Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 05/09/2019 - 15:11
(Thanh tra) – Trao đổi với phóng viên sáng ngày 5/9, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cho rằng, chính quyền quận Thanh Xuân đã hành xử “vô trách nhiệm” với sức khoẻ của người dân trong vụ cháy ở Công ty Rạng Đông.
ĐB Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng
Ngay sau ngày xảy ra đám cháy tại Công ty Rạng Đông vào đêm 28/8, UBND quận Thanh Xuân đã yêu cầu rút cảnh báo của UBND phường Hạ Đình, đồng thời ra văn bản khẳng định “an toàn”.
Trong khi đó, mới đây, Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định có “15,1- 27,2kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường" và vùng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân là trong khoảng cách 500 m tính từ hàng rào nhà máy bị cháy.
Quận “vô trách nhiệm”…
Trao đổi với phóng viên sáng ngày 5/9, các ĐBQH đều cho rằng, chính quyền quận Thanh Xuân đã hành xử “vô trách nhiệm” với sức khoẻ của người dân.
Theo ĐB Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, văn bản cảnh báo của UBND phường sau đám cháy để người dân tránh những nguy cơ có thể xảy ra là điều đáng làm.
Hơn nữa, văn bản này cũng không phải là văn bản hành chính có tác động đến những hoạt động của bộ máy công quyền mà chỉ là cảnh báo để người dân phòng tránh tác hại.
“Tôi cho rằng việc UBND phường Hạ Đình ra cảnh báo như thế là đáng hoan nghênh, họ đã hành động hoàn toàn vì lợi ích của người dân và thể hiện trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Còn sau này nếu kiểm tra, kiểm chứng xong rồi thì thông báo trở lại là hủy cảnh báo đó đi thì không có vấn đề gì cả”, ông Sơn đánh giá.
Còn cách hành xử của UBND quận yêu cầu thu hồi cảnh báo đó với lý do vượt thẩm quyền, theo ông Sơn là “không ổn”.
“Trong câu chuyện này không phải kiểm điểm trách nhiệm của UBND phường mà chính các ông ở UBND quận Thanh Xuân phải kiểm điểm trách nhiệm. Bởi đòi kiểm điểm chính quyền phường là rất khôi hài, không thể hiện đúng vai trò của cấp hành chính trong điều hành xã hội”, ĐBQH Sơn nói thêm.
Cùng quan điểm này, ĐB Đinh Duy Vượt, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ Môi trường QH cũng cho rằng, thay vì ra quyết định rút thông báo cảnh báo của phường Hạ Đình, nhiệm vụ của chính quyền quận Thanh Xuân là phải tích cực vào cuộc, đề nghị các cơ quan chức năng để sớm có thông tin chính thức, cảnh báo cho người dân.
“Tôi cho rằng, phản ứng của chính quyền quận như vừa rồi là chưa ổn và cần phải kiểm điểm rút kinh nghiệm”, ông Vượt nêu ý kiến.
“Đi ngược lại đạo lý thông thường”
Trong khi đó, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng thì cho rằng, qua diễn biến vụ việc những ngày vừa qua, dư luận không đồng tình với UBND quận Thanh Xuân trong việc phản ứng với thông báo của UBND phường Hạ Đình cũng như đưa ra thông báo an toàn một cách một vội vã, thiếu cơ sở.
Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng
Dẫn chứng kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường của Bộ Tài nguyên Môi trường công bố tối qua và sáng nay, trong đó thông báo còn 2 khu vực có nồng độ thủy ngân vượt ngưỡng, theo ông Nhưỡng, như vậy, thực tiễn đã chứng minh là nguồn độc hại từ đám cháy Công ty Rạng Đông đang tồn tại, có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
“Quay ngược lại sự việc chúng ta thấy rằng, UBND phường Hạ Đình đã phản ứng rất nhạy cảm với vấn đề. Và việc UBND quận Thanh Xuân yêu cầu thu hồi cảnh báo, đề nghị kiểm điểm lãnh đạo phường vì ra thông báo cảnh báo người dân là vô trách nhiệm, đang đi ngược lại đạo lý thông thường, chưa cần nói đến là sai luật. Giữa Thủ đô, tại một quận văn minh mà lãnh đạo quận lại hành xử như thế thì cần phải lên án”, Phó Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh.
Về thông báo “an toàn” mà quận Thanh Xuân đưa ra trước khi có kết quả chính thức của Bộ Tài nguyên Môi trường, ông Nhưỡng cho rằng, chính quyền quận phải có trách nhiệm lo cho cuộc sống của người dân và để thực hiện trách nhiệm này phải có năng lực, sự hiểu biết còn nếu không thì phải đề nghị các cơ quan có chức năng vào cuộc, quan trắc môi trường để đánh giá chứ không thể đưa ra một thông báo như vậy.
“Tôi cho rằng đó chính là sự dối trá trước người dân, phải kiểm điểm những cán bộ có thẩm quyền của quận để răn đe, giáo dục, tránh tình trạng báo cáo láo”, ông Nhưỡng gay gắt.
Phó trưởng Ban Dân nguyện cũng cho rằng, khi có đám cháy xảy ra mà có nghi ngờ ảnh hưởng đến môi trường thì chính quyền dứt khoát phải có cảnh báo để người dân biết cách phòng tránh.
“Sau đó sẽ thông báo chính thức, thông báo an toàn, thông báo ngưỡng an toàn để người dân yên tâm, đỡ lo, đó là nhiệm vụ của chính quyền, là đạo lý của người quản lý”, ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Nhưng thay vì có cảnh báo, đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc để có thông tin chính xác thì cách hành xử của chính quyền quận Thanh Xuân đã làm cho người dân hoang mang.
“Đó là làm rối loạn triều cương. Anh lợi dụng vị thế của anh để muốn làm thế nào thì làm. Tôi cho rằng, cán bộ, lãnh đạo ở phường Hạ Đình mới xứng đáng là người lãnh đạo quận”, ông Nhưỡng nêu.
Ngày 28/8, tại Công ty Rạng Đông diễn ra cháy lớn.
Ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình ra văn bản đã khuyến nghị người dân không tiêu thụ các loại rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn... trong bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày…
Tuy nhiên, ngay sau đó, UBND quận Thanh Xuân đã thu hồi văn bản cảnh báo này và yêu cầu kiểm điểm UBND Chủ tịch UBND phường vì ra văn bản khuyến cáo không đúng thẩm quyền, gây hoang mang.
Chiều ngày 30/8, UBND quận ra văn bản khẳng định môi trường khu vực cháy vẫn an toàn với người dân.
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều ngày 4/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, “có 15,1- 27,2kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường".
Về kết quả quan trắc, theo ông Nhân, trong 12 mẫu chất thải rắn, tro xỉ sau cháy để xác định nồng độ thuỷ ngân thì có 1 mẫu vượt 1,3 lần quy chuẩn Việt Nam, và đó là mẫu lấy từ cống nước thải cách nhà máy 1,5 km đổ ra sông Tô Lịch.
Ngoài ra, trong 8 mẫu nước thì có 1 mẫu có giá trị vượt quy chuẩn 2,76 lần. Trong khi đó, có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy, vượt quy chuẩn.
Ông Nhân cho hay, các chất này phát tán vào không khí và môi tường xung quanh. Một phần vào nước, chảy vào sông Tô Lịch, tích tụ trầm tích ở bùn đáy.
Bộ Tài nguyên Môi trường xác định phạm vi vùng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân là trong khoảng cách 500 m tính từ hàng rào nhà máy bị cháy.
Về giải pháp xử lý, ông Nhân cho hay, Bộ Tài nguyên Môi trường đã đề nghị, Công ty Rạng Đông, khẩn trương thực hiện các biện pháp, không để thủy ngân tiếp tục phát tán ra môi trường.
“Chúng tôi đã kiến nghị TP Hà Nội phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai tẩy độc khu vực bị cháy. Tiếp tục thống kê hàng hóa bị cháy, xác định đúng số lượng thủy ngân có thể phát tán vào môi trường. Ngoài ra, khuyến cáo người dân trong vùng phạm vi bán kính cách hàng rào nhà kho cháy đến 500m áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng ngừa phơi nhiễm bảo vệ sức khỏe”, ông Nhân nói.
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024(Thanh tra) - Ngày 22/11, tại Hòa Bình, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, nhằm đánh giá về diễn biến của trận lũ đặc biệt lớn sau bão số 3, thực trạng hệ thống đê điều, bãi sông, lòng dẫn và vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác ứng phó, hộ đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.
Hoàng Nam
15:38 22/11/2024Hải Hà
21:28 20/11/2024Hoàng Nam
20:46 20/11/2024Uyên Phương
11:48 20/11/2024Trần Kiên
Bùi Bình
Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh