Hoài yêu cầu các địa phương rà soát ngay các vùng thấp trũng, có phương án sơ tán để đảm bảo an toàn cho người dân, trong đó, cần chuẩn bị phương án sơ tán trong điều kiện dài ngày. Đặc biệt, chú ý chặt tỉa cành cây, tránh tình trạng cây gãy đổ và một số cơ sở hạ tầng khác như tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa qua.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024
Chủ động cảnh báo, chỉ đạo về phòng, chống thiên tai sẽ giảm thiểu thiệt hại

Chủ động cảnh báo, chỉ đạo về phòng, chống thiên tai sẽ giảm thiểu thiệt hại

(Thanh tra) - Ngày 22/11, tại Hòa Bình, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, nhằm đánh giá về diễn biến của trận lũ đặc biệt lớn sau bão số 3, thực trạng hệ thống đê điều, bãi sông, lòng dẫn và vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác ứng phó, hộ đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Hoàng Nam

15:38 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm