Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thu Huyền
Thứ năm, 13/07/2023 - 06:35
(Thanh tra) - Báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp cho thấy, việc thực hiện Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh còn có nhiều tồn tại, bất cập. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do thiếu vốn và hạn chế về công tác quản lý.
Hiện trường vụ sạt lở tại khu vực bờ kênh Cần Lố (xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh). Ảnh: Nhựt An
Sạt lở gia tăng, hậu quả nghiêm trọng
Đồng Tháp là tỉnh nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, có sông Tiền và sông Hậu chảy qua. Trong đó, sông Tiền chảy qua 10 trong tổng số 12 huyện, TP của tỉnh Đồng Tháp với chiều dài dòng chính khoảng 122,9km.
Do tác động của dòng chảy và hoạt động kinh tế - xã hội của con người nên bờ sông bị sạt lở. Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông ở Đồng Tháp ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tài sản và tâm lý, tinh thần của người dân.
Vụ sạt lở nghiêm trọng được ghi nhận gần đây tại Đồng Tháp xảy ra vào ngày 12/5/2023, trên tuyến đường bờ Tây kênh Cần Lố thuộc địa bàn xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh. Khu vực sạt lở có chiều dài 30m, rộng bình quân từ 4 - 5m, “nuốt” khoảng 135m2 đất.
Trước đó, vào tháng 4/2023, UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở kênh Đốc Phủ Hiền (đoạn từ rạch Ngã Bát đến giáp cầu Đốc Phủ Hiền) khu vực xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc. Tại khu vực này, ngày 1/4 đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp tính mạng và tài sản của 46 hộ dân với 213 nhân khẩu.
Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra 19 vụ sạt lở bờ sông, kênh rạch với tổng chiều dài 553m và diện tích bị sạt lở khoảng 1.941m². Hầu hết các huyện, TP trên địa bàn tỉnh đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng sạt lở.
Những năm qua, chính quyền địa phương và các ngành chức năng tại tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc triển khai Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở vẫn chưa được ngăn chặn một cách hữu hiệu.
Kết quả ban đầu
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, mặc dù tỉnh không xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống sạt lở bờ sông, nhưng đã thực hiện dự án đo đạc, giám sát đánh giá ổn định bờ sông Tiền và thiết lập hành lang sạt lở tại khu vực đông dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn.
Tỉnh đầu tư xây dựng nhiều công trình kè phòng, chống sạt lở bờ sông Tiền nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng và đã phát huy hiệu quả cao, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở bờ sông gây ra. Trong đó, đã triển khai 8 công trình phòng, chống sạt lở bờ sông (hoàn thành 3 công trình, 5 công trình đang thi công); chuẩn bị đầu tư 4 công trình (3 công trình đang khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi, 1 công trình đang lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán).
Việc xử lý các vi phạm gây nguy cơ sạt lở bờ sông cũng được các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp chú trọng thực hiện. Từ năm 2020-2022, Công an tỉnh đã phát hiện 35 vụ vi phạm khai thác cát ở lòng sông làm gia tăng nguy cơ gây sạt lở bờ sông.
Để giải quyết tình trạng vi phạm xây dựng công trình, nhà ở ven sông có nguy cơ gây sạt lở, Sở Xây dựng đang dự thảo chương trình giải quyết tình trạng xây dựng công trình, nhà ở lấn, chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, trình UBND tỉnh ban hành.
Năm 2021, tỉnh Đồng Tháp thí điểm lắp đặt biển báo, thả phao phân luồng và camera giám sát bảo vệ công trình kè sông Tiền tại kè Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò.
Còn nhiều khó khăn, bất cập
Một trong những khó khăn trong việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gây sạt lở bờ sông tại Đồng Tháp đó là lực lượng thực hiện công tác phòng, chống thiên tai các cấp còn ít, thiếu nhân lực có chuyên môn sâu và chủ yếu làm việc theo hình thức kiêm nhiệm. Chưa có cán bộ chuyên trách cả ở cấp tỉnh, huyện, xã; nguồn nhân lực này thường thay đổi liên tục. Đồng thời, thiếu phương tiện, trang thiết bị (đặc biệt là phương tiện đường thuỷ).
Các đối tượng vi phạm (nhất là những đối tượng khai thác khoáng sản trải phép ở lòng sông) thường sử dụng thủ đoạn, lợi dụng kẽ hở trong các quy định, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc áp dụng chế tài xử phạt. Bên cạnh đó, việc áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính cũng gặp rất nhiều bất cập, do khó định lượng giá trị thiệt hại để đưa ra hình thức xử lý phù hợp.
Báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp cho thấy, năm 2022, tỉnh chưa nhận được hỗ trợ di dân Trung ương do chưa được phân bổ vốn và chưa ban hành hướng dẫn xây dựng chính sách mới giai đoạn 2021 - 2025 nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế địa phương.
Công tác quản lý xây dựng còn hạn chế nên tồn tại các công trình nhà ở, bến bãi xây dựng trái phép lấn chiếm lòng sông, kênh rạch, cản trở thoát lũ. Công trình giao thông nông thôn nằm ngay sát bờ sông, phương tiện giao thông bộ chưa quản lý tải trọng cho phép, phương tiện giao thông thủy chạy với tốc độ lớn cũng dẫn đến hiện tượng sạt lở cục bộ.
Tình trạng nuôi thủy sản bằng bè ngoài quy hoạch lấn chiếm mặt sông làm thu hẹp mặt cắt ướt lòng sông và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng có những tác động đến quá trình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tính đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh còn khoảng hơn 44,32km bờ sông cần phải có giải pháp xử lý ngăn chặn sạt lở. Trong đó, giai đoạn cấp bách từ nay đến năm 2025 cần được bố trí vốn để xử lý xói lở 4,97km bờ sông Tiền khu vực xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự.
UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị bổ sung ngân sách Trung ương cho tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với số tiền hơn 49 tỷ đồng để hoàn trả tạm ứng ngân sách tỉnh đã hỗ trợ người dân ổn định chỗ ở trong những năm qua.
Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành văn bản hướng dẫn, quy định quy trình bố trí, ổn định dân cư các vùng theo Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp 30% kinh phí thực hiện chương trình giải quyết nhà ở lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra chiều 13/12, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Sỹ Nghiêm để làm rõ tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Văn Thanh
20:09 13/12/2024(Thanh tra) - Chiều 13/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, trạm đảo Cồn Cỏ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.
Thái Hải
19:48 13/12/2024Thái Hải
21:09 12/12/2024Hải Hà
20:22 11/12/2024Hoàng Nam
21:03 10/12/2024Minh Tân
20:30 10/12/2024Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên